Mấy ngày qua, người ta bàn luận nhiều trước đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là để người lao động nghỉ thêm 3 ngày một năm, có thể vào các dịp Tết Dương lịch, dịp Quốc khánh 2.9 (nghỉ 2 ngày thay vì 1 ngày như hiện nay) và Ngày gia đình Việt Nam (28.6). Ðã có những ý kiến trái chiều, tựu trung, giới sử dụng lao động có xu hướng không tán đồng vì ngại tốn thêm chi phí hoặc mất ngày công, còn với phần đông người lao động và các cơ quan bảo vệ quyền lợi của họ thì nghiêng về giải pháp nên có thêm ngày nghỉ.
![]() |
Ở luồng ý kiến thứ nhứt, người ta vịn vào lý do năng suất lao động ở Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực, kinh tế chưa phát triển, nên thêm ngày nghỉ sẽ gây khó cho nhà sản xuất vì nếu vào những ngày nghỉ đó người lao động không nghỉ lại vẫn muốn đi làm thì doanh nghiệp phải trả lương theo quy định “lương ngày lễ Tết”, rồi sản xuất trong nước còn mang tính gia công nên phải theo thời vụ… Thậm chí có doanh nghiệp còn lập luận trường hợp nhiều tiền, thu nhập cao, có thêm ngày nghỉ là cơ hội để đi chơi, du lịch; đằng này, khi tài chính không dư dả, tăng số ngày nghỉ sẽ không ý nghĩa gì… Theo chúng tôi, đây là những cách tính toán thiển cận, ngắt ngọn, cốt chỉ để có lợi cho doanh nghiệp trước mắt mà không nghĩ đến đường dài là giữ gìn sức khỏe cho người lao động. Chưa nói đến chuyện du lịch, dã ngoại…, thêm ngày nghỉ sẽ giúp họ có thêm thời gian nghỉ ngơi hoặc dành cho những nhu cầu khác như chăm sóc gia đình, thăm thú bạn bè, liên hệ với dòng họ, ngõ hầu nâng cao thể chất và tinh thần, từ đó tái tạo năng lượng và tăng năng suất lao động, tránh vòng luẩn quẩn làm nhiều - mệt mỏi - năng suất thấp - làm nhiều hơn nữa…
Cần biết hiện nay, số ngày nghỉ lễ, Tết ở Việt Nam 10 ngày là thấp nhất trong khu vực (Trung Quốc có 21 ngày nghỉ, Campuchia 28 ngày, Indonesia 16 ngày, Philippines 19 ngày, Malaysia 13 ngày, Nhật Bản và Thái Lan đều nghỉ 16 ngày một năm); số ngày nghỉ phép khởi điểm 12 ngày cũng thuộc hàng thấp vì Công ước 132 về nghỉ phép của Tổ chức Lao động Thế giới ILO quy định, người lao động nên được nghỉ phép có hưởng lương không dưới 3 tuần mỗi năm. Vậy thì thêm 3 ngày nghỉ nữa trong năm cũng chưa là gì so với số ngày nghỉ lễ và tổng ngày phép ở các nước vừa dẫn chứng. Sở dĩ có con số năng suất chung thấp là vì nó được tính bằng tổng sản phẩm xã hội chia cho số người trong độ tuổi lao động, trong khi Việt Nam có nhiều lao động nông nghiệp tự do có năng suất thấp, nên nhìn thấy bình quân thấp. Thực tế, theo nhiều nhà chuyên môn, năng suất lao động của chúng ta khá cao, nhất là ở các ngành dệt may, cơ khí…, bởi vậy mới thu hút đầu tư lớn.
Ðể kết, xin mượn lời ông Lê Ðình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động góp ý về vấn đề này : “Xu thế mới không nên chỉ lấy lợi thế cạnh tranh là nhân công giá rẻ. Ðể giảm chi phí thì doanh nghiệp phải cải tiến tổ chức, quản trị, tăng công nghệ hiện đại, áp dụng kỹ thuật tiên tiến, bố trí lao động hợp lý, tiết giảm phí quản lý. Tăng thời gian nghỉ trong năm là cách thu hút, giữ chân lao động, làm cho người lao động gắn bó với doanh nghiệp, và cũng là cơ hội để gây áp lực cho doanh nghiệp đổi mới hơn nữa. Ðó mới là phát triển bền vững...”.
Công giáo và Dân tộc
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.