Tổng thống Nga Vladimir Putin ban hành sắc lệnh yêu cầu đồng rúp được sử dụng trong các giao dịch bán khí đốt cho các quốc gia “đối nghịch”, bao gồm toàn bộ châu Âu, sau khi Mỹ và phương Tây gia tăng áp lực cấm vận vì cuộc chiến Ukraine.
Kể từ khi chiến sự bùng nổ ở Ukraine ngày 24.2, Mỹ và các đồng minh hợp lực thông qua các biện pháp cấm vận nhằm cô lập kinh tế Nga. Hậu quả là đồng rúp bị mất giá không phanh. Ðồng rúp có lúc bị thổi bay gần phân nửa giá trị so với năm ngoái. Các thị trường chứng khoán ở nước này phải đóng cửa trong vòng 1 tháng kể từ cuối tháng 2 để tránh nền kinh tế Nga sụp đổ.
Trước tình hình trên, Moscow thực hiện một loạt động thái cứu vãn nền kinh tế. Một trong số đó là buộc các quốc gia “không thân thiện” phải mua khí đốt của Nga bằng đồng rúp.
Danh sách “đen”
Danh sách các nước bị buộc phải mua khí đốt bằng đồng rúp bao gồm những quốc gia đang thi hành lệnh cấm vận đối với Nga vì Ukraine. Những nước này có thể kể đến Mỹ, các quốc gia thành viên EU, Anh, Nhật Bản, Canada, Na Uy, Singapore, Hàn Quốc, Thụy Sĩ và Ukraine. Một số nước, bao gồm Mỹ và Na Uy, không nhập khẩu khí đốt từ Nga. Bên cạnh đó, các thương vụ với công ty và cá nhân đến từ nhóm nước nói trên đều phải được một ủy ban của chính quyền Moscow phê chuẩn.
Năm 2020, EU là đối tác thương mại chủ lực của Nga, chiếm 37,3% tổng kim ngạch nhập khẩu của nước này trên toàn thế giới. Trong khi đó, Nga là đối tác lớn thứ 5 của EU, chiếm 5,8% trong tổng số kim ngạch nhập khẩu của khối. Tuy nhiên, điều này che giấu một thực tế quan trọng, rằng khí đốt Nga chiếm phần chủ đạo trong kim ngạch nhập khẩu của nước này vào EU, đa số được chi trả bằng USD, euro hoặc bảng Anh.
Theo Tập đoàn Gazprom của Nga, tính đến ngày 27.1, 58% số thương vụ khí đốt cho châu Âu và các nước khác được thanh toán bằng đồng euro. Ðồng USD chiếm khoảng 39% và đồng bảng Anh là 3%. Hàng hóa được giao dịch trên toàn thế giới chủ yếu bằng USD hoặc euro. Ðây là hai ngoại tệ chiếm 80% dự trữ tiền tệ toàn cầu. Về mặt thực tế, dù còn nhiều biến động, giá trị các thương vụ nhập khẩu khí đốt từ Nga chiếm đến 800 triệu euro/ngày đối với châu Âu.
Nguy cơ nếu Nga ngừng bán khí đốt cho EU
Ngày 25.4, Ðiện Kremlin cho biết Tập đoàn Gazpromđang thi hành sắc lệnh của Tổng thống Vladimir Putin về việc bán khí đốt bằng đồng rúp, nhưng không cung cấp thêm chi tiết khác. “Toàn bộ các đầu mối khách hàng đều được Gazprom áp dụng, vì thế Gazprom sẽ công khai thông tin liên quan đến kết quả của các cuộc đối thoại”, TASS dẫn lời người phát ngôn Ðiện Kmrelin Dmitry Peskov trả lời trong cuộc họp báo ngày 25.4.
Theo nội dung sắc lệnh của Tổng thống Putin, các khách hàng nằm trong danh sách “đen” cần mở tài khoản ở Gazprombank, thanh toán bằng đồng euro hoặc USD và quy đổi thành đồng rúp. Người phát ngôn Peskov cho biết dự kiến các khoản thanh toán theo yêu cầu mới sẽ có hiệu lực từ tháng 5. Moscow cảnh báo châu Âu có thể mất đi nguồn cung khí đốt nếu không tuân thủ quy định mới, và một số khách hàng châu Âu vừa cho biết có thể thanh toán theo cách này.
Reuters dẫn thông tin từ Uniper, nhà nhập khẩu khí đốt Nga ở Ðức, đầu tuần cho biết có thể chi trả theo phương pháp trên mà không vi phạm các lệnh cấm vận của EU. Còn Hungary xác nhận có kế hoạch thanh toán khí đốt Nga bằng euro thông qua Gazprombank. Ủy ban châu Âu cho rằng cách này có thể thực hiện được, nhưng cần phải được Nga xác nhận tính khả thi. Theo trang oilprice.com dẫn lời giới quan sát, việc EU từ chối thanh toán trực tiếp bằng đồng rúp là phép thử xem liệu Tổng thống Putin sẽ cắt đứt nguồn cung hay không, và hiện vẫn chưa có thông tin về câu trả lời từ Nga.
Nếu phép thử thất bại, quốc gia thành viên EU hứng chịu tổn thất lớn nhất chính là Ðức. Khoảng 50% nhu cầu khí đốt của nước này hiện do Nga cung cấp, với nhiều ngành công nghiệp sử dụng khí đốt và phân nửa số hộ gia đình của Ðức sưởi bằng khí đốt Nga. Ông Martin Brudermüller, Tổng Giám đốc điều hành tập đoàn hóa chất lớn nhất châu Âu là BASF (Ðức), cảnh báo việc ngừng nhập khẩu khí đốt từ Nga có thể đẩy nền kinh tế Ðức rơi vào vòng xoáy khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ khi đệ nhị thế chiến kết thúc.
Nếu nguồn cung khí đốt Nga bị gián đoạn ngay tức thời, Ðức sẽ hứng chịu tổn thất lên đến 237 tỉ USD trong năm nay và năm 2023, theo tính toán của Viện Kiel về Kinh tế Thế giới. “Việc Nga ngừng cung cấp khí đốt sẽ lập tức đẩy kinh tế Ðức vào tình trạng suy thoái nhanh chóng”, chuyên gia Stefan Kooths của Viện Kiel về Kinh tế Thế giới nhận định.
Ðối với châu Âu, việc Ðức đối mặt khủng khoảng cũng sẽ kéo theo hệ quả khôn lường. Ðồng thời, giá năng lượng tăng vọt cũng đẩy đa số các nền kinh tế khác của châu Âu vào giai đoạn suy thoái.
GIANG VÔ YÊN
Bình luận