Vốn là nhà giáo tỉ mẩn từng con chữ, dấu chấm dấu phẩy, tôi để ý sự lạm dụng từ ngữ chỉ mức độ trong viết và nói tiếng Việt trong nước. Dường như kênh tiếng Việt các báo đài quốc tế, ít có chuyện này.
Từ ngữ phản ánh sự vật hiện tượng trong cuộc sống hằng ngày không chỉ chuẩn xác mà còn phải mang cả sự tinh tế, đẹp và sâu sắc.
Hiện thực, sự vật hiện tượng vận động, tồn tại với trạng thái mức độ khác nhau và các ngôn ngữ, có tiếng Việt, có vốn từ ngữ để chỉ mức độ, nếu lựa chọn tối ưu, từ ngữ chính xác, đẹp, nhã....
![]() |
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, sự rối nhiễu trong nói và viết Việt ngữ đã diễn ra, trong đó có dụng từ ngữ chỉ mức độ.
Phổ biến nói và viết quá lố, “nổ”, phóng đại, cường điệu... Ví dụ, tường thuật bóng đá trên sóng phát thanh và truyền hình, thường khen quá lố khi thuật khiến không đúng thực tế lại không đẹp. Một cú ghi bàn thường thường bậc trung do cơ hội cận thành, đối phương chưa về kịp, thủ môn ra sớm... lại hét kinh thiên như cú sút đẳng cấp, lịch sử, chưa từng... Bồ nhà, vui có vui, nhưng vẫn...thẹn sao sao khi nghe “nổ” như thế.
Cũng bóng đá, “đường bóng ấn tượng” đã hay rồi, nhưng luôn nghe “rất” ấn tượng! Từ rất quá phổ biến, lạm dụng: rất khéo léo, rất tuyệt vời, rất bản lĩnh... trong ngữ cảnh lẽ ra không có từ rất sẽ ổn hơn.
Bên cạnh đó, sự lạm dụng diễn ra với các từ vô cùng, đỉnh, đặc biệt... Từ đặc biệt chỉ sự hiếm, ít, giá trị cao, hàng đầu, không thuộc số nhiều hay phổ biến, tỷ như giải đặc biệt chỉ có một trong xổ số, tức “độc đắc”. Ấy vậy nhưng bây giờ ở đâu cũng nghe, đọc có từ đặc biệt cho dù đối tượng dụng từ để chỉ trạng thái mức độ chẳng có chi đặc biệt, chẳng qua dụng từ để tăng chú ý, lăng xê riết thành thói quen.
Tệ lạm dụng từ ngữ chỉ mức độ nằm trong căn bệnh chung của sự lạm dụng mọi thứ, bệnh tinh thần về thành tích, thành nếp, phương hại sự chuẩn mực của tiếng Việt, lâu dài ảnh hưởng giá trị ngôn ngữ trong giao tiếp, hành văn...
Ðẹp khác với rất đẹp, xấu khác rất xấu, xuất sắc đã được rồi lại còn rất xuất sắc... Ðặc biệt dùng nhiều, lại thường thêm gia vị “rất đặc biệt”.
Từ chỉ mức độ để phản ánh, khen, chê. Lạm dụng sẽ phản ánh sai, khen chê quá lố, gây hại. Khen đúng khích lệ, khen quá hớp gây ảo tưởng hay có khi còn tệ hơn chê, khiến người được khen ngượng... Chê đúng có giá trị nắn chỉnh, chê quá đáng lại khác...
THIÊN ÂN
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.