Thứ Tư, 25 Tháng Năm, 2022 16:04

Một kỳ Sea Games thành công, và...?

 

Kết thúc Ðại hội Thể thao Ðông Nam Á trên sân nhà, đoàn Việt Nam đã đạt nhiều kỷ lục, về tổng số huy chương vàng trên bảng tổng sắp, về thành tích của nhiều môn, của cá nhân… Nước ta cũng có những chức vô địch “lần đầu tiên” quý giá ở một số môn có trong chương trình thi đấu chính thức của Olympic.

 

Nhìn một cách khách quan, cả từ những con số thống kê, đến sự thể hiện của các vận động viên, độ nhiệt tình của khán giả và sự tận tâm của các tình nguyện viên…, Việt Nam đã có một SEA Games thành công. Đây là kết quả từ sự chuẩn bị tốt, với giáo án hợp lý của ban huấn luyện các môn, và từ sự nỗ lực tuyệt vời của các vận động viên, dù hầu hết các đội tuyển đã có hai năm không thể tập huấn và thi đấu ở nước ngoài do ảnh hưởng của Covid-19.

Ảnh: Ngô Trần Hải An

Khẳng định vị trí ở khu vực…

Đánh giá đẳng cấp nền thể thao của một quốc gia sẽ có nhiều yếu tố, nhưng trong số những yếu tố quan trọng nhất, không thể bỏ qua hai trọng tâm là môn bóng đá và các môn Olympic. Ở trọng tâm thứ nhất, tại SEA Games, các cầu thủ nam và nữ của nước ta đã giành cả hai bộ huy chương vàng, đều nhờ chiến thắng ở chung kết trước Thái Lan - đối thủ nhiều duyên nợ của thể thao Việt Nam nói chung, chứ không riêng môn bóng đá. Hai huy chương vàng này chứng tỏ rõ ràng rằng về môn thể thao vua, Việt Nam thật sự là một đội hàng đầu khu vực.

Ở trọng tâm thứ hai, đoàn thể thao nước ta không chỉ giành vị trí nhất toàn đoàn chung cuộc ở bảng tổng sắp huy chương, mà kể cả nếu tính riêng các môn của Olympic, Việt Nam cũng có số huy chương vàng cao nhất (112), vượt xa nước xếp thứ hai là Thái Lan (60). Những môn kinh điển tại Thế Vận Hội như bơi lội hoặc điền kinh, các tuyển thủ chủ nhà cũng mang về nhiều chức vô địch, với nhiều vận động viên rất nổi bật. Cụ thể như kình ngư Công giáo Nguyễn Huy Hoàng, được bầu chọn là một trong bốn gương mặt xuất sắc nhất tại kỳ đại hội nhờ thành tích 5 huy chương vàng, phá 2 kỷ lục SEA Games. Cũng không thể không kể đến chiếc huy chương vàng lịch sử nội dung marathon cự ly 42km lần đầu tiên trong lịch sử điền kinh Việt Nam nhờ công của Hoàng Nguyên Thanh. Đoạn phim ngắn quay cú bứt phá ngoạn mục của Thanh ở chặng cuối để về đích đầu tiên với thời gian 2 giờ 25 phút 07 giây 84, đã được giới hâm mộ thể thao chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội. Thật xúc động khi nhìn những sải chân băng băng về đích dù đã chạy hơn 2 giờ. Nỗ lực tuyệt vời.

Cùng với 22 huy chương vàng của điền kinh, 11 huy chương vàng của bơi lội, ở nhiều môn Olympic khác, đội tuyển Việt Nam cũng mang về các kết quả đáng khích lệ. Đội judo nhất toàn đoàn với 9/13 huy chương vàng của bộ môn; đội vật nhất toàn đoàn với 17/18 huy chương vàng… Chức vô địch nội dung đơn nam bóng bàn của VĐV Nguyễn Đức Tuân sau 19 năm chờ đợi cũng là điểm nhấn của các tuyển thủ chủ nhà.

… Nhưng còn xa Olympic

Vui với kỳ đại hội thành công của Việt Nam, nhưng cũng cần nhìn nhận thực tế rằng, từ 112 chiếc huy chương vàng ở các môn Olympic tại SEA Games đến đạt huy chương tại Olympic vẫn còn xa, với nhiều môn là rất xa. Mới đây thôi, mùa hè vừa qua, tại Olympic Tokyo, đoàn thể thao nước ta đã ra về hoàn toàn trắng tay. Sau huy chương bạc tại Olympic Sydney năm 2000 của võ sĩ Trần Hiếu Ngân ở môn Taekwondo - huy chương đầu tiên của thể thao Việt Nam tại Thế Vận Hội, ở Athens 2004, Bắc Kinh 2008, London 2012 hay Rio 2016, thành tích của nước ta rất hiu hắt. Kỳ nào “thành công” thì được một, hai chiếc, kỳ nào “không hoàn thành chỉ tiêu” thì như ở Tokyo 2020. Đây là điều không thể chấp nhận được với một đất nước xấp xỉ 100 triệu dân và nền kinh tế đã có nhiều bước tiến tích cực trong những thập niên qua.

Các cổ động viên nhí tại nhà thi đấu Quần Ngựa - ảnh Ngô Trần Hải An

Chưa cần nhìn quá xa, chỉ nhìn một ví dụ ở Đông Nam Á là Indonesia. Điều khác biệt rõ rệt giữa Indonesia với Việt Nam là nước bạn có một môn thể thao thật sự đạt đẳng cấp thế giới: cầu lông. Môn này chính là “niềm hy vọng bền vững” mà những kỳ Thế Vận Hội gần đây luôn mang huy chương về cho Indonesia, như tại Olympic Tokyo là 1 huy chương vàng và 1 huy chương đồng. Việt Nam không có môn nào mang lại sự an tâm như thế.

Có nhiều nguyên nhân làm đấu trường Thế Vận Hội vẫn ngoài tầm của thể thao Việt Nam, và cũng đã được các chuyên gia mổ xẻ rất nhiều, nhưng có thể tóm gọn ở một ý: Thể thao chưa có được vị trí xứng đáng ở Việt Nam. Chừng nào chuyện tập thể thao chưa được xem là một sinh hoạt quan trọng trong thời khóa biểu của mỗi người; chừng nào môn thể dục tại trường học vẫn bị nhiều học sinh nhìn với thái độ “học cho có”; chừng nào các trường vẫn chưa tạo điều kiện để học sinh, sinh viên giỏi thể thao có thể yên tâm thi đấu, tập huấn mà không lo bị “điểm danh”, bị cấm thi…; chừng nào công chúng chưa nhìn nhận rằng thể thao đồng nghĩa với sức khỏe, và phải có sức khỏe tốt mới làm việc, học tập tốt được; thì chừng ấy, mỗi khi bước vào Olympic, đoàn thể thao Việt Nam vẫn còn phập phồng nỗi lo trắng tay.

 

 

Lan Chi

 

 

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm