Bạn đọc báo Công giáo và Dân tộc hẳn sẽ ngạc nhiên khi cầm trên tay một ấn phẩm xinh xắn với tựa đề quen thuộc “Ngang qua Vườn Cây Dầu” của tác giả Nguyễn Thiện Bản (NXB Tổng hợp TPHCM 2023). Ngạc nhiên cũng phải, bởi đây chính là tập tản văn được viết nhẹ nhàng như một tùy bút, bản thảo đã trích đăng dài kỳ trên Tuần báo Công giáo và Dân tộc trong năm 2022 dưới bút danh Nguyễn Vĩnh Nguyên, ở chuyên mục “Chuyện thường ngày”.
Theo lời tác giả thì loạt bài viết trong tập sách này đã ra đời trong và sau một trận đại dịch làm chao đảo cuộc sống con người trên toàn cầu, khiến thế giới định hình lại theo một trật tự mới. Và tác giả thiển nghĩ rằng “đây là lúc cần nhìn lại rất nhiều giá trị trong cuộc sống, đặt chúng trong sự soi chiếu của truyền thống tôn giáo, đời sống tâm linh của mình”.
![]() |
Với 40 bài viết trong gần 300 trang, cuốn sách cung cấp cho người đọc một phần nào câu chuyện lối sống, phong tục, truyền thống và những tiếp biến văn hóa Kitô giáo trong xã hội Việt Nam hiện đại. Là những chuyện thường ngày, như tên gọi của chuyên mục trên báo, nhưng phổ quát hơn, với những chuyện cuộc đời được nhìn bằng nhãn quan của một người có đức tin - một tín hữu.
Tác giả, bằng sự trải nghiệm phong phú đã khiến cho những câu chuyện trở nên gần gũi với nhiều Kitô hữu. Vâng, những chuyện đời thường của người giáo dân với những ưu tư, nghĩ suy rất thực trong cuộc sống, từ chuyện hôn nhân - gia đình với những đổ vỡ, chao đảo trong đời sống, chuyện học giáo lý của con trẻ, chuyện về những người tân tòng đến những người cha người mẹ thiêng liêng, các giai điệu thánh ca nhẹ nhàng, những buổi đọc kinh xóm hay tràng chuỗi Mân Côi giữa một thế giới xao động, hoặc những dấu ấn được tác giả ghi lại “để nhớ” trong mùa dịch Covid… Những câu chuyện mà có lẽ không ít gia đình Công giáo đã từng “chạm” đến và người đọc thấy ở đó một sự gợi mở, gởi gắm những thao thức vượt lên những khuôn khổ mà vẫn giữ được “căn tính” của người Kitô hữu. Có những suy nghĩ tưởng chừng kéo con người đi xa nhưng rồi lại gặp trong đích đến ở tình yêu Thiên Chúa diệu vợi. Chính tác giả cũng đã tự giới thiệu về những bài viết của mình, đó là “những bài viết đặt con người vào trung tâm với những niềm vui, nỗi buồn, khủng hoảng, âu lo và hy vọng… khi giáo lý, đạo lý vừa là bệ đỡ tinh thần, lại vừa chịu thách đố không ngừng bởi những diễn cảnh thực tế xáo trộn khó lường”.
Nói về tên gọi của tập sách, tác giả lý giải: “Vườn Cây Dầu (Vườn Gethsemani), nơi Chúa Giêsu cầu nguyện trong đêm trước khi Người bước vào cuộc khổ nạn đã được nhắc đến trong tên sách chính là một ẩn dụ của con người hiện đại khi đối diện với bóng tối của nghịch cảnh, khủng hoảng hiện sinh. Đó cũng là khu vườn của sức mạnh thức tỉnh, vượt qua, an ủi và chữa lành để giúp ta nhận diện, chấp nhận đời sống như vốn dĩ”.
Bằng sự quan sát, trải nghiệm trên đường đời, trong nhiều “vai”, tác giả gởi đến bạn đọc những câu chuyện mà đằng sau nó luôn gợi những suy tư cho người nhà đạo, bằng sự cởi mở, bao dung… Ở tập sách này, Nguyễn Thiện Bản thường chọn cách kết thúc mỗi bài chỉ bằng một - hai câu ngắn gọn, như một triết lý hay một câu hỏi để mỗi người tự suy ngẫm, có khi trong câu hỏi ấy, đã là câu trả lời gợi mở một cung cách sống đạo chân thật, đi sát với đời sống bằng sự thấu hiểu, như nhân vật anh giáo lý viên trong bài viết “Giáo lý của thấu hiểu và yêu thương”, đã nói một câu ở phần kết đầy day dứt rằng “Chẳng phải niềm vui của chúng ta là bằng mọi cách để mang Chúa đến với con người, nhất là những người yếu thế và dễ bị tổn thương trong cuộc đời này hay sao?”.
LIÊN GIANG
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.