Quảng trường Romerberg là một trong những quảng trường lâu đời trên thế giới và là di sản lịch sử không chỉ của thành phố Frankfurt mà còn của cả nước Đức. Đến thăm nơi này vào một buổi chiều cuối năm, vừa đi bộ trong khuôn viên rộng lớn, vừa nghe người hướng dẫn viên kể chuyện, chúng tôi không khỏi trầm trồ.
|
Nền quảng trường được lót bằng những viên đá hàng trăm năm tuổi, như nhắc nhở một nơi xe ngựa từng đi qua. Ở đây còn nổi tiếng với một dãy nhà cổ, diện tích mười ngàn mét vuông, gồm chín căn liền nhau, tồn tại 600 năm qua. Trong đó có ba ngôi nhà đặc biệt nhất với mái nhà đầu hồi (có hai mặt) hình bậc thang, biểu tượng của Frankfurt. Theo người hướng dẫn viên, căn giữa là tòa nhà thị chính Frankfurt. Khi thành phố phát triển cần một tòa nhà mới, chính quyền đã mua lại của dân hai tòa nhà hai bên là Romer và Goldner Schwan vào năm 1405. Vì vậy tòa thị chính (ở giữa) mang luôn tên Romer. Từ thời Trung Cổ đến đầu thế kỷ 19 (1806), đây là nơi bầu cử người kế vị ngai vàng và cũng là nơi đăng quang Hoàng đế. Chếch bên trái tòa nhà là vòi phun nước và tượng Franfurtia, tay trái cầm cái cân, tay phải cầm thanh kiếm như Nữ Thần Công Lý, cũng là hình tượng của thành phố.
Tại bệ danh dự ở tòa nhà giữa, thật thú vị khi chúng tôi được biết, năm 2002, người ta đã vinh danh đội bóng đá nam chung kết World Cup và năm 2003, vinh danh bóng đá nữ vô địch thế giới.
Dạo quanh quảng trường, đứng trước ba tòa nhà, nghe kể về lịch sử nơi đây, về những cuộc đăng quang và yến tiệc của các vị vua nước Đức thời Trung cổ, tôi không khỏi thán phục ý thức bảo tồn di tích lịch sử của người Đức dù đất nước này đã trải qua hai cuộc thế chiến tàn khốc.
Bài, ảnh: NGUYỄN NGỌC HÀ
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.