Chủ Nhật, 27 Tháng Mười Một, 2016 12:24

Ngăn ngừa “trận chiến” trên bàn ăn

Có những đứa trẻ đến 10 tuổi vẫn chưa biết tự ăn, và mỗi bữa ăn trải qua như cực hình, nhưng ít phụ huynh nhận ra được rằng chuyện con cái không ăn có lỗi rất lớn của họ.

Cứ đến giờ ăn, con hẻm ở một khu phố quận Bình Thạnh, TPHCM lại đông đúc hơn bình thường. Nhà nào có trẻ con ở tuổi đang học ăn thi nhau vác đứa nhỏ ra đường. Cảnh bà một xốc nách ẵm cháu, tay còn lại cầm tô dỗ ăn là chuyện “thường ngày ở huyện”. Nhà cao sang hơn thì đặt em bé vào xe đẩy đi. Tất cả chỉ vì mục đích làm sao dỗ đứa trẻ vui vẻ để chúng chịu ăn hết tô rồi về. “Chiêu” dạo đường phố vào giờ ăn tạo nên một thói quen cho trẻ là nếu chẳng đi thì nhất quyết khóa miệng không nuốt.

Hệ lụy từ chuyện này sẽ kéo dài cho đến khi đứa bé đi nhà trẻ, vào mẫu giáo, hoặc thậm chí đến cấp tiểu học vẫn còn tình trạng ngậm chặt muỗng cơm không ăn. Và nếu lần ngược lại từ đầu, lỗi có thể nói là hoàn toàn do người lớn, vì chính họ đã áp dụng sai biện pháp cũng như học nhầm kinh nghiệm xấu, khiến đứa trẻ không biết cách quý trọng bữa cơm và từng bữa ăn dọn sẵn trước mặt. Từ lúc ban đầu, người lớn đã can thiệp vào quá trình học cách tự ăn của trẻ với việc luôn sẵn sàng cơm bưng nước rót mà không để chúng tự sử dụng tay chân học các kỹ năng quan trọng theo từng độ tuổi. Óc tò mò đối với thế giới bên ngoài và dần học cách sống trong môi trường xung quanh là điều kiện tiên quyết giúp trẻ lớn lên một cách lành mạnh. Sau đây là những giai đoạn tự tập ăn và những cách phụ huynh có thể hỗ trợ chúng. Cần nhớ là trong mọi quá trình, không dùng những thứ khác gây xao lãng sự tập trung của trẻ, chẳng hạn như mở nhạc, mở truyền hình...

Học ăn bốc

Đầu tiên, nên đặt trẻ vào ghế ăn, để chúng ngồi tư thế đàng hoàng và đút thức ăn cho trẻ. Đến khoảng 8 tháng, bạn sẽ thấy trẻ bắt đầu bốc thức ăn rơi vãi trên khay và tự đưa vào miệng. Những động tác ban đầu rất vụng về, chúng thường dùng cả bàn tay để chụp thức ăn một cách không chính xác, và đưa cả bàn tay vào miệng. Tuy nhiên, dần dần trẻ sẽ thành thạo hơn, bắt đầu sử dụng được nhiều ngón tay trong lúc thao tác, cho đến lúc dùng được ngón cái và ngón trỏ để nhón thức ăn vào khoảng 9 tháng tuổi (nhưng cũng có thể dao động từ 7 - 11 tháng). Động tác này đặc biệt quan trọng vì đây là nền tảng cho các kỹ năng vận động tinh tế hơn sau này, như cầm bút viết.

Phụ huynh trợ giúp như thế nào?

Trên hết, cần phải trao cho con trẻ cơ hội học tập. Cho phép chúng có thời gian thử đi, thử lại, có thể vật vã lúc đầu nhưng sau đó trẻ sẽ thực hiện dễ dàng hơn. Người lớn nên cung cấp những thực phẩm khô và vừa tay để chúng dễ bốc nhưng không quá lớn để có thể khiến bị nghẹn. Đa số trẻ con đều có động lực muốn tập ăn và sẽ tìm cách để đưa thức ăn vào mồm. Có thể xảy ra trục trặc trong lúc luyện bốc bằng ngón cái và ngón trỏ, nên người lớn có thể làm mẫu cho con trẻ bằng cách dùng tay bốc ăn bằng cách này.

Dùng muỗng

Sau thời gian tự khám phá công dụng của các ngón tay, trẻ sẽ chuyển sang tự dùng muỗng và hoàn toàn tự lập ở độ tuổi lên 2. Tuy nhiên, nếu được trao cơ hội tập luyện, hầu hết trẻ con đều có thể tự dùng muỗng sớm hơn. Trong giai đoạn học tập kỹ năng này, điều quan trọng nhất là để đứa bé tự tập sử dụng muỗng. Phụ huynh bắt đầu hướng dẫn bằng cách nắm tay dùng muỗng của con và xúc một ít thức ăn từ đĩa di chuyển đưa vào miệng. Lập lại vài lần cho đến khi trẻ háo hức muốn thử. Cũng như mọi kỹ năng đầu đời khác, trẻ sẽ rất vụng về khi mới khởi đầu, chẳng hạn như khi đưa muỗng về hướng miệng nhưng có thể trây trét thức ăn trên mặt và làm rơi vãi trên khay ăn, quần áo. Phụ huynh cần kiên nhẫn, cho trẻ có thời gian tập luyện, nói những lời khuyến khích thay vì la rầy và giật muỗng từ tay con để đút cho xong. Thái độ can thiệp vào quá trình học kỹ năng sẽ khiến trẻ trở nên tự ti và sau đó bỏ mặc cho phụ huynh xúc thức ăn cho mình.

Cần lưu ý là khi trẻ tập ăn, nên đặt trẻ cùng ngồi vào bàn với các thành viên còn lại của gia đình để trẻ học tập những người xung quanh. Và những món ăn có thể dùng trong giai đoạn luyện kỹ năng múc của trẻ có thể là các món đặc như cháo, sữa chua, bơ xay, vì thức ăn dạng này dễ xúc mà lại bám lâu hơn trên muỗng.

Phụ huynh cũng nên tránh không yêu cầu trẻ phải ăn sạch thức ăn trên tô, đĩa của chúng. Thay vào đó, xúc từng phần vừa đủ, và khuyến khích chúng ăn theo sức ăn của mình. Không nên dụ dỗ trẻ ăn cơm bằng cách trao phần thưởng như cho kẹo, vì điều này có thể khiến đứa trẻ cảm thấy món ăn chính ít hấp dẫn bằng những món ăn vặt. Và nếu có thể nên để trẻ vào bếp cùng cha mẹ, tạo cơ hội cho chúng tham gia chuẩn bị phần ăn cho bản thân.

BẠCH LINH

Trẻ không ăn, cứ cho nhịn

Nhiều phụ huynh Việt Nam có tâm lý sợ con ăn uống không đầy đủ, bị thiếu chất, thậm chí suy dinh dưỡng nên cố ép con ăn bằng mọi cách, khiến giờ ăn trở thành “thử thách” khủng khiếp cho cả người lớn lẫn trẻ nhỏ. Trong khi đó, ở nhiều nước phát triển, phụ huynh tạo tính độc lập cho con trẻ trong chuyện ăn uống từ rất sớm. Hầu như ở những nước này, bước qua 3 tuổi, không còn đứa bé nào phải để cha mẹ đút ăn nữa. Để có được “thành quả” trên, ngoài việc tạo mọi điều kiện để con tập ăn, phụ huynh luôn tỏ ra nghiêm khắc, cứng rắn, để con hiểu giá trị thật sự của bữa ăn. Người viết từng đi ăn trưa chung với Cát An, một bà mẹ trẻ định cư ở Nhật cùng chồng con. Khi đồ ăn dọn ra, cậu bé con của An mới 3 tuổi, cầm lấy chén mì mẹ đã xắn sợi ra ngắn sẵn rồi múc lấy múc để, ăn ngon lành. Thấy tôi nhìn chăm chú, chị giải thích: “Mình cho bé nhịn đói vài lần rồi, nhõng nhẽo không ăn, mình để bỏ bữa luôn, sau đó năn nỉ, khóc lóc thế nào cũng không cho ăn, bắt phải đợi đến đúng bữa ăn sau. Ở Nhật là thế. Vậy nên giờ bé sợ lắm, đồ ăn đưa ra là ăn ngay, không dám câu giờ nữa. Con của Cát An nhờ ăn uống ngoan, cân bằng dinh dưỡng, lại được vận động nhiều nên rất khỏe mạnh, năng động.                                                                 

L.C

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm