Thứ Hai, 27 Tháng Hai, 2023 16:20

Minh họa lời Chúa với đường nét đơn giản

 

Anne Marie (Annie) Vallotton, người Thụy Sĩ, sinh tại thủ đô Lausanne ngày 21.2.1915, tạ thế ở Pháp ngày 28.12.2013. Thân phụ bà là nhà văn, nhà giáo, nhà báo Benjamin Vallotton (1877 - 1962); ông đã học thần học ở Munich (Ðức) và Paris (Pháp). Thân mẫu bà sinh ở vùng Alsace (Pháp), là cháu gái một mục sư Tin Lành thuộc Hội Thánh Luther.

 

Với chủ ý dùng minh họa để truyền rao Lời Chúa, bà Vallotton đã xuất bản các tập tranh trong các năm 1970, 1973, 1977, 1982… Ðặc biệt là quyển Priority (gồm sáu mươi tranh vẽ về cuộc đời Ðức Giêsu, in trong thập niên 1960) đã gây ấn tượng cho nhà ngôn ngữ học người Mỹ là Eugene Nida (1914 - 2011) đang làm xuất bản ở New York. Ông Nida liên lạc với bà Vallotton để cậy bà minh họa một quyển Kinh Thánh. Năm 1966, hai bên gặp nhau mười phút tại sân bay Stuttgart (Ðức) và bà Vallotton đồng ý vẽ cho quyển Good News Bible (Kinh Thánh Phúc Âm) do American Bible Society (Hội Kinh Thánh Hoa Kỳ) xuất bản.

 

Bà vẽ hơn năm trăm tranh [cho quyển Kinh Thánh Phúc Âm], trong đó có “một số tranh phải vẽ đi vẽ lại tới tám mươi, chín mươi lần mới ưng ý”, bà tiết lộ như vậy trong cuộc phỏng vấn năm 2008 (I did some of the drawings [for the Good News Bible] 80-90 times before I achieved the one I wanted. Theo: http://news.americanbible.org/blog/entry/corporate-blog/annie-vallotton-legacy-of-the-good-news-bible). Bút pháp của bà rất độc đáo: Chỉ dùng đường nét đơn giản (simple lines) và bóng mờ (shading) để diễn tả nhân vật và cảm xúc. Bà bảo: “Tôi muốn đơn giản tranh tới mức tối đa. - I wanted to simplify them the most I could”.

Good News Bible (Kinh Thánh Phúc Âm) nhằm chuyển Lời Chúa đến đại chúng bằng thứ tiếng Anh đời thường, dễ hiểu. Cho tới nay, hơn 225 triệu bản in đã ra đời; mỗi quyển đều có tranh minh họa của bà Vallotton.

Tôi trích lại đây mười hai tranh vẽ tiêu biểu của bà Vallotton. Kèm theo từng tranh, tôi trích các đoạn Phúc Âm liên quan, mượn từ bản dịch 2011 của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ.


1. Ngôi sao dẫn đường ba nhà chiêm tinh

Thánh tông đồ Mátthêu (Mt) chép:

Khi Ðức Giêsu ra đời tại Bêlem, miền Giuđê, thời vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ Phương Ðông đến Giêrusalem, và hỏi: “Ðức Vua dân Do Thái mới sinh hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Ðông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.” (Mt 2,2)

Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Ðông lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người. (Mt 2,9-11)


2. Thiên binh và sứ thần ngợi khen Thiên Chúa

Thánh tông đồ Luca (2,8-13) chép:

Có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu tỏa chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. Nhưng sứ thần bảo họ: “Anh em đừng sợ. Này, tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Ðấng Cứu Ðộ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Ðavít. Người là Ðấng Kitô Ðức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: Anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”. Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa . . .


3. Những người chăn chiên viếng Chúa Hài Ðồng

Thánh tông đồ Luca (2,15-20) chép:

Khi các thiên sứ từ biệt mấy người chăn chiên để về trời, những người này bảo nhau: “Nào chúng ta sang Bêlem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết”. Họ liền hối hả ra đi. Ðến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên. Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ.


4. Ðức Giêsu chịu phép rửa

Thánh tông đồ Luca (Lc) chép:

Ðám đông lũ lượt kéo đến xin ông Gioan làm phép rửa . . . (Lc 3,7)

Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Ðức Giêsu cũng chịu phép rửa, và đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con”. (Lc 3,21-22)


5. Ðức Giêsu tại Samari

Thánh tông đồ Gioan (Ga) chép:

Ðức Giêsu bỏ miền Giuđê mà trở lại miền Galilê. Do đó, Người phải băng qua Samari. (….) Người đi đường mỏi mệt, nên ngồi ngay xuống bờ giếng. Lúc đó vào khoảng mười hai giờ trưa. (Ga 4,3-4, 6)

Có một người phụ nữ Samari đến lấy nước. Ðức Giêsu nói với người ấy: “Chị cho tôi xin chút nước uống.” Lúc đó, các môn đệ của Người đã vào thành mua thức ăn. Người phụ nữ Samari liền nói: “Ông là người Do Thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông nước uống sao?” Quả thế, người Do Thái không được giao thiệp với người Samari. (Ga 4,7-9) [Người Do Thái vốn khinh bỉ và thù nghịch người Samari, nhưng Ðức Giêsu không cư xử như vậy.]


6. Người Samari tốt lành

Thánh tông đồ Luca (10,30-35) chép:

Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lêvi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Samari kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác”.


7. Con chiên bị mất

Thánh tông đồ Luca (15,3-7) chép:

[Ðức Giêsu kể:] Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó”. Vậy, tôi nói cho các ông hay: Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.


8. Ðức Giêsu và trẻ em

Thánh tông đồ Mátthêu (19,13-15) chép:

Bấy giờ người ta dẫn trẻ em đến với Ðức Giêsu, để Người đặt tay trên chúng và cầu nguyện. Các môn đệ la rầy chúng. Nhưng Ðức Giêsu nói: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng”. Người đặt tay trên chúng, rồi đi khỏi nơi đó.


9. Ðức Giêsu rửa chân cho các môn đệ

Thánh tông đồ Gioan (Ga) chép:

Trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Ðức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. (Ga 13,4-5)

Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Ðức Giêsu mặc áo vào, về chỗ và nói: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.” (Ga 13,12-15)


10. Ông Phêrô chối Thầy

Thánh tông đồ Luca (22,54-62) chép:

Họ bắt Ðức Giêsu, điệu Người đến nhà vị thượng tế. Còn ông Phêrô thì theo xa xa. Họ đốt lửa giữa sân và đang ngồi quây quần với nhau, thì ông Phêrô đến ngồi giữa họ. Thấy ông ngồi bên ánh lửa, một người tớ gái nhìn ông chòng chọc và nói: “Cả bác này cũng đã ở với ông ấy đấy!”. Ông liền chối: “Tôi có biết ông ấy đâu, chị!” Một lát sau, có người khác thấy ông, liền nói: “Cả bác nữa, bác cũng thuộc bọn chúng!”. Nhưng ông Phêrô đáp lại: “Này anh, không phải đâu!”. Chừng một giờ sau, có người khác lại quả quyết: “Ðúng là bác này cũng đã ở với ông ấy, vì bác ta cũng là người Galilê”. Nhưng ông Phêrô trả lời: “Này anh, tôi không biết anh nói gì!”. Ngay lúc ông còn đang nói, thì gà gáy. Chúa quay lại nhìn ông, ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông: “Hôm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần”. Và ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết.


11. Ðức Giêsu chịu đóng đinh vào thập giá

Thánh tông đồ Gioan (19,14-18) chép:

Hôm ấy là ngày áp lễ Vượt Qua, vào khoảng mười hai giờ trưa. Ông Philatô nói với người Do Thái: “Ðây là vua các người!”. Họ liền hô lớn: “Ðem đi! Ðem nó đi! Ðóng đinh nó vào thập giá!”. Ông Philatô nói với họ: “Chẳng lẽ ta lại đóng đinh vua các người sao?”. Các thượng tế đáp: “Chúng tôi không có vua nào cả, ngoài Xêda”. Bấy giờ ông Philatô trao Ðức Giêsu cho họ đóng đinh vào thập giá.

Vậy họ điệu Ðức Giêsu đi. Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Hípri là Gôngôtha; tại đó, họ đóng đinh Người vào thập giá, đồng thời cũng đóng đinh hai người khác nữa . . .


12. Ba phụ nữ đứng gần thập giá Ðức Giêsu

Thánh tông đồ Gioan (Ga) chép:

Tại đó [Gôngôtha], họ đóng đinh Người vào thập giá, đồng thời cũng đóng đinh hai người khác nữa, mỗi người một bên, còn Ðức Giêsu thì ở giữa. (Ga 19,18)

Ðứng gần thập giá Ðức Giêsu, có: thân mẫu Người; chị của thân mẫu (bà Maria vợ ông Cơlôpát); cùng với bà Maria Mácđala (Ga 19,25).

 

 

Huệ Khải

 

 

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm