Thông thường, cứ mỗi ba năm, Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức đại hội để bàn về đường hướng mục vụ dành cho toàn thể các thành phần Dân Chúa tại Việt Nam. Qua XV kỳ đại hội, đã có nhiều chương trình đọng lại dấu ấn sâu sắc trong cộng đồng, trên nhiều khía cạnh. Ngay từ khóa họp năm 1980, các Ðức Giám mục đã khẳng định cần “sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc đồng bào”. Nhiều kế hoạch mục vụ sau đó được thực hiện, có thể kể tới như “Năm cứu độ”, “Năm đức tin”, “Năm gia đình”…, hướng tới một đối tượng hay lối sống cụ thể. Từ thực tiễn, một số thành phần Dân Chúa nghĩ về một “Năm Giáo dân” với những hoạt động rõ nét nhằm phát huy vai trò của người tín hữu giáo dân trong Giáo hội và xã hội.
ĐÀO TẠO VÀ TRAO VIỆC MỤC VỤ CHO GIÁO DÂN
Nữ tu Maria Hồ Thị Vân (Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ Nha Trang): Công đồng Vatican II đã khẳng định, giáo dân không còn chỉ được xem là những đối tượng của hoạt động mục vụ của giáo sĩ mà còn là những cộng tác viên không thể thiếu đối với sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Giáo hội giữa lòng thế giới. Thêm nữa, trong bối cảnh Giáo hội Hiệp hành, vai trò của giáo dân cũng đã trở nên một thành phần không thể thay thế. Nhân “Năm Giáo dân” ở Tổng Giáo phận Islamabad-Rawalpindi, Pakistan đã được công bố, thiết tưởng người giáo dân Việt Nam cũng có thể ước mơ về một “Năm Giáo dân” để ơn gọi chứng tá được thêm hun đúc. Giả sử nếu điều đó được thực hiện, trước tiên “Năm Giáo dân” cần hướng đến việc bồi dưỡng đời sống cầu nguyện cho người tín hữu. Vì đây là nền tảng vững chắc cho đức tin và đời sống chứng tá. Thêm nữa, giáo dân nên được trang bị kiến thức, kỹ năng qua những lớp tập huấn về mục vụ gồm phụng vụ, giáo lý để việc cộng tác với linh mục, tu sĩ. Trong một số trường hợp, đây cũng là một trong những động lực thúc đẩy người giáo dân tham dự thánh lễ mỗi ngày. Năm Giáo dân cũng cần chú trọng thăng tiến các hội đoàn, đoàn thể trong xứ đạo trong đời sống đạo đức, song song với việc thúc đẩy cộng đoàn chung tay thực thi bác ái phục vụ tha nhân, thăm hỏi gia đình neo đơn, đồng hành với các gia đình khó khăn… Một số hoạt động lành mạnh nơi xứ đạo như cắm trại, thể thao, văn nghệ, các lớp bồi dưỡng năng khiếu cho thanh thiếu niên, cho các gia trưởng, bà mẹ Công giáo nếu được thực hiện cũng sẽ góp phần xây dựng đời sống tinh thần trong cộng đoàn thêm phong phú.
SỐNG TIN MỪNG GIỮA ĐỜI VÀ XÂY DỰNG TÌNH HIỆP NHẤT
Ông Cao Huy Hoàng (Giáo xứ Thuận Đức, giáo phận Phan Thiết):Nếu có “Năm Giáo dân”, trước hết, tôi quan tâm đến việc sống Tin Mừng giữa đời, sống chứng nhân trong môi trường nghề nghiệp, sống đẹp trong tương quan với các anh chị em lương dân hay người khác tôn giáo. Kế đến là việc xây dựng tình hiệp nhất trong cộng đồng giáo xứ mình, làm gương sáng về đời sống đức tin, đức ái… Một trong những điều xây dựng tình hiệp nhất là không bỏ rơi ai cả qua sự thấu cảm lẫn nhau, nhất là khi gặp những ai đang lâm vào cảnh khó khăn, những gia đình “rối”, người cô đơn, thất vọng… thì mỗi Kitô hữu có thể “lấy lời lành mà khuyên người” như trong kinh Mười Bốn Mối, giúp nhau cải thiện, giúp nhau nên thánh… Về sự cộng tác với Giáo hội, theo tôi, người giáo dân chúng ta nên bắt đầu đi từ gia đình qua việc xây dựng một mái nhà nề nếp, tiêu biểu rồi mới đến việc cùng chung tay với nhau và với các mục tử, góp phần vào chuyện xây dựng giáo xứ, giáo phận thành một cộng đoàn sống đạo tốt…
GIÚP GIÁO DÂN SỐNG TỐT VAI TRÒ CỦA MÌNH
Anh Võ Trọng Nhân (Giáo xứ Thánh Phaolô, giáo phận Phan Thiết): Nếu có “Năm Giáo dân”, sẽ là thời gian ý nghĩa giúp người tín hữu Việt Nam thấu hiểu và thực hành giáo lý trong đời sống hằng ngày, sống đức tin Công giáo không chỉ trong lãnh vực tinh thần bằng việc chu toàn mọi bổn phận thiêng liêng như cầu nguyện, tham dự việc cử hành bí tích..., mà còn tích cực tham gia vào việc xây dựng và phục vụ cho Giáo hội hoàn vũ cũng như Giáo hội địa phương, trong những công việc thích hợp với vai trò và khả năng chuyên môn của mình. Ngày nay, đời sống chứng tá của những người giáo dân có giá trị thuyết phục người khác rất mạnh, có đôi khi dễ ảnh hưởng hơn cả những lời giảng thuyết. Vì vậy, mong muốn mở ra một “Năm Giáo dân” trước hết là điểm nhấn để cho người giáo dân ý thức lại vai trò của mình trong Giáo hội. Sứ mệnh tư tế, ngôn sứ và vương đế của người tín hữu sẽ góp phần Phúc Âm hóa thế giới. Bên cạnh đó, tôi mong ước Giáo hội sẽ quan tâm đến chúng tôi nhiều hơn, nhất là việc huấn luyện đào tạo giáo dân, giúp họ dày dặn kiến thức, kỹ năng để cùng với các mục tử trong sứ vụ truyền giáo.
ĐƯỢC ĐỒNG HÀNH VÀ ĐƯỢC DẤN THÂN
Chị Phạm Hoàng Khánh Vy (Giáo xứ Hàng Sanh, TGP TPHCM): Những người trẻ trong xã hội hôm nay có thế mạnh ở sự nhạy bén, tiếp cận nhanh với sự phát triển của kỹ thuật, thích ứng mau lẹ trong những hoàn cảnh khác nhau. Đó là lợi thế mà chúng tôi có thể tận dụng để phục vụ Giáo hội và xã hội. Tuy nhiên, chúng tôi hiện nay đang phải dối diện với nhiều áp lực do nhịp độ cuộc sống nhanh lẹ quá; cám dỗ về tiền bạc, sự toan tính hơn thiệt; thiếu khả năng phân định…, thậm chí có nguy cơ lung lay về mặt đức tin. Chính vì vậy mà tôi mong ước Giáo hội sẽ quan tâm, lắng nghe trong tinh thần cởi mở đối thoại và tôn trọng. Người trẻ cũng là đối tượng dễ tổn thương, dễ vấp ngã. Có một Giáo hội luôn lắng nghe, sửa dạy chắc chắn họ sẽ cột chặt đời mình vào và nhiệt thành dấn thân. Tôi cho rằng, Giáo hội có thể kết nối giới trẻ qua những buổi chia sẻ, tạo đàm, trò chuyện, tạo các sân chơi, câu lạc bộ thu hút họ. Những người có trách nhiệm liên quan hòa nhập để hiểu giới trẻ… Mong sẽ có “Năm Giáo dân”, ở đó, người trẻ được lắng nghe, đào tạo kỹ càng hơn và ở đó, chúng tôi sẽ mang sức trẻ cùng những ưu thế của mình để dấn thân.
CÓ CHƯƠNG TRÌNH CỤ THỂ ĐỂ GIÁO DÂN THAM GIA
Ông Bùi Tuấn Minh (Giáo xứ An Lạc, TGP TPHCM): “Năm Giáo dân” nếu được đề ra sẽ thúc đẩy người giáo dân mạnh dạn sống chứng tá trong nhiều môi trường sống của mình như trong gia đình, nơi làm việc và trong xã hội. Từ đây tôi nghĩ cần khôi phục lại bầu khí hy vọng cho đời sống tương lai và niềm tin cậy thánh thiêng, để giáo dân ý thức giá trị cao quý, sống “tốt đời đẹp đạo”. Có vẻ chúng ta thường khoán trách nhiệm cho các vị chủ chăn nhiều quá mà quên bản thân cũng có thể đóng góp vào việc chung. Đứng ở góc nhìn của người giáo dân, nếu được mời gọi cho một năm đặc biệt của mình, tôi nghĩ tới đời sống chứng nhân Lòng Chúa Thương Xót qua đời sống thường ngày, từ trong gia đình, lan tỏa xã hội. Quan tâm hơn tới người xung quanh, dù quen hay lạ. Biết nhìn thấy những nhu cầu chính đáng của tha nhân, giúp đỡ người khác trong khả năng… Tôi mong Giáo hội đa dạng các chương trình để nhiều thành phần giáo dân có thể tham gia; trao cho giáo dân nhiều cơ hội để thực hiện các công việc trong xứ đạo, rộng hơn là giáo phận, Ủy ban mục vụ. Và mong sẽ có chủ đề hướng tới cả khía cạnh tinh thần đạo đức nhà đạo cũng như những chuyện thiết thực, áp dụng được trong đời sống, chẳng hạn như giáo dân sống lòng thương xót; giáo dân trợ giúp nhau thoát nghèo… hay một chương trình nhỏ trong năm mà xứ đạo thực hiện: không để ai thiếu thốn miếng ăn, mua bảo hiểm y tế cho trẻ em nghèo....
Nhóm phóng viên (thực hiện)
Bình luận