Gần đây, dân mạng rầm rộ bàn tán vụ một quán cà phê ở Ðà Nẵng bỗng ra quy định không tiếp khách dẫn theo trẻ em dưới 12 tuổi. Lý do là quán đã gặp nhiều “tai nạn”, thiệt hại liên quan đến trẻ em nghịch phá còn người lớn thì thờ ơ, trách ngược lại nhân viên. Nhắc nhở nhẹ nhàng mãi không xong, chủ quán quyết định treo biển “no kids zone”.
Một số khách đòi tẩy chay quán, số đông lại ủng hộ, thậm chí mong kiểu quán cà phê “no kids zone” sẽ được nhân rộng hơn. Trong nhóm ủng hộ, ngoài hội độc thân còn có người đã lập gia đình vì họ cho rằng sinh con ra phải có trách nhiệm dạy dỗ, trông nom tử tế. Không thể đem con đến nơi công cộng rồi mặc kệ nó tự tung tự tác trong khi mình thản nhiên ngồi thư giãn, bấm điện thoại. Hơn nữa, “Quán ăn gia đình” và “Café kid” ở các thành phố ngày càng phổ biến, phụ huynh có thể hẹn bạn bè mà trẻ nhỏ có nơi vui chơi thỏa thích, không nhất thiết phải vào những quán có nhiều đồ trang trí đắt tiền, dễ vỡ và thiên về sự yên bình, tĩnh lặng.
![]() |
Chuyện chưa kịp nguội thì “biến căng” lại ập đến: Ở Hà Nội, một cô sinh viên mang MacBook đến quán cà phê làm việc, bị đứa bé 1 tuổi chạy qua làm đổ cốc nước của cô lên máy tính. Lúc đó, cha mẹ đứa bé tỏ ra khá lịch sự, cho số điện thoại liên lạc và đền trước 150 ngàn tiền sấy khô máy. Lúc khổ chủ liên lạc, cho biết máy bị hỏng nặng, phải tốn 9 - 10 triệu đồng sửa thì người vợ nhắn tin mình đã làm hết trách nhiệm khi đền tiền sấy máy, không chấp nhận chi thêm do con mình “còn quá nhỏ và không cố ý gây chuyện”. Người chồng thì trách cô sinh viên “đem tài sản giá trị như máy tính bảng ra quán cà phê nhưng không biết tự bảo quản, không đỡ kịp cốc nước nên nước đổ ra máy” và nói rõ sẽ không đền cho nạn nhân, dù cô có tác động thế nào đi nữa. Sau đó, khổ chủ không liên lạc được với vợ chồng này nữa, đành nhờ cộng đồng mạng giúp mình lấy lại công bằng.
Theo ngôn ngữ của giới trẻ, đây chính là “thông điệp từ vũ trụ” cho thấy quán cà phê Ðà Nẵng có lý khi từ chối tiếp trẻ dưới 12 tuổi. Bởi người ta không ghét trẻ quậy phá mà sợ cha mẹ dung túng hoặc thờ ơ để con mình làm phiền thiên hạ. Ðáng sợ hơn, những phụ huynh này thường từ chối bồi thường thiệt hại do con gây ra.
*
Người xưa có câu “Mũi vạy thì lái chịu đòn”, thường bị đọc trại thành “Mũi dại thì lái chịu đòn”. Nếu mũi tàu thuyền bị vạy (bị lệch méo), người lái phải điều khiển cái đòn, tức bánh lái, để đưa tàu thuyền đi đúng hướng. Câu tục ngữ nói lên vai trò quan trọng của người đứng đầu trong tình thế khó khăn, nguy hiểm. Ý bị đọc trại của câu này là con cái “dại” (phạm lỗi) thì cha mẹ phải “chịu đòn” (xử lý hậu quả thay).
Ðiều 586 Bộ luật Dân sự 2015 cũng ghi rõ: Trong trường hợp con gây thiệt hại khi chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm: Về nguyên tắc thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do con gây ra bằng tài sản của mình. Nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường thì lấy tài sản riêng của con (nếu có) để bồi thường phần còn thiếu. Nếu người con không có tài sản riêng thì cha, mẹ của người gây thiệt hại phải tiếp tục thực hiện việc bồi thường đầy đủ.
Tiếc thay, nhiều người đã là cha mẹ nhưng lại không muốn chịu trách nhiệm ấy, họ vin vào tấm kim bài miễn tử “cháu còn nhỏ, biết gì” để bắt mọi người phải nhường nhịn, chịu đựng con mình. Ai phàn nàn sẽ bị gán mác “khó tính”, “ích kỷ”, “chưa có con nên chưa hiểu”… Chỉ khi con trẻ gây thiệt hại lớn, họ mới bất đắc dĩ xin lỗi; đôi khi chối tội, đổ lỗi ngược cho nạn nhân không cẩn thận. Họ nuông chiều con mù quáng, đồng thời tự nuông chiều bản thân.
Sinh thành và dưỡng dục một con người không bao giờ là dễ dàng. Bài thơ “Con cò” của Chế Lan Viên có câu: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Ði hết đời, lòng mẹ vẫn theo con”. Tấm lòng cha mẹ theo con cả đời không phải là dung túng, bao bọc con thái quá, mà phải nghiêm khắc khi cần, quan tâm dạy dỗ con nên người và dùng cả đời dõi theo nó. Khi con còn quá bé, cha mẹ còn có thể đứng mũi chịu sào, đền bù thiệt hại thay con. Dần dần cha mẹ phải để con tự chịu trách nhiệm, nhờ đó cả con lẫn cha mẹ sẽ trưởng thành hơn.
Một truyện ngụ ngôn nào đó đã kết luận: “Cha mẹ dùng một phần sinh mạng của mình để sinh con. Những đứa con lớn lên trong tình yêu mà không được dạy dỗ sẽ lớn lên bằng chính sinh mạng của cha mẹ”. Yêu thương đúng cách cần đi cùng với lý trí sáng suốt.
Ths-Bs Lan Hải
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.