Nam bộ chào tháng Tư cùng với những cơn mưa bất thình lình. Mưa trái mùa. Giữa chuỗi ngày nắng như thiêu đốt, mưa vội vã kéo về làm ai chẳng sẵn áo mũ, ráo riết tìm nơi trú ẩn. Nhiều người đi đường ghé vào trạm xe hay bên mái hiên nhà nào, vừa xuýt xoa vừa cười chào, than với nhau rằng mưa bất ngờ! Mưa xuống, có những cuộc gặp gỡ tình cờ, thoáng chốc, không đủ thân nhau nhưng cũng đủ để thấy nhân tình ấm lạnh.
Nội tôi nói, mưa này khá sớm. Thật ra trong ký ức của cụ bà tuổi ngoài tám mươi, thời gian về sau mưa nắng bất thường. Tôi vẫn nhớ ngày trước, bà thường hay lấy thời gian lễ Ðèn làm cột mốc: “Lễ Ðèn nhất rồi, mưa này là phải”, bà nói. Có năm, lễ đã qua lâu, qua cả ngày Phục Sinh mà trời vẫn chưa mưa, bà đợi chờ rồi lo lắng: “Nắng kiểu này, năm nay hạn rồi!”.
Thế hệ của chúng tôi, phần đông chọn phương án thoát ly đồng ruộng. Thành thử, mưa có sớm hay muộn cũng chẳng là vấn đề. Còn với nội, mưa từ trong quá vãng xa xăm cho đến thực tại, dù khi bà đã buông việc đồng áng để an hưởng tuổi già bên con cháu, ý thức về mưa và khát mong thời tiết thuận hòa như luôn sống trong tiềm thức. Tôi không khát những cơn mưa như bà nhưng tôi hiểu, nội và cả các ông bà, cô chú - những người cả một đời “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, mưu sinh trên đồng lúa, triền đê, mưa sớm hay trễ là cả một chuyện hệ trọng. Thảo nào, ông cha ta ca thán: “Lạy trời mưa xuống! Lấy nước tôi uống. Lấy ruộng tôi cày. Lấy đầy bát cơm. Lấy rơm đun bếp…!”.
Năm 2020, miền đồng bằng châu thổ nhiễm mặn. Mưa chậm, ít. Biết bao là thiệt hại. Cây cối khô héo, chết dần. Ðến cả sinh hoạt của bà con quê tôi cũng đảo lộn. Ở một vùng phù sa kênh rạch chằng chịt, sông nước mênh mông, chú bác tôi lại phải lẽo đẽo đèo từng thùng nước với giá đắt đỏ. Bà nội vốn quen tính tằn tiện cũng không khỏi càm ràm mấy bận. Năm nay, mưa sớm, ngay những ngày đầu tháng Tư khi chưa vào “lễ Cả” (cách mà bà tôi hay nói để chỉ cho lễ Phục Sinh), xem ra thật đáng mừng. Biến đổi khí hậu trên trái đất đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống. Theo nghiên cứu, nhiều vùng, nhiều miền sẽ bị tác động. Và trong đó, đồng bằng sông Cửu Long là một trong những khu vực chịu tác hại nặng nề. Ðây không hề là lý thuyết. Bằng thực tế, nội tôi và các cô, dì, chú, bác - những chứng nhân của đồng bằng thừa sức thấu hiểu.
Thuở nhỏ, những ngày mưa đầu mùa, nội tôi thường dặn con cháu trong nhà cẩn thận, kẻo mắc mưa, dễ bệnh. Nội bảo, thời tiết thay đổi, trẻ con hay cảm xoàng. Nội chẳng phải thầy thuốc Ðông y, Tây y đâu, bằng kinh nghiệm và tình thương yêu của mình, nội luôn chăm sóc cho anh em chúng tôi chu đáo nhất.
ANH NGUYÊN
Bình luận