Có những vật chất vào dĩ vãng, thành quá khứ cách nhẹ nhàng và hãy còn mới nguyên màu thời gian vì vật ấy vốn của ngày hôm qua cận kề hiện tại, không phải chỗ dùng chữ “ngày xưa”…
Máy cát-set dùng băng từ ghi âm và phát âm thanh thịnh hành trong nhiều thập niên của thế kỷ XX, ở Việt Nam. Máy được sản xuất từ nhiều quốc gia phát triển như Nhật Bản, Mỹ, Hàn… Các thương hiệu Sony, Tosiba, Philips… ở miền Nam, in dấu sự có mặt của nhiều thế hệ máy cát-set với những mức giá khác nhau.
![]() |
Khi máy truyền hình chưa phát triển, cát-set cùng những công cụ điện tử cũ hơn như máy hát đĩa nhựa, phục vụ nhu cầu âm nhạc và các nhu cầu về kỹ thuật âm thanh. Ngay cả khi công nghệ vô tuyến truyền hình triển khai ở Việt Nam, số lượng Tivi tăng dần, cát-set vẫn duy trì địa vị trang trọng ở các gia đình. Dòng nhạc trữ tình vang bóng một thời gắn với các ngôi sao ca nhạc Thanh Tuyền, Duy Khánh, Chế Linh… hay các giọng ca cổ nhạc Lệ Thủy, Mỹ Châu, Minh Cảnh... có không gian tồn tại nổi tiếng lan tỏa trên các máy cát-set ở từng thôn làng xa xôi nhất, trong đó có vùng quê miền Tây Nam Bộ của tôi.
Nào phải chỉ ở gia đình, các quán cà phê khắp nơi vang vang tiếng ca lời hát yêu thích phục vụ khách, từ loa cát-set. Quán xá đua nhau nâng cấp mua sắm để có thế hệ máy tốt nhất, băng từ chất lượng nhất nhằm hút khách đến ăn uống, nghe nhạc, nhất là những quán cà phê…
Thị trường kinh doanh máy cát-set phát triển, tất yếu sản sinh ngành sửa chữa máy cát-set từ chuyên nghiệp ở thị thành đến hiệu nhỏ ở thôn quê. Thợ can thiệp vào các chi tiết linh kiện điện tử của máy, thay thế nắn chỉnh từ lỗi đơn giản đến phức tạp. Từng có thời thợ điện tử biết sửa cát-set có đất sống khá, tay nghề được trân trọng.
Cùng với nghề sửa chữa máy cát-set, dịch vụ chép nhạc vào băng từ cho khách theo yêu cầu cũng ăn nên làm ra.
Máy cát-set ngoài ghi âm thanh và phát, luôn tích hợp chức năng thu thanh từ sóng phát thanh-radio, cho nên thiết bị điện tử này có tên gọi “tổng hợp” là rađiô cát-set.
Mãi đến những năm 1990, người viết công tác tại một đài truyền thanh huyện vẫn chứng kiến cánh kỹ thuật lui cui làm nghề trên máy cát-set hết các công đoạn từ đọc - ghi âm, biên tập xóa lỗi đến hoàn thiện, chuyển băng từ có nội dung cộng tác đài tỉnh hay phát lên sóng FM.
Máy cát-set thân thiết bao thế hệ người Việt. Ở quê, nhà nông bán lúa hay dành dụm tiền để ra chợ tậu một con cát-set về làm ấm mái nhà, tiệc tùng khoản đãi đông người không thể thiếu “vai” cát-set.
Người Việt tiếp cận làn sóng điện đài quốc gia hay các đài quốc tế từ con máy thân thương này.
Công nghệ thông tin từng bước nhẹ biến chiếc máy cát-set thành dĩ vãng, bởi sự thay thế hơn cả tuyệt vời của chiếc vi tính tân kỳ: người ta có thể làm mọi thứ với công cụ mới, còn nghe nhạc hay ghi âm ư, chuyện nhỏ - điện thoại thông minh cũng giúp mọi người làm việc này một cách tiện lợi, mọi lúc mọi nơi…
Máy vi tính có kết nối mở ra cho người dùng kho âm nhạc vô cùng tận, và phát thanh trực tuyến. Với chiếc USB nhỏ xíu, cả một thư viện âm nhạc bên trong mà chỉ cần kết nối vào cổng, không một máy cát-set nào có thể sánh bằng.
Theo quy luật phát triển, chiếc máy thân thương mai một dần và nay đã thành “đồ cổ” hiện đại: nhiều nơi trưng bày chiếc cát-set cũ như kỷ vật.
Vật đổi sao dời, cảm giác êm ái dịu dàng bên tách cà phê lắng nghe từng bài hát theo vòng quay băng từ HF như mới hôm qua, không khác nhiều “lắng” nhạc từ vòng quay đĩa nhựa dưới chiếc kim của máy dĩa thế hệ trước.
Một thời cát-sét, đã qua…
NGUYỄN THÀNH CÔNG
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.