Thứ Bảy, 22 Tháng Mười, 2022 12:10

Một tình thân

 

Tính ra, tôi và anh gặp nhau ba lần. Lần thứ nhất, ở quán cà phê cóc dưới tán sakê, tôi làm quen anh qua một người bạn, hôm đó chúng tôi nói về nhiếp ảnh nghệ thuật, ảnh báo chí… khá hợp gu vì tôi quan tâm tới lĩnh vực này, còn anh là mt phóng viên nh đầy tâm huyết. Ln th hai, bnh vin. Và lần thứ ba, ở phòng tang lễ của nhà thờ, anh đã nằm trong cái hộp hai ngắn bốn dài, khuôn mt thanh thn, mt khép h, còn tôi nhìn anh qua lp mica...

 

Nhiều khi mệt mỏi chồn chân bởi những áp lực và biến cố, tôi chợt nghĩ tới cái cười hào sảng và dáng vẻ khỏe khoắn mạnh mẽ của anh. Tôi nghe nói anh từng có một quá khứ lừng lẫy giang hồ. Rồi một ngày đứng trước cô thợ may nhỏ xinh trong hẻm nhỏ, trái tim anh bảo anh phải dừng lại. Anh chọn những chiếc áo dài tay để che đậy những vết xăm trổ, những vết sẹo bao nhiêu năm cuộc đời ngang tàng, để trở thành một cung cúc tận tụy giao hàng cho vợ (nói theo cách bình dân là vợ sai đâu chạy đó). Lúc rảnh, anh chạy xe ôm và theo học nghề ảnh từ ông bạn nhà báo hay la cà ở quán cà phê cóc. Anh thấy mình hạp với chụp ảnh. Ông bạn cũng giúp đỡ cho đến một ngày, anh có ảnh, có tên trên mặt báo. Dạo đó, ảnh chụp được lên báo là cái gì đó thật cao vời danh giá, hình ảnh truyền thông chưa có thừa mứa như bây giờ. Thù lao tòa báo trả cho mỗi bức ảnh gấp năm, gấp mười lần một cuốc xe ôm từ trụ đèn đầu ngõ đến chợ Bến Thành mà anh hay tranh thủ chở mấy bà sồn sồn đi chợ mỗi khi rỗi chân chạy việc cho vợ.

Rồi vợ anh bầu bì, sinh con, anh lại chạy ngược chạy xuôi tìm một phòng trọ tươm tất để đứa bé có chỗ chào đời sáng sủa. Anh bắt đầu đời sống của một người cha mẫu mực, có nghề ngỗng công việc, có thu nhập tương đối. Nhờ cuộc đời từng trải, nên anh thường có những góc ảnh đời sống thật lạ. Anh còn chuyển qua chụp tuốt cả ảnh thời trang cho các người mẫu (đời phức tạp thế mà còn chụp ra được ảnh đẹp, mấy cô người đẹp xa xỉ phù phiếm thì có gì ngán, phải không?). Tòa báo cũng nhận ra rằng, họ đang có một tay máy đa năng, một nhà nhiếp ảnh không theo trường lớp nào nhưng lại tốt nghiệp hạng ưu trong gió bụi cuộc đời. Họ ký hợp đồng với anh, vậy là mỗi tháng anh có đồng lương để trả tiền trọ, lo thuốc men, tã sữa cho con.

Đứa con gái của anh xinh và ngoan như một thiên thần. Anh có thể ngồi nói về con bé hàng giờ mà không biết chán (thông cảm đi, người cha nào mà chẳng vậy!). Anh nhận ra cuộc sống đã ban tặng cho một kẻ gần nửa đời quen xộc xệch, một kẻ “trời ơi đất hỡi” những món quà quá lớn, mà lớn lao nhất, đó chính là sự ngăn nắp đâu vào đấy. Chứ nhìn đi nhìn lại, những bạn bè cùng hội cùng thuyền với anh một thời, đứa thì ở trại cai nghiện, đứa thì vào tù, đứa thì trốn nợ biệt xứ...

Những gì anh kể ở buổi gặp thứ hai làm cho tôi thấy hiểu và yêu quý anh hơn. Giữa chúng tôi gần như xây dựng được một thứ tình thân, một sự đồng cảm và gắn kết lạ lùng.

Bấy giờ thì tôi hỏi anh cần tôi giúp gì lúc này không? Anh khẽ rướn mình để giữ thế ngồi trên giường bệnh viện, giữa lỉnh kỉnh đồ đạc, dây nhợ và quà thăm bệnh, nói: “Một ly cà phê cóc!”. “Ủa, đâu có được! Dạ dày anh còn một thẻo, ăn uống còn không xong sao lại đòi cà phê cóc. Bác sĩ rầy chết!”, vợ anh nói. “Không, kiêng làm gì nữa em. Cho anh uống ly cà phê cóc với hai ông bạn. Chắc là ly cà phê cóc cuối cùng...”, anh nói, giọng nhẹ nhõm như bông phèng về một trò đùa.

Tôi đi túc tắc xuống hành lang bệnh viện, ra trước hẻm mua ba ly cà phê cóc đựng trong cái ly nhựa. Tôi còn nhớ anh dặn phần anh là một ly đen đá thật đậm, không đường. Tôi xách ba ly cà phê lên cầu thang, thở hồng hộc, mà thâm tâm cứ mong sao cho cái hành lang bệnh viện thiệt dài, dài mãi, để cái buổi cà phê giữa những người bạn còn là một sự đợi chờ, chứ không phải là một dấu chấm hết. Tôi đi qua, đi về trước phòng bệnh, rồi cuối cùng thì cũng xách ba ly cà phê vào ngồi thừ. Vợ anh quay lưng giấu nước mắt. Ba thằng đàn ông ngồi ngó nhau rồi nhấc ba ly cà phê lặng lẽ. Anh cười khẩy, nói, cà phê ngon quá, có lẽ cả cuộc đời uống cà phê vỉa hè chưa có ly cà phê nào ngon vậy. Tôi thấy mắt anh sáng lên như những tia nắng rộn ràng của một bình minh thực sự, không phải là tia nắng héo úa của một buổi chiều trước bão. Tôi ngồi hút những ngụm cà phê và thấy đắng đót, nghẹn ngào. Tôi đã có biết bao bữa tiệc trong đời, từ xa xỉ đến bình dân, có biết bao cuộc chia tay từ rườm rà lễ thức đến cúi đầu lặng lẽ, nhưng mình chưa bao giờ rớt vào một tình thế mà thần kinh cảm xúc không biết cần phải khóc hay cười như buổi cà phê hôm đó. Tôi đã hạnh ngộ một điều gì thật lớn lao trong đời vào khoảnh khắc ấy. Ôi, vẻ đẹp của tình thân - tôi nhận ra mình sẽ rời xa mãi mãi cái giây phút tuyệt vời đó để rồi cảm giác đắng đót của mất mát trở thành vị ngọt hậu trong tâm tưởng về sau.

Tôi đi đi lại lại trong phòng. Tôi ngồi lặng đi trước anh. Còn anh thì thật bình thản, như một cây nến đang cháy về gốc. Tôi nhìn lại anh. Ung thư làm cho gầy sọp, tàn phá cơ thể, không còn vẻ gì là một người đàn ông cường tráng phong sương. Những vết sẹo khắc trên da, những vết xăm trổ hằn bóng những tháng năm tung hoành trong cuộc đời bây giờ chùng xuống, như muốn thu nhỏ mình lại trước những nếp nhăn nheo bủng beo của da thịt, để tan biến đi, tan biến mãi mãi.

Buổi trưa đến thật nhanh. Cái bắt tay cuối cùng của những người bạn thật ấm áp. Tôi thấy anh vẫn rạng rỡ trong ánh mắt. Anh chỉ nói một điều trước khi tôi quay đi: “Dù thế nào cũng phải sống vui nghe ông!”. Câu nói bình thường đó treo trong tâm trí tôi như một kim chỉ nam, giúp tôi bước đi một cách vững vàng giữa những ngày gió bão sau này. Tôi và người bạn hôm đó đứng thẫn thờ dưới bãi giữ xe. Chúng tôi thật chẳng còn đủ sức định hướng nên đi rẽ trái hay rẽ phải để trở về nhà.

Lần thứ ba, anh nằm đó, thật nhẹ nhõm, dưới bóng cây sakê ở sân nhà thờ, dù anh không phải con chiên. Người vợ trẻ kể lại cơ duyên về cái chỗ nằm tạm này. Chị nói, ngày trước may vá khó khăn, chị nhận thêm việc ở tiệm photocopy. Ông cha xứ ở nhà thờ bên cạnh thường ra nhờ in tài liệu, thông tin giáo xứ. Chuyện trò qua lại rồi thì quen biết. Chị biết ổng ở trong một cái nhà thờ, trong nhà thờ có chỗ để tro (cách chị nói về Nhà chờ Phục Sinh) và có chỗ để làm đám ma (cách chị nói về Nhà tang lễ giáo xứ). Hôm anh mất ở bệnh viện, chủ trọ không cho đưa anh về. Chị và con bé ngồi trên chiếc xe đưa anh ra khỏi nhà xác bệnh viện. Nhiều lần người tài xế hỏi chị địa chỉ nhà nhưng chị không cứ thẫn thờ, không biết phải tấp vào đâu. Cái xe cứ chạy lòng vòng lòng vòng như thế ngoài đường. Con bé thì khóc. Còn chị thì cố nhớ xem có chỗ nào quen để cho anh dừng chân một vài ngày, chứ không lẽ chở thẳng tới lò thiêu thì tội nghiệp.  Rồi không biết ai mách bảo trong đầu, chị sực nhớ tới ông cha xứ. Chị móc điện thoại tìm số của ổng và gọi: “Cha ơi, chồng con không có đạo. Nhưng chồng con cần một chỗ nằm. Cha cho con gởi chồng con chỗ nhà cha được không?”.

Chuyện vậy đó. Tán sakê ở sân nhà xứ mát mẻ như tán sakê ở quán cà phê cóc mà chúng tôi từng ngồi. Tôi và ông bạn lại xách ba ly cà phê đến, ngồi hóng mát, uống cà phê. Rồi về.

“Dù thế nào cũng phải sống vui, nghe ông!”.

 

Tùy bút của NGUYỄN VĨNH NGUYÊN

[Trích từ bản thảo Ngang qua Vườn Cây Dầu]

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm