Trung tuần tháng 5, mạng xã hội lan truyền clip ghi cảnh nữ sinh bị nhóm bạn đánh hội đồng ngay trong lớp học. Trưa 20.5, đại diện lãnh đạo Phòng GDvĐT huyện Ứng Hòa xác nhận sự việc trên xảy ra tại trường THCS Minh Đức vào chiều ngày 11.5. Các nữ sinh xuất hiện trong đoạn clip là học sinh khối 8, học chung lớp. Sự việc này làm người ta liên tưởng đến nhiều vụ học sinh có những hành vi bạo hành trong thời gian gần đây ở một số nơi.
Bạo lực học đường phải chăng là một hệ quả của việc lạm dụng phương tiện truyền thông xã hội, khi mà cái xấu bị lan truyền nhan nhản trên các trang mạng mà nhà trường, phụ huynh khó lòng kiểm soát đã nhiễm vào ý thức và hành vi của một bộ phận học sinh ? Hiện đại hóa đã cung cấp cho học sinh những điện thoại thông minh. Trên các công cụ đó, những đứa trẻ mới lớn tò mò và bị kích động bởi những thông tin, phim ảnh bạo lực. Với tâm hồn non nớt, thiếu kinh nghiệm, những hình ảnh đó đã hình thành lên những thói quen bạo lực trong một số học sinh. Một số thích thể hiện cái tôi và mất kiểm soát hành vi. Việc ghi lại và tung lên mạng những hành vi đánh đập bạn học của những học sinh bạo lực cho thấy rõ việc thể hiện cái tôi bản năng. Ngoài việc cấm học sinh sử dụng điện thoại, cần phải triệt để hơn trong việc giáo dục học sinh, con em đừng phổ biến những hành vi bạo hành lên trang mạng cá nhân.
Trong bối cảnh này, yếu tố tích cực của gia đình là điều đáng quan tâm. Không ít gia đình hiện nay đầy đủ vật chất hơn, nhưng phần giáo dục con em không được như trước. Nhiều gia đình chưa quan tâm, yêu thương con cái, hoặc yêu thương theo cách ích kỷ. Phương pháp giáo dục không đúng, lạm dụng quyền cha mẹ để áp đặt con theo cách của mình từ học hành đến ứng xử. Từ áp lực đó, con cái hành xử cũng dùng bạo lực, thiếu tôn trọng, thiếu tình thương và lòng trắc ẩn, thậm chí vô cảm. Hành vi xấu của học sinh rõ ràng có liên quan mật thiết đến giáo dục của gia đình, nhưng nếu nhà trường và kỷ luật của ngành giáo dục thực sự khắt khe hơn với hành vi bạo hành của học sinh, mới mang tính răn đe và giáo dục cao. Hiện nay, một số ý kiến cho rằng những hình thức khiển trách, cảnh cáo, hạ hạnh kiểm… chưa đủ mức răn dạy. Có lẽ cần có những chế tài để tăng quyền hạn cho thầy cô trong việc quản lý học sinh và lớp học.
Ở nhà trường, các em luôn có môn đạo đức và giáo dục công dân. Nhưng với việc chú trọng toán, văn thì đạo đức vẫn là môn học phụ. Người xưa nói “tiên học lễ, hậu học văn”. Nhiều trường hiện nay vẫn treo khẩu hiệu này. Nhưng rồi các sự việc đáng tiếc vẫn xảy ra. Phải chăng chỗ này, chỗ kia vẫn còn nặng chủ nghĩa thành tích, chú trọng bề ngoài mà không đầu tư thực chất cho vấn đề giáo dục đạo đức, nhân cách học sinh?
Ngô Quốc Đông
Bình luận