Với các gia đình có con tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, một kỳ thi có tính quyết định quan trọng đến tương lai thế hệ trẻ, thì nỗi lo lắng trong mùa thi cử không chỉ có ở các sĩ tử mà hầu như với mọi thành viên trong nhà.
Khóa thi năm nay được tổ chức khá muộn so với mọi năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 từ hồi đầu năm khiến thời gian học bị lùi lại. Mặt khác, những ngày này, dịch bệnh tiếp tục tái bùng phát ở nhiều tỉnh thành trên cả nước nên phụ huynh cũng rất lo lắng khi các con phải thi cử trong tình trạng cả nước đang chống dịch. Một số địa phương như Ðà Nẵng, Quảng Nam phải thực hiện thi vào đợt hai.
![]() |
Niềm vui khi hoàn thành bài thi - ảnh: Anh Nguyên
|
Dồn sức cho thí sinh
Có lẽ, vấn đề sức khỏe cho con cái trong mùa thi, đối với những người làm cha làm mẹ, hơn bao giờ hết lại rất được chú ý. Lần đầu đưa con đi thi tốt nghiệp, anh Nguyễn Thanh Nhẫn (42 tuổi, Q.10, TPHCM) cho biết, gia đình rất lo lắng cho sức khỏe của con:“Mọi ngày, vợ tôi là người làm đồ ăn sáng cho con nhưng mấy hôm thi, tôi dậy thật sớm để phụ vợ, chuẩn bị cho cả nhà. Cũng biết mùa này mưa gió nên áo mưa luôn được trang bị, đặc biệt là hồ sơ cho con phải cất kỹ lưỡng. Rồi khẩu trang nữa. Lo nhất là sức khỏe của con, không may mắc bệnh mà không làm bài được thì uổng công”. Xe dừng trước cổng trường, mấy giây ngắn ngủi, người đàn ông chúc con làm bài tốt lẫn căn dặn cẩn thận đeo khẩu trang, hạn chế trao đổi với các thí sinh khác.
Còn anh Trần Văn Cường (45 tuổi, Cần Thơ) thì nói, để tiếp thêm lửa cho con gái, anh đã xin nghỉ làm 2 ngày liền để đưa đón bé: “Cơ quan biết tôi nghỉ để đưa con thi tốt nghiệp nên cho phép mà cũng vui lắm. Các đồng nghiệp gởi lời chúc. Còn tôi, muốn con mình biết cha mẹ luôn ở bên con, đặc biệt vào những thời khắc quan trọng như thế này”. Ðưa con, anh ở lại túc trực tại địa điểm thi, mua tờ báo đọc tạm, đợi khi con ra là chạy tới ngay. Mỗi đêm, trong suốt gần một tháng ôn thi, anh chị luôn chuẩn bị đồ ăn uống đầy đủ cho con, đặc biệt, đêm trước ngày thi, anh khuyên con dù học bài khuya cũng đừng quá 0 giờ, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi nhìn thấy ngay trước sân trường, đứa con gái cùng tất cả các thí sinh khác được kiểm tra nhiệt độ cẩn thận, anh Cường tỏ ra yên tâm: “Con mình thi làm sao mình không lo cho được. Về nhà cũng không làm gì, thôi thì ở lại đây chịu khó đợi. Nhìn thấy kỳ thi tổ chức bài bản, an toàn vậy, mình cũng phần nào đỡ lo ngại chuyện sức khỏe, dịch bệnh, hy vọng mọi thứ sẽ tốt”. Nhiều người vẫn nói vui, kỳ thi chỉ diễn ra trong mấy ngày nhưng gom trọn 12 năm cố công, miệt mài, vì thế, dù có bận bịu đến đâu cũng tạm bỏ qua một bên để dồn sức lo cho con cái với niềm mong ước mọi điều tốt đẹp sẽ đến với con.
![]() |
Các phụ huynh ở bên ngoài cổng trường thi, dõi theo con - ảnh: Anh Nguyên
|
Ðiều quan trọng hơn kết quả
Những ngày thi cử là những ngày mà gia đình gần như xáo trộn. Nhịp điệu hằng ngày thay đổi. Tâm lý chung là hồi hộp. Ðưa em gái đi thi, chị Huỳnh Hồng Duyên (21 tuổi, Q11, TPHCM), sinh viên Trường Ðại học Sài Gòn vui vẻ cho biết, nhìn em ôn luyện cần cù rồi chọn trường xét tuyển, làm giấy tờ dự thi…, cảm giác ba năm trước quay về: “Hiện tại, tôi cũng phải đi làm thêm để phụ gia đình và trang trải việc học. Từ đầu năm học tới giờ, tôi theo dõi em để ôn tập, chỉ dẫn các điều cần thiết và nhất là mấy hôm qua đón đưa em đi thi, tôi sực nhớ về quãng thời gian trước của mình”. Sau mỗi buổi, gặp em, khoan hỏi chuyện làm bài ra sao, người chị chuẩn bị sẵn các đồ uống mà cô em gái yêu thích. Huỳnh Hồng Phấn - em gái Duyên năm nay dự thi tại điểm trường THPT Trần Khai Nguyên, Q.5, thì cảm thấy có động lực hơn khi thấy gia đình dày công lo lắng cho mình, nhất là chị hai. Nhìn lại các môn thi đã trải qua, Phấn nói: “Môn thi em làm bài tốt nhất là Ngữ văn. Các môn còn lại cũng như mong đợi, dù mỗi môn đều có tiếc vì sai phần này, phần kia, làm không kịp nhưng cũng tạm ổn”. Hai chị em đã lên kế hoạch để khi thi xong cùng gia đình đi ăn một bữa tối bởi như lời chị Duyên, tuy kết quả là điều ai cũng mong muốn nhưng trước hết phải tổ chức buổi tiệc nhỏ chúc mừng em đã vượt qua kỳ thi lớn mà em đã học một cách nghiêm túc, có đầu tư. “Bữa ăn này chắc chắn sẽ làm Phấn nhớ và cũng tạo nên kỷ niệm đẹp của gia đình”, Duyên hồ hởi.
Sau thi, chắc chắn tâm lý chung của các thí sinh sẽ là chờ điểm. Anh Nguyễn Văn Nam (Q.1, TPHCM) có con học khoa Văn hóa và Kiến thức cơ bản của Nhạc Viện TPHCM, cũng vừa trải qua kỳ thi tốt nghiệp. Theo anh, gia đình không quá đặt nặng điểm số để làm áp lực tinh thần bé: “Chúng tôi đã có nhiều phương án cho con, tùy theo điểm. Trước mắt vẫn là cho bé học tiếp các ngành liên quan năng khiếu. Tùy theo kết quả mà chọn trường thôi. Gia đình cũng đã nghĩ đến chuyện cho con du học, phát triển năng khiếu âm nhạc. Còn tùy tình hình dịch bệnh ra sao. Nói chung, tôi và mẹ bé không muốn con bị căng thẳng quá nhiều mà thoải mái học tập và đón nhận thành quả. Ngay từ đầu, chúng tôi đã nhắc con để bé ý thức là cố gắng như thế nào thì sẽ được bù đắp xứng đáng như vậy”. Với người cha này, chuẩn bị tương lai cho con hẳn nhiên là chuyện quan trọng, song anh muốn bé học một cách tự nhiên nhất. Những ngày bé đi thi, anh đều đặn đưa rước, dặn dò, khích lệ. Có hôm, nghe bé bảo làm bài không tốt, với kinh nghiệm bản thân cũng từng trải qua trường lớp, thi cử, anh không hỏi kỹ, xoáy sâu thêm sai chỗ nào mà nhắn nhủ con thư giãn, chuẩn bị cho bài thi môn kế tiếp.
Bên cạnh kết quả, ở mỗi kỳ thi, dường như việc thí sinh trải qua, ôn tập, thái độ học tập, trách nhiệm bản thân, tình cảm gia đình… cũng là điều quan trọng. Vì lẽ, học là một quá trình dài!
ANH NGUYÊN
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.