Hư thực của “vía Thần Tài” rơi… vào mùng 10 Tết? Kỳ thực, theo đúng tập tục của người dân nước Nam, mùng 10 Tết không “vía Thần Tài”, mà đây là ngày cúng đất đai, với ý nghĩa nhân văn là tưởng nhớ, tạ ơn những thế hệ tiền nhân khẩn hoang mở cõi!
“Vía Thần Tài”, từ bao đời, là tập tục của người Hoa - dù ở đại lục, hoặc hải ngoại, tỷ như trong nhiều gia đình người Hoa ở Chợ Lớn họ thờ cúng Thần Tài. Đột nhiên, trong khoảng hai mươi năm trở lại đây, hoặc lâu hơn một chút, “vía Thần Tài” được quảng bá rầm rộ, thậm chí có người còn đồn thổi đây là “tín ngưỡng dân gian của người Việt” (?), rồi có không ít người Việt nghe bùi tai mà cúng bái “Thần Tài”.
|
Món cá lóc nướng trui không thể thiếu trong mâm cúng tạ ơn vào mùng 10 Tết |
“Vía Thần Tài” rơi vào ngày nào? Theo tập tục của người Hoa, hằng năm vía Thần Tài rơi vào mùng 5 Tết. Nhưng, ở Việt Nam, nơi này nơi kia xuất hiện cách tính “vía Thần Tài” rơi vào… mùng 10 Tết. Thiệt lạ! Người ta bảo có sự “xê dịch” trong cách tính Âm lịch gì đó. Nhưng nếu “xê dịch”, vậy tập quán gốc từ người Hoa ắt cũng có điều chỉnh chớ còn gì nữa. Đây, nói Tết Nhâm Dần năm ngoái cho gần. Bên đại lục Trung Quốc, vía Thần Tài của họ vẫn mùng 5 Tết! Còn Tết Quý Mẹo năm nay? Bạn vào Google gõ tìm “2023 God of Wealth Day” (Thần Tài gọi là “God of Wealth”), ngày vía rơi vào 26 tháng 1 năm 2023, tức mùng 5 Tết. Tập tục trước sau y chang, cứ răm rắp mùng 5 theo lịch, từ hàng trăm năm, không đổi.
Thật ra, mùng 10 Tết, theo đúng TẬP TỤC CỦA NGƯỜI NƯỚC NAM, không “vía Thần Tài” gì cả, mà là ngày cúng đất đai - dựa trên nền tảng tưởng nhớ, biết ơn các bậc tiền nhân đã khai khẩn mở đất, định cõi. Trong lễ vật dâng cúng, luôn có món cá lóc nướng trui - một sản vật đáng nhớ hết sức: đây là món ăn của các bậc tiền nhân thuở mở cõi đất phương Nam. Từ ẩm thực dân gian, con cá lóc nướng trui của lưu dân lục tỉnh xưa đã lên bàn thờ mùng 10 để thành phong tục tập quán.
|
Dinh Ông tại Long Kiến (An Giang), thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh
|
Nói đến chuyện cá lóc nướng, đọc thấy nơi này nơi kia, năm ngoái và những năm trước nữa, vào mùng 10 Tết có những người làm món cá lóc nướng trui để …dâng cúng “vía Thần Tài”. Trời hỡi, món sản vật theo tập tục bao đời dành tưởng nhớ tiên tổ người nước Nam đổ mồ hôi sôi nước mắt mở đất mở cõi, bây giờ đem đi cho “Thần Tài”! Ngày tạ ơn tiền nhân mở đất nào dè, trong tâm trí của không ít người, đang bị mờ nhòe đi và thay vào đó bằng “vía Thần Tài”. Mùng 10, hãy cùng nhau nhớ rằng, đó là ngày TẠ ƠN TIỀN NHÂN ĐI MỞ ĐẤT, ĐỊNH CÕI.
Nhớ ơn những người mở cõi, người Việt chúng ta chẳng bao giờ lợt phai hình ảnh các bậc danh nhân vào thời Chúa Nguyễn như Nguyễn Hữu Cảnh (sinh quán Quảng Bình) xác lập chủ quyền đầu tiên tại đất Gia Định - Đồng Nai, Nguyễn Cư Trinh (sinh quán Thừa Thiên, Huế) hoàn tất công cuộc sáp nhập toàn bộ Thủy Chân Lạp… Rồi, những danh nhân vào thời Nhà Nguyễn như tướng quân Trần Văn Năng (sinh quán Khánh Hòa) đánh tan thủy quân Xiêm La tràn sang xâm lược lục tỉnh Nam Kỳ, Đức Thượng công Lê Văn Duyệt (sinh quán Cái Bè) làm Tổng trấn Gia Định Thành cai quản toàn cõi phương Nam và làm cho phương Nam thịnh vượng, Nguyễn Văn Thoại (sinh quán Quảng Nam) với công trạng đào kinh Vĩnh Tế, kinh Thoại Hà… Đặc biệt, Đức Thượng công Lê Văn Duyệt có vai trò rất quan trọng trong việc che chở tín hữu Công giáo khỏi bị bách hại dưới thời vua Minh Mạng.
|
Kinh Vĩnh Tế, công trình quan trọng ghi danh Thoại Ngọc hầu Nguyễn Văn Thoại
|
Matthêu Nguyễn
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.