Thứ Tư, 16 Tháng Mười Một, 2022 17:57

Một ký ức về xóm tượng

 

Đó là xóm nhập cư nằm ven một khúc sông đang khoét dần vào bờ. Trên bờ sông hàm cá sấu đó, có một dây quán cà phê chòi cho những đứa đeo mang tâm hồn lãng đãng ngồi đốt thời gian, một ngôi nhà thờ dựng trên một bờ kè cao có tháp chuông như người cô độc đứng ngóng lục bình trôi tan tác và một nghĩa trang giữa lau sậy um tùm. Và nữa, một con rạch sình lầy chảy men bờ tường một khu trại cai nghiện...

Vậy mà thằng bạn lại thuê nhà cho tôi ở đó khi tôi mới chân ướt chân ráo làm quen Sài Gòn. Cái số mình nó vậy. Những ngày ở chui ở nhủi trong nhà trọ bạn thì cũng chẳng khá hơn, tối nằm khó ngủ vì tiếng các anh chị nghiện hút mài dao bên ngách hẻm, tiếng rượt đuổi ẩu đả, tiếng chửi xé khuya của mấy cô gái đứng đường. Cả mấy thằng nhập cư đứa thì sinh viên nghèo xơ nghèo xác, đứa thì thất nghiệp tóc dài mặt bủng cứ ngồi bày giấy ra viết thơ cho báo kiếm nhuận bút sống qua ngày.

Ôi, cái thời gì mà đẹp đến hãi hùng.

Nên nó tìm cho tôi cái phòng trọ ở khu vùng ven (vùng ven lúc đó thôi, bây giờ thì thuộc diện đất vàng trong đô thị đa trung tâm rồi cũng nên). Có lẽ nó muốn bạn bè ở xa xa, đỡ cái cảnh gặp nhau nhếch nhác, làm thơ, đọc thơ và uống rượu lầy lụa ngày này sang tháng khác mà sổ ký nợ ngày càng dày lên cho đến khi cuốn gói. Phần nữa, kể ra nó cũng có ý tốt, biết tôi là dân Công giáo nên thuê phòng ở gần nhà thờ. Nghĩ lại mà biết ơn nó thiệt nhiều, dù thời đó đời sống ngổn ngang, lễ lạt nhà thờ cũng năm thì mười họa.

Nhưng đây mới là chuyện đáng nhớ lúc ở xóm trọ, mà nó gọi là xóm tượng.

Trong khu nhà trọ có mười phòng thì đến bốn phòng là của mấy ông thợ làm tượng thờ, ba phòng khác thì của đám sinh viên và sinh viên mới tốt nghiệp đang kiếm việc (như tôi), còn ba phòng còn lại là nơi trú ẩn chập chờn của các tay anh chị không cá độ thì cũng chém mướn hoặc là gái điếm. Sống ở những khu trọ nhiều thành phần như vậy kể cũng kịch tính. Ta vừa thấy các anh thợ trần trùng trục đục đẽo thành hình Chúa, Đức Mẹ thánh thiện cao cả đó, quay qua kia lại thấy anh chồng cá độ đánh cô tình nhân vừa rước về từ quán bia ôm mấy hôm trước bầm dập. Ngày ngày, khi tiếng kêu la chửi bới ném vào không gian chật chội nhoi nhúc của cõi người hỗn độn, thì cũng mặc, nơi kia những đường cong của mão gai trên mặt tượng được tạo ra.

Có lần tôi lân la ngồi ngắm một thợ tạc tượng hàng giờ, xem với cơ chế thần kinh ổn định và nguồn cảm hứng dồi dào nào mà các anh tạo nên những bức tượng có thần thái đến vậy. Tôi nhìn những nét bào, đục, khắc, chạm tỉ mỉ và chú tâm, công phu và trau chuốt trong tiếng cãi cọ về tiền bạc, tiếng loảng xoảng của vật dụng rơi vỡ vang ra từ căn phòng kế bên, tiếng chửi bới ghen tuông và cả tiếng khóc uất nghẹn cứ tưởng như là án mạng sắp đến nơi rồi. Và máu đã có lúc đổ xuống khoảng sân trước. Rồi người ta cũng biết cách lau dọn sạch sẽ như chưa từng. Người trong cơ khổ biết cách băng bó, quên nhanh đi những vết thương để tiếp tục sống. Và sống như là cách tích lũy thêm một khả năng hào sảng đón nhận, gom góp thêm những vết thương đời.

Vậy mà các anh vẫn ngồi đục, đẽo trên những khối gỗ, ngày một, ngày hai, ngày ba... cứ cần mẫn giữa nhân quần náo loạn để tượng được thành hình. Mỗi bức tượng sau khi xong đâu đó, được đặt ở trước dãy phòng trọ. Là tượng Đức Mẹ sầu bi, tượng Chúa Hài đồng hồn nhiên, tượng Thánh Gia Thất êm ấm, và nhiều nhất là những cây thánh giá treo lên một thân hình quằn quại. Tới khi đó, nhìn vào những bức tượng đang chờ khô vecni trước hiên dãy phòng trọ, tôi mới thấy ra, ô hay, bức tượng này có đôi mắt cậu sinh viên nghèo, bức tượng kia có bờ vai gầy đau thương tích của cô gái hôm trước mới bị người tình côn đồ hành hung, bức tượng nọ có sự tuyệt vọng đau đớn anh xe ôm nhập cư một hôm trở về phòng trọ thấy cảnh trống trải: vợ anh đã bế con dại biến mất chẳng để lại một lời... Mỗi bức tượng phóng chiếu một trạng huống của cái hiện thực cõi người thu nhỏ.

Và khi ấy, tôi cố tìm xem bức tượng nào có hình bóng tôi, một kẻ trôi nổi chẳng đâu vào đâu, nhỏ bé và do dự trước thành phố mênh mông khốc liệt này để tha phương cầu thực?

Một đêm của tháng Chín, khi những cơn mưa đã dứt, từ cửa sổ phòng trọ nhìn ra bãi nghĩa trang, trong ánh trăng mờ nhạt, tôi nhìn thấy những ánh đèn pin quét ngược xuôi trên từng nấm mộ, tiếng gậy gộc vụt vào không khí và những tiếng la thất thanh. Người ta nói với nhau về một vụ trốn trại của những thanh niên đang cai nghiện. Đám thanh niên leo qua bờ tường đầy kẽm gai và mảnh chai nhọn sắc cứa rách da thịt. Họ lao xuống dòng kênh đang đầy ắp nước và lội về phía nghĩa trang. Chao ôi, cái khung cảnh vây ráp của hôm đó, trong bóng trăng sau mưa lạnh lẽo, làm sao ánh lên trên những mặt tượng hốc hác của một con-nghiện-yêu-thương.

Tôi lại đi đi về về xóm trọ, ngang qua hàng hiên với những bức tượng và trò chuyện vu vơ với những thợ tạc tượng. Hết lớp tượng này đến lớp tượng kia được chở đi đến phòng trưng bày trong nhà xứ rộng thênh. Các tác phẩm được đặt trên các bệ gỗ lớn, đánh đèn sáng và chờ người mua, chờ làm phép thánh hóa và được phụng thờ. Tượng được đưa vào không gian tâm linh của con người theo cách đó, cái cách thoát ly khỏi những dữ liệu cuộc đời để mang vào một giá trị hướng thượng. Tôi ngước lên những bức tượng và trong những không gian thiêng liêng, không còn nhận ra những nguyên mẫu của đời sống khốn cùng ngoài kia. Không phải bởi những bức tượng, mà bởi tâm trí tôi đã sẵn sàng cho một cuộc đối diện khác, một cuộc chuyện trò khác, trong một không gian tinh thần hoàn toàn khác. Có lẽ anh thợ hôm qua mới gác cây cọ phủ vecni ở chân tượng cũng sẽ như tôi. Anh cũng sẽ cúi đầu và không còn nhận ra đó là bức tượng thánh mà mình đã sống cùng, tạo tác trong sự chật chội và đầy thương tổn của cõi nhân sinh.

Tôi đi khỏi xóm tượng sau một sự cố xảy đến khiến tôi bị ám ảnh và mất ngủ. Một buổi chiều kia, sau khi bị người tình giang hồ dằn vặt bằng một trận đấm đá vì ghen tuông, cô gái từng là tiếp viên ở quán bia ôm xuất hiện trước căn phòng tôi với vẻ mặt, tóc tai bã bời, lạnh dại. Cô chỉ thẳng vào cửa phòng: “Nó, có một đứa bé màu xanh vừa đi vào đây. Nó trốn trong cánh cửa này. Một đứa bé màu xanh...”. Và cô phá lên cười. Một lúc sau lại khóc rũ rượi. Sau hôm đó thì cô bị hư thai. Cái thai mà người đã vớt cô ra khỏi phòng bia ôm cách đó ít lâu không muốn nhận.

Ngày tôi dọn đi, mưa đổ trắng xóa. Bên hàng hiên, những lớp tượng lớn, nhỏ, cao, thấp lại mới được làm xong cũng làm một cuộc đưa tiễn người lưu trú yếu bóng vía. Tôi phải rời khỏi đó để đến một xóm trọ khác ở gần trung tâm hơn, khi đã kiếm được việc làm và có thu nhập ổn định.

Nơi tôi đến, là một khu hẻm bốc vác ở gần ga Hòa Hưng. Nơi không có chỗ làm tượng như ở xóm trọ cũ, nhưng những con người của cuộc sống bên lề thì vẫn đâu đó cạnh bên, cứ như tôi và họ có một mối dây nào gắn kết thật khó lý giải. Những con người mà thỉnh thoảng tôi thấy đổ bóng lên mặt tượng thờ trong các nhà nguyện. Và tôi chỉ biết cúi đầu lặng thinh trước nỗi đau, sự muộn phiền, sự tổn thương và niềm hạnh phúc mong manh của họ khi cái khốc liệt của đời sống đâu buông tha cho một ai.

 

Tùy bút của NGUYỄN VĨNH NGUYÊN

[Trích từ bản thảo Ngang qua Vườn Cây Dầu]

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm