Thứ Sáu, 27 Tháng Giêng, 2017 17:57

Mua chổi lông gà làm quà đầu năm

Từ những mớ lông gà tưởng chừng chỉ có vứt bỏ, nhưng với sự tỉ mỉ pha chút sáng tạo, nhiều người đã biến chúng trở thành những chiếc chổi mềm mịn, là vật dụng không thể thiếu trong nhiều gia đình Việt…

Trên phố Sài Gòn, hình ảnh chiếc xe đạp cột chặt những chiếc chổi đầy màu sắc dường như không còn xa lạ. Câu rao đi kèm của người bán “Ai chổi lông gà đê; Ai mua chổi lông gà nào…”, từ lâu đã trở thành thứ âm thanh quen thuộc. Chúng hòa quyện trong con hẻm nhỏ, lẫn vào giữa đường phố tấp nập người và xe.

Chổi lông gà xuống phố

Dù xã hội ngày một phát triển, những máy móc hiện đại dần thay thế cho sức người, nhưng mặc cho sự biến chuyển của thời gian, chiếc chổi lông gà bao đời nay vẫn hiện diện đều đặn trong từng ngóc ngách của mỗi gia đình. Điều đó không quá khó hiểu bởi chiếc chổi nhỏ nhắn, xinh xắn đó mang trong mình nhiều thế mạnh: chất lượng bền bỉ, giá cả lại phải chăng; hơn nữa, ở những nơi linh thiêng nhất trong nhà như ảnh tượng hay bàn thờ tổ tiên, chỉ chúng mới được sử dụng để lau chùi, làm sạch. Cứ thế, chiếc chổi âm thầm hiện diện, bền bỉ góp sức cùng với chủ nhân làm đẹp cho ngôi nhà thân thương. Người làm chổi do đó chẳng bao giờ phải lo ế ẩm, mai một, hay mất nghề.

Để trả lời cho loạt câu hỏi xoay quanh việc làm ra chiếc chổi lông gà, chúng tôi đến Đồng Tháp, tìm về một địa danh hiếm hoi đã được công nhận là làng nghề truyền thống về chổi lông gà. Nằm tại ấp Bình An, xã Bình Thành, huyện Lấp Vò, làng nằm khuất sau con hẻm nhỏ. Vùng đất này ở cạnh bên con sông Hậu, kế bên là bến phà Vàm Cống nối liền hai tỉnh Đồng Tháp - An Giang. Lục lọi lại trí nhớ, ông Nguyễn Thanh Phùng, quen gọi Ba Nừng, tuổi gần 60 ôn tồn : “Khi còn nhỏ tôi đã thấy nhiều người làm nghề. Ngày trước nghề truyền thống của làng là làm quạt bằng lông vịt, sau đó mới chuyển dần qua chổi lông gà. Để đến nay làm chổi gần như ‘bén duyên’ với mảnh đất này”. Hiện khắp xã Bình Thành có trên 200 hộ dân xem đây là nghề giúp kiếm thu nhập.

Đa phần mọi người đều cåoi làm chổi là nghề phụ, họ thường nhận một công đoạn nào đó về để gia công lại vào lúc rảnh rang chuyện đồng áng. Gọi “nghề tay trái” nhưng thật ra làm chổi lại cho thu nhập khá nếu so ở nông thôn; một người siêng năng, cộng thêm chút nhẫn nại thì ngày cũng có thể kiếm được vài chục, lên đến cả trăm ngàn đồng. Vậy là dư tiền mắm muối cho cả gia đình trong ngày. Cũng có người mở thành xưởng sản xuất quy mô, họ mướn nhiều nhân công làm... Nghề làm chổi hoạt động quanh năm, tuy nhiên sôi động nhất vào khoảng tháng 10 Âm lịch đến hết Tết Nguyên đán. Dịp Tết, nhu cầu thường tăng lên gấp đôi, thậm chí gấp ba lần ngày thường. Khách đến thăm làng nghề ngày giáp Tết sẽ cảm nhận không khí hối hả, rộn ràng của bà con. Dưới ánh nắng vàng, những chùm lông gà được xỏ thành từng xâu với đủ màu sắc treo lơ lửng, hay phơi trải dài trên con đường làng, làm cho cảnh sắc thôn quê vốn yên bình nay thêm gam màu rực rỡ.

Mỗi cơ sở lớn một ngày có thể sản xuất từ 200 đến trên 300 cây chổi. Chổi lông gà được bán với nhiều mức giá khác nhau, từ 5 - 7 ngàn lên đến vài chục ngàn đồng, tùy vào chủng loại. Sản phẩm chổi lông gà “Made in Bình An” hiện tiêu thụ mạnh ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh, theo thương lái, chúng còn hiện diện ra tận ngoài miền Bắc, thậm chí xuất khẩu qua cả bên nước bạn Campuchia… Từ ngày được công nhận là làng nghề truyền thống hơn 10 năm nay, hoạt động của làng nghề ngày càng phát triển cả về quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ, góp phần tạo việc làm, ổn định thu nhập cho người lao động ở địa phương. Và cũng trong khoảng thời gian đó, làng chổi lông gà bình dị này dần trở thành điểm du lịch độc đáo ở Đồng Tháp được du khách biết đến.

Lông gà đc xỏ thành xâu quấn vào cán chổi

Một yếu tố quan trọng để chổi lông gà được “trọng dụng” là sản phẩm làm ra hoàn toàn bằng thủ công nên rất chất lượng. Nghe chúng tôi nói muốn tìm hiểu nghề, ông Nguyễn Thanh Nỉ - một người khá lớn tuổi, có thâm niên hàng chục năm trong nghề xởi lởi, tận tình : trước tiên lông gà phải được giặt sạch, đem phơi khô rồi phân loại lông màu nâu thì để nguyên, nếu trắng thì mang nhuộm màu rồi phơi thêm một nắng nữa. Sau đó xỏ chúng lại thành từng xâu. Công đoạn cuối cùng là quấn xâu lông gà đó vào những cây trúc dài ngắn khác nhau tùy loại cán chổi. Trúc dùng làm cán được tìm mua khắp nơi. Khi mang về, những cây cong queo sẽ được hơ qua lửa, rồi từng “nghệ nhân” tỉ mỉ uốn chúng lại cho thật thẳng mới đem phơi khô và đưa vào sử dụng.

Bên cạnh chổi làm từ lông gà, hiện người dân Bình An còn làm thêm chổi ni lông. Tức thay lông gà bằng dây ni lông. Ngày trước làm loại chổi này cực nhất là công đoạn ngồi xé từng sợi ni lông để chúng tơi nhỏ ra. Nhưng bây giờ máy móc đã giúp bà con bớt ngắn đi rất nhiều thời gian, cộng thêm cây chổi dễ bắt mắt hơn. Năm nay, để phục vụ thị trường Tết Nguyên Đán, số lượng chổi làm ra được bà con tăng lên nhiều so với mọi năm, bởi lẽ đây là năm con Gà. Chỉ tay về đống chổi lớn, anh Lý Thanh Dũng - chủ một cơ sở nhỏ cười vui : “Trong năm gia đình tôi sản xuất khoảng 30.000 sản phẩm các loại, giao xong đợt hàng này xem như kết thúc một năm thành công, cả gia đình có thể an tâm đón cái Tết lớn”.

Dù là nghề chính hay phụ, làm chổi lông gà giúp bà con nguồn thu nhập tương đối

Ngày đầu chổi lông gà chỉ có người trong ấp Bình An làm, sau đó con cháu đi lấy chồng nơi khác đã mang theo nghề truyền thống của cha ông phổ biến ra bên ngoài. Nên giờ đây trong xã Bình Thành và nhiều nơi cũng có người làm. Làng nghề coi như được mở rộng, góp phần tô điểm nhiều hơn cho nét đẹp văn hóa Việt Nam.

KIM NGÂN

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm