Thứ Tư, 08 Tháng Hai, 2023 18:03

Ngày thơ Việt Nam với những khát vọng…

 

Rằm tháng Giêng, ngày Nguyên Tiêu lâu nay đã trở thành truyền thống của Ngày Thơ Việt Nam. Năm nay, ngày này đã để lại nhiều cảm xúc trong lòng những người tham dự Hội thơ đây đó…

Nguyên Tiêu khép lại, trăng mười sáu vẫn còn tràn đầy, người về lại nhớ tiếng trống khai hội, nhớ những câu thơ được cất lên từ chính tâm hồn mình...

Phải nói rằng sau 3 năm bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19, Ngày Thơ đã trở lại, như một sự “bùng nổ” thật sự của thơ ca với nhiều sự kiện hoành tráng và sâu sắc hơn trước. Năm nay, Ngày Thơ Việt Nam mang chủ đề “Nhịp điệu mới”, là khát vọng lớn lao hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn về mọi mặt: Kinh tế, văn hóa, xã hội...

Các lều của những CLB thơ - nơi diễn ra các chương trình thú vị trong ngày Hội thơ ở TPHCM - ảnh: N.H

Đó là không khí chung của cả nước. Riêng ở thành phố Hồ Chí Minh, ngày Hội thơ với chủ đề “Khát vọng phương Nam”, diễn ra tại khuôn viên Liên Hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TPHCM (81 Trần Quốc Thảo, quận 3) từ ngày 4 - 5.2.2023, thể hiện khát vọng của vùng đất năng động, mạnh mẽ và thăng hoa. Đây như một lễ hội của người yêu thơ ca, truyền cảm hứng giữa công chúng và nhà thơ trên tinh thần sáng tạo và thấu hiểu lẫn nhau. Tôi là người được tham dự trong vai trò một nhà thơ, một công chúng yêu thơ, và một người bình thường ngoài thơ, nên cái nhìn của tôi về thơ trong ngày này sâu lắng hơn, khách quan hơn và xúc động hơn từ cuộc sống.

Với nhà thơ, ngày Rằm tháng Giêng là ngày Tết thật đáng nhớ của thi ca. Những rộn ràng, hồi hộp đợi chờ đã trở thành chất liệu sống quý giá để người làm thơ chiêm nghiệm, sáng tạo ra những áng thơ hay làm đẹp cuộc đời. Đối với một công chúng yêu thơ thì đây là đêm Rằm thú vị, ngọt ngào nhất mà thơ ca đem lại. Họ hòa vào không gian thơ với trái tim yêu quý, ngưỡng mộ, coi thơ là món ăn tinh thần giúp mình thư giãn giữa bộn bề cuộc sống. Ngay cả một người bình thường ngoài thơ, cũng rất đỗi ngạc nhiên và cảm thấy yêu quê hương đất nước qua những lời thơ mà họ ít có dịp tiếp cận. Nói chung, tâm hồn người yêu thơ, hay người đứng ngoài thơ một khi đã có cơ hội tiếp xúc đều cảm thấy có những thay đổi, cái thay đổi vô hình ấy có thể nhỏ bé, có thể lớn lao…

Nhiều nhà thơ lớn của đất phương Nam được vinh danh trên dọc “đường thơ” như Phan Văn Trị, Nguyễn Đình Chiểu, Bảo Định Giang, Nguyễn Bính, Chế Lan Viên, Chim Trắng…, trong đó ấn tượng hơn cả là nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu với câu thơ mạnh mẽ nhất mọi thời đại: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thàng gian bút chẳng tà”.

Không khí thơ của các câu lạc bộ ở các quận, huyện, thành phố với các lều thơ là một sân chơi thú vị, thu hút rất nhiều người có khả năng sáng tác với các tiết mục trình diễn thơ, văn nghệ, giao lưu... Nơi đây đã đem đến chất bình dân thi ca trong lễ hội, làm thi liệu cho cách nói, cách nghĩ về một vùng đất phát triển. Các Câu Lạc bộ là nơi tiếp nhận và bồi dưỡng các cây bút từ trẻ đến già, để họ có cơ hội tham gia vào các Hội cao hơn.

Và nổi bật trong lễ hội này còn là sân Thơ Trẻ. Đây là nơi giới thiệu những cây bút trẻ tài hoa với nhiều tác phẩm đã xuất bản. Có thể nói, thơ trẻ chính là lớp kế thừa, thay mặt cho lớp người đi trước. Họ có đủ sức vóc và tầm cao, góp phần làm nên diện mạo văn học cho thành phố.

Trong ngày Hội thơ ở TPHCM, tôi cũng khá ấn tượng với một tọa đàm do nhà thơ Lê Thiếu Nhơn chủ trì. Tọa đàm tuy nhỏ, nhưng vấn đề đặt ra rất lớn. Đó là “Dòng thơ giữa phố”, để nhận diện sức sống thi ca ở một đô thị lớn nhất phương Nam. Những câu hỏi hóc búa được đặt ra, và làm thế nào để lý giải nó là một phương trình còn dang dở. Dĩ nhiên, câu trả lời là không có kết thúc, nhưng cái đọng lại làm cho chúng ta trăn trở là con đường của thơ ca hôm nay, khi đối mặt với trống vắng, với thị trường xuất bản, và với quá trình hội nhập quốc tế, chúng ta - những người cầm bút phải làm gì...

Phát biểu trong đêm Nguyên Tiêu ở Hoàng Thành Thăng Long Hà Nội, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: “Trong lịch sử lớn của dân tộc, có lịch sử thơ ca, các nhà thơ Việt Nam hết thế hệ này đến thế hệ khác đã đi cùng dân tộc trên mọi chặng đường. Với quyền lực của ngôn từ, với vẻ đẹp của tư tưởng nhân văn và bản lĩnh của mình, thơ ca đã đi qua mọi thử thách...”. Còn tại Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh, ông nói: “Thơ ca không làm ra lúa vàng gạo trắng, nhưng làm ra giấc mơ của con người. Đấy là sứ mệnh của nhà thơ. Một dân tộc không có ước mơ, không có khát vọng là một dân tộc không biết đi về đâu... Và thơ ca không có biên giới giữa con người với con người, giữa không gian này với không gian khác. Thơ ca với những nhà thơ, đã phá đi biên giới bên trong của mỗi con người...”. Hai phát biểu ở hai nơi quan trọng là Hà Nội và TPHCM, đã nói lên giá trị của thơ ca trong đời sống.

Thật vậy, với người viết, thơ luôn tạo ra những giây phút thư giãn, lắng đọng cho tâm hồn, giữa nhịp sống hối hả thời hiện đại. Thi ca Việt Nam, có thể nói dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, vẫn dạt dào sức sống và không mất đi vẻ đẹp của mình.

 

NGUYỄN THÁNH NGÃ

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm