Thứ Bảy, 10 Tháng Mười Hai, 2022 08:00

Nghĩ tản mạn từ nhà sách Công Giáo

 

Thế rồi một hôm, chị bạn nhà văn muốn tìm kiếm những đầu sách Công giáo để thu thập chất liệu cho cuốn sách mới, tôi liền làm tour guide, đưa chị đến Nhà sách Đức Bà Hòa Bình và Thư quán Trung tâm Mục vụ Sài Gòn. Chị lấy làm bất ngờ và gần như bị cuốn vào một thế giới sách dồi dào mà sao từ lâu một con mọt sách như chị chưa từng được biết. Phải rất khó khăn để tôi có thể kéo chị ra khỏi những kệ sách khi trời đã tối và bụng thì sôi réo vì đói mà lại phải vác giúp chị một thùng “sách nhà thờ”...

Một nhà sách Công giáo tại Sài Gòn

 

Là một người đọc và theo sách Công giáo nhiều năm, tôi thuộc từng kệ sách ở các nhà xứ trong thành phố. Các nhà sách như thế, lẽ dĩ nhiên, tạo ra một không khí rất riêng. Ở đó, không chỉ có sách đủ các thể loại, từ sách lễ đến sách thần học, văn chương Công giáo, cẩm nang giáo lý, thánh ca cộng đồng…, mà còn có các tranh ảnh và tượng thờ, đèn nến và các món quà lưu niệm. 

Các nhà sách của giáo xứ cũng tạo nên không khí tôn giáo khá thú vị. Đến những nơi đó, tôi tìm được không khí hội tụ của một mùa hội. Tôi sẽ gặp những cuốn sách tranh màu rất đẹp về lễ Giáng Sinh mới được ấn hành, tôi thấy những cây tùng thơm, hay mua về những dây đèn màu ưng ý nhất. Và nhất là, tôi sẽ có những tấm thiệp xinh xắn, những bộ máng cỏ đẹp để tặng bạn bè làm quà ngay từ mùa Vọng. 

Nhạc Giáng Sinh đã ngân nga đánh thức trong tôi niềm háo hức rộn ràng khi đi ngang qua những gian kệ trưng bày sách về đan tu và chiêm niệm - trong dòng sách mà tôi luôn chọn đọc khi trời vào đông.

Tôi đã có những buổi chiều tản bộ bên ngôi nhà nguyện cổ xưa của Trung tâm Mục vụ Sài Gòn với một cuốn sách mới và chờ những giờ diễn nguyện Giáng Sinh. Cái cảm giác trông chờ trong tĩnh lặng đem lại nguồn năng lượng mới mẻ. Những câu thơ của Thánh Gioan Thánh Giá âm vang trong tôi khi ngồi dưới mái vòm cũ kỹ và nhìn buổi chiều xuống chầm chậm; tâm trí quên hết đi sự náo động của cuộc sống bên ngoài.

Các nhà sách Công giáo dẫn dắt người đọc khù khờ như tôi bước vào một thế giới sách vở riêng tư, khi chính tôi là một người vẫy vùng và quá mỏi mệt trong cái nghề liên quan tới chữ nghĩa xuất bản giữa gió bụi đời sống. Tôi tìm thấy nơi không gian sách Công giáo một “độ không” của những tính toán hơn thiệt, vượt trội hay chen chúc. Cảm giác này cũng có thể ví như khi ta từ đời sống rối ren bước vào một tu viện. Thời gian không gian bây giờ mới là một, yên ổn, trong lành và nghiêm trang. Tôi chọn một nơi yên tĩnh để lật qua những trang sách. Nơi này là sách của một đan viện phụ nói về kinh nghiệm làm bạn với bóng tối để mở ra một cuộc đối thoại với Đấng Tối Cao, nơi nọ là những ấn bản Kinh Thánh khác nhau mang dấu ấn ngôn ngữ của nhiều thời kỳ, nơi kia là các bài đệm đàn cho ca đoàn nhà thờ, và kìa nữa, những cuốn sách về tu đức dù nằm ngoài đời tôi nhưng không ít lần câu chữ đã mở ra trong tôi những kinh nghiệm tâm linh quý báu.

Một điều nữa chỉ có khi dạo bước trong nhà sách Công giáo của những giáo xứ, đó là cảm giác con đường từ người viết, người làm ra những cuốn sách với người đọc giáo dân thật gần. Gần ở đây không hẳn là những cuốn sách chạm ngay đến thế giới tinh thần của người đọc hay cách thế nỗ lực của người làm sách, viết sách tiếp cận được những chân trời người đọc. Mà chỉ là một sự gần gũi theo nghĩa bề mặt của từ này. Thế giới những cuốn sách Công giáo trong các nhà sách giáo xứ hầu như rất ít sự chăm chút trình bày. Nhiều cuốn cực hay nhưng chất lượng thiết kế chẳng khác mấy với các bản sách photo, dàn trang đến mặt bìa bỏ qua các nguyên tắc chuyên môn, thật buồn tẻ và đơn điệu. Các cuốn sách Công giáo như thế này gợi nhớ đến những tài liệu truyền giáo nhiều hơn là một ấn bản thực thụ để hướng đến người đọc rộng lớn. Chúng khiến tôi nghĩ rằng có thể chúng được chế biến ngay sau bức tường của các kệ sách, bởi những bà sơ, ông thầy cần mẫn với một con đường riêng, là những linh mục hay tu hội chuyên cần viết sách/ làm sách để triển khai tinh thần mục vụ.

Sự thầm lặng với con đường riêng đó, như đã nói, tạo ra cái hay, cái riêng trong không gian những nhà sách Công giáo đó chứ. Những con chiên sẽ biết đến họ, biết chỗ tìm tới các cánh đồng được tạo ra từ lao công năm này qua tháng nọ để no thỏa cỏ non, nước trong mà không đòi hỏi gì thêm. Nhưng rồi mặt khác, sự thầm lặng hành trì đó trong hoạt động xuất bản lại gần như cô lập. Phải, ở đây, cần nói thêm một đặc điểm nữa của sách Công giáo, đó là sự tự cô lập trong một không gian “đặc hữu” của mình. Những cuốn sách chú trọng thông điệp từ một phía của người viết, người làm sách mà bỏ qua tâm lý và nhu cầu tiếp nhận và những tiêu chuẩn rộng lớn hơn của môi trường xuất bản, thị hiếu và  ọc thuật bên ngoài. Đôi khi, vì mang nặng tính mục vụ nội bộ nên các cuốn sách Công giáo trên kệ sách nhà xứ chỉ quanh quẩn năm này qua tháng khác ở đó, không hơn. Một người đọc ngoại đạo muốn tìm hiểu về các giá trị văn hóa Công giáo, có thể sẽ không biết phải bắt đầu từ đâu, như chị bạn nhà văn đầy nhiệt huyết của tôi bữa nọ.

Sách, lẽ ra là ngọn đèn lan tỏa đạo đức, văn hóa Kitô giáo đã không thể làm điều đó khi khu trú trong những nhà sách nghiêm trang trong lành nhỏ nhẹ nhưng lại cô lập và khó gần; không chịu thử thách trong một môi trường cuộc đời đầy sôi động như là một đích đến chính yếu của hành trình truyền trao giá trị Phúc Âm. Mãi đến gần đây, thì mới có những nơi làm sách Công giáo chăm chút nhiều hơn đến hình thức và các quy chuẩn chuyên môn cho dòng sách này, nhưng chưa thực sự có những đầu sách tạo ra dấu ấn ảnh hưởng lớn trong cộng đồng. Khi nhìn qua tôn giáo bạn như Phật giáo, việc triển khai dòng sách thiền cùng các pháp môn hướng đến trị liệu khủng hoảng hiện sinh, chữa lành tâm bệnh đã có sức ảnh hưởng lớn trong cộng đồng bên cạnh các sách nghiên cứu, văn bản chuyên sâu. Có lẽ không phải vấn đề nằm ở chất liệu nền tảng hay tài năng, mà vấn đề lại nằm ở chỗ: nếu các nhà làm sách, viết sách Phật giáo chỉ bằng lòng với việc trưng bày và đọc lẫn nhau trong các chùa hay chỉ hướng đến những tăng thân ngày đêm chăm lo kinh kệ tụng niệm và thực hành giáo pháp, thì họ đã không có sức ảnh hưởng thâm viễn vào đời sống đến như vậy. Họ đã hướng tới những giá trị mà đời sống cần, những chân trời mà độc giả đón đợi.

Chị nhà văn hẹn tôi sẽ có dịp đi lùng sục nhiều hơn ở các nhà sách Công giáo tại Sài Gòn mà tôi khoe thường xuyên lui tới và hay tìm được những cuốn sách “hàng độc”. Nhưng thâm tâm tôi lại ước chi một ngày chị trở lại, sẽ không cần tôi đưa đến các nhà xứ nữa, bởi có thể dễ dàng tìm được những cuốn sách Công giáo hay nhất ở những nhà sách ngoài đời.

 

Tùy bút của NGUYỄN VĨNH NGUYÊN

[Trích từ bản thảo Ngang qua Vườn Cây Dầu]

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm