Thứ Sáu, 18 Tháng Mười Một, 2022 09:00

Một di vật quý của cha Trương Bửu Diệp ở nhà thờ Tắc Sậy

 

Nhà tôi chỉ cách nhà thờ Tắc Sậy (Bạc Liêu) chừng vài cây số, bao năm đến thành kính tưởng niệm cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp, có khi đi “mình ên” hay cũng có lúc đi cùng bạn bè. Có dạo cả lớp học ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên của chúng tôi tổ chức cùng đến nhà thờ trong nắng chói chang giữa hai buổi học, cả đoàn xe gắn máy rồng rắn đến viếng cha, rồi lại rong ruổi trở về để vào học buổi chiều. Tôi hầu như quen thuộc từng lối đi, công trình, cảnh quan, thánh đường, phòng xin lễ, khu mộ cha Diệp, khu ở của các dì phước... Rồi mỗi khi đón bạn từ Sài Gòn xuống viếng cha, tôi còn đóng vai “thổ địa” hướng dẫn này nọ...

 

 

Nhưng một hôm đạp xe đến nhà thờ, tôi mới phát hiện hãy còn những mới lạ trong không gian tưởng cũ: ở trước khu mộ cũ an táng cha từ năm 1969 không xa lăng mộ mới, có di vật quý do cha đặt làm và còn ghi tên ngài, đó là quả chuông cỡ trung bình, đã có 92 năm tuổi. Ngắm, nắn nót chụp vài tấm ảnh, tôi không khỏi nghĩ về một thời đã xa khi cha Trương Bửu Diệp còn tại thế...

Năm 1930 của thế kỷ trước, bối cảnh xã hội khác nay nhiều, vùng Tắc Sậy đương nhiên rất khác. Thời gian này trước đệ nhị thế chiến đến gần mười năm, đất nước hãy còn là thuộc địa. Quả chuông đúc trước khi cha Diệp về với Chúa 16 năm và ngày nay trở thành một di vật hiếm hoi, trân quý gắn với công nghiệp của ngài.

Nhà thờ Tắc Sậy đã qua bao thăng trầm lịch sử, hai cuộc chiến tranh kéo dài, những ngày tháng gian khó, và cũng đã xây dựng sửa chữa nhiều lần, cảnh quan - công trình ngày cũ chắc chắn đã khác hẳn. Quả chuông treo trước nơi cha Trương Bửu Diệp an nghỉ đầu tiên như chứng nhân thiêng liêng nhắc nhở những ngày tháng cũ, về vị mục tử đã vì đàn chiên mà xả thân.

Ngày thường, đồng bào các nơi, trong cũng như ngoài đạo vẫn đến viếng cha, như về nguồn. Nhiều người từ nơi xa hay hải ngoại đến hành hương có lẽ khó nhận ra di vật quý này vì treo ở một góc hơi khuất chăng?

Là người viếng thăm nơi đây nhiều, cứ tưởng đã quen thuộc lắm, ấy thế mà tôi vẫn còn thiếu sót, mới “phát hiện” ra di vật quý ấy. Nhìn quả chuông xưa, nghĩ về cha và những ơn thiêng mà nhiều người hành hương vẫn nhận được qua lời cầu bầu từ ngài, lòng trầm lắng một cảm xúc hoài cổ nhẹ nhàng…

 

CÔNG NGUYÊN

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm