Thứ Ba, 27 Tháng Mười, 2020 15:00

Một miếng khi đói…

 

Những ngày của hiện tại, cả nước đều hướng về miền Trung ruột thịt, nơi mà khi đợt lũ này chưa qua hẳn thì lại có những cơn lũ khác kéo tới, không hẹn. Bão lũ gây ra bao đau thương cho đồng bào. Hơn bao giờ hết, những san sẻ, ủi an lúc này lại thật sự cần thiết và quý giá vô cùng!

 

Qua báo đài, nhìn hình ảnh bà con co cụm trên các mái nhà, gia súc chết, giao thông ngưng trệ, sạt lở đất… mà không khỏi chạnh lòng. Buổi tối xem thời sự, mẹ tôi chậc lưỡi, lắc đầu: “Thương quá!”. Sáng nay, đi lễ nhà thờ xong, mẹ lọ mọ mang ra giáo xứ con heo đất, “gởi chút về cho bà con”. Mấy người khác trong xóm đạo cũng rủ nhau đóng góp. Mỗi người một ít. Dân quê, mỗi khi ai đó cho ai một thứ gì người ta vẫn bảo nhau câu “của ít lòng nhiều”, rồi cứ vậy mà vui vẻ trao đi. Cha xứ thì đảm nhận khâu trung chuyển tiền quà của giáo dân và bà con trong xóm đạo cho Caritas. Quang cảnh nhà xứ thật bận rộn.

 

Chợt nhớ, ở đồng bằng, vào cuối thập niên 90 thế kỷ trước hay đầu những năm 2000, tình cảnh cũng giống miền Trung bây giờ. Hồi ấy, cứ hễ tới mùa nước lũ, dân lại chìm nổi trên những con phao. Cả người, cả vật đều bì bõm. Thứ gì treo lên, chưng cất được thì còn, bằng không lại cuốn theo dòng lũ. Những đợt quà cáp, thực phẩm từ nơi nọ nơi kia lại kĩu kịt chuyển về, cứu nạn. Với người trong cơn bão táp, dù là mấy gói mì, ít đường sữa cũng thấy to lớn, ấm lòng. Ký ức của cha mẹ tôi gắn liền với bão lũ. Trong gia đình, dạo này, ba mẹ lại thường hồi tưởng về một thời chạy lũ, cứu đồng cho kịp trước khi con nước về, kẻo mất trắng ruộng lúa. Có lẽ, đi qua những ngày gian khổ nên dân quê tôi dễ đồng cảm trước những tình cảnh ngặt nghèo. Và, với dân tình ở làng quê thuần hậu, chuyện nhường cơm, sẻ áo thật ra cũng là việc nhỏ bé thường ngày.

Ðô thị hóa làm cuộc sống con người dần tiện nghi, nhưng cũng dễ vụt mất những giá trị tình cảm. Ngày trước, ở làng, ở xóm hay có chuyện nhà ai có tiệc, lại bưng bê cho những nhà sống cạnh chút đồ ăn, san sẻ. Có ai nấu một nồi chè đậu, những đứa trẻ nhà kế bên cũng được dịp hưởng chung. Qua trăm năm, họ sống “có qua, có lại” với nhau, làm thành một nếp văn hóa. Cuộc đời thật đẹp khi người ta nghĩ cho tha nhân nhiều hơn. Trong tình cảnh này, sự chung tay của cộng đồng hướng về miền Trung lũ lụt, thật ấm áp. Ðó là những cử chỉ yêu thương, giàu tình người!<

 

ÐĂNG KHOA

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm