Chủ Nhật, 23 Tháng Tư, 2023 23:52

Miếng ăn là miếng tồi tàn

 

Khi lướt mạng, gặp những chủ đề về chuyện thú cưng ham ăn đến… mất liêm sỉ, thỉnh thoảng có lời bình luận vui: “Miếng ăn là miếng tồi tàn”. Đây là một phần của câu ca dao: “Miếng ăn là miếng tồi tàn/ Mất đi một miếng, lộn gan lên đầu”, ý chỉ thói tham ăn tục uống, hám lợi, thấy cái lợi trước mắt là đánh rơi cả phẩm giá.

Vào những năm tháng chiến tranh gian khổ, người cha của ba đứa con thuộc thế hệ 6x luôn để các con ăn “ngang dạ” trước khi đi liên hoan. Thời đó, mỗi khi cơ quan có tiệc là cơ hội hiếm có để bọn con nít được ăn tươi thỏa thích, cha mẹ cũng không nỡ mắng. Nhờ chiêu “dằn bụng” trước này mà lúc đi dự tiệc, lũ trẻ nhà ấy nhiệt tình tham gia đố vui, xem biểu diễn văn nghệ và vào bàn thì lễ phép mời mọi người. Khi ăn, chúng biết từ tốn thưởng thức, trò chuyện vui vẻ chứ không cắm mặt vào ăn.

Cô con út của gia đình ấy kết hôn, xa nhà, nhiều khi phải tằn tiện, vá víu. Một lần nọ, người bạn dẫn mẹ con cô đi ăn buffet và dặn ba con trai của mình trước đó bỏ bữa để đến nhà hàng ăn “tẹt ga” cho bõ tiền. Y như rằng! Nhân viên và thực khách phải trố mắt khi có bao nhiêu hàu tươi ngon đều được ba cậu trai đem về bàn, các loại hải sản khác cũng vậy. Người bạn thấy bé gái ăn nhỏ nhẻ cứ giục giã “ăn tự nhiên đi cháu, đừng khách khí” nhưng người mẹ lại thấy hài lòng. Cô đã áp dụng đúng cách dạy của cha mình năm xưa, không bao giờ để con cái phải ám ảnh với miếng ăn. Nhờ vậy, trẻ em có thể dành đầu óc và thời gian vào chuyện quan trọng, lý thú khác.

Một thanh niên gần 30 tuổi chưa mạnh dạn đưa người yêu về nhà ra mắt. Cô trẻ trung, xinh đẹp, nói chuyện cởi mở, mỗi tội có niềm ham thích đặc biệt với chuyện ăn uống. Cứ thấy đồ ăn ngon, cô nàng sẽ hào hứng ăn liên tục, không để ý đến chuyện gì khác; đã thế còn hay tiện tay lục tủ lạnh nhà người khác khi ghé chơi. Tranh thủ lúc cha mẹ anh đi vắng, anh đưa cô về cho biết nhà. Cô vô tư vào bếp mở tủ lạnh, thấy hộp sôcôla xịn liền, bóc ra ăn luôn và chạy ra cho người yêu cắn chung. Thấy vậy, anh giật mình vì hộp sôcôla này là quà mẹ anh để dành tặng cho bà bạn thân. Vì thương người yêu, anh đành “giơ đầu chịu báng”, nhận tội ăn vụng với mẹ và bị cằn nhằn mãi. Anh cứ cầu rằng: “Cô ấy mà sửa được tật háu ăn thì đúng là mười phân vẹn mười”.

*

Mỗi vùng miền, quốc gia đều có những quy tắc ăn uống đặc trưng. Điểm chung là nên dùng bữa từ tốn chứ đừng quá tham lam, chỉ biết vơ hết phần ngon về mình. Thứ nhất ăn chậm, nhai kỹ có lợi cho dạ dày và sức khỏe; thứ hai, cách ăn khoan thai khiến con người trở nên nhã nhặn, thanh lịch. Kho tàng tục ngữ, ca dao Việt Nam đã để lại nhiều lời răn dạy hậu thế chuyện ăn uống như “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”; “Học ăn, học nói, học gói, học mở”; “Ăn kỹ no lâu, cày sâu tốt lúa”; “Tham thực thì cực thân”…

Theo Công giáo, phàm ăn bị liệt vào bảy mối tội đầu cùng với kiêu ngạo, tham lam, tà dâm, đố kỵ, thù hằn và lười biếng. “Đại tội” phàm ăn không chỉ bao gồm ăn quá nhiều, quá lãng phí mà còn có cả nết kén cá chọn canh và ăn uống quá kham khổ khi hoàn cảnh không bắt buộc. Nghiện ăn cũng có thể gây nguy hiểm như mọi thói nghiện ngập khác. Nếu ta khó kiểm soát được việc ăn uống, ta cũng sẽ khó kìm chế dục vọng và các ham muốn khác, càng khó giữ miệng khỏi thói ngồi lê đôi mách.

Khi ai đó thèm muốn thức ăn một cách vô độ, họ cũng hình thành tính ích kỷ, không thèm quan tâm đến nhu cầu của người khác. Ngoài ra, nếu con người “nghiện” ăn uống, dần dần họ sẽ bỏ lỡ nhiều niềm vui lành mạnh khác như thể thao, nghệ thuật, học hành…

Một bạn đã nói vui: Nhiều người hỏi tôi yêu hay ăn quan trọng hơn, tôi không trả lời vì tôi đang bận nhai.

 

Ths-Bs Lan Hải

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm