Thứ Tư, 28 Tháng Tám, 2019 23:59

Nghĩ từ một nghị định

 

Từ ngày 1/8, Nghị định 46/2019 của Chính phủ về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực thể thao chính thức có hiệu lực. Ðiểm quan tâm của dư luận là điều 6 trong Nghị định quy định: Phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng các bài tập, môn thể thao hoặc các phương pháp tập luyện, thi đấu thể thao mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy, kích động bạo lực, trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Những quy định trên mặc nhiên cho thấy đang tồn tại những hành vi lệch chuẩn trong các hoạt động dưới danh nghĩa thể thao, gây ảnh hưởng xấu đến tâm, sinh lý nhiều người, trái với luân thường đạo lý đến mức ngành văn hóa thể thao phải nghĩ đến việc điều chỉnh nó bằng pháp luật. Những hiện tượng ăn mặc lố lăng, thiếu vải phản cảm không phải không có trong các sàn tập với những môn thể dục thể thao có tính chất đặc thù. Trên thế giới đang tồn tại cả những môn như yoga khỏa thân. Tại đô thị, những hành vi mặc quá sexy trong các phòng tập gym, hay tại các bể bơi đều ít nhiều có những tác dụng phụ đối với những thanh thiếu niên khác giới. Người ta có cảm giác một vài nam thanh, nữ tú đến đó để khoe thân, tạo dáng hơn là chuyên chú vào môn tập để tăng cường sức khỏe.

Kết quả hình ảnh cho chạy bộ thể thao
 

Một ý tưởng tốt nhưng nếu không bám sát thực tiễn cũng dễ biến thành dở, thậm chí thành khó áp dụng, tạo ra những quy định chết từ khi khởi thảo. Trong trường hợp Nghị định 46/2019 này mới thấy khá nhiều khoảng trống cho việc áp dụng và thực thi. Nhiều người tự hỏi, thế nào được cho là bài tập, môn tập, phương pháp tập có tính chất khiêu dâm? Hơn nữa khái niệm này không thể lấy từ Pháp lệnh phòng, chống mại dâm để áp dụng, thành thử rất mung lung. Nếu có triển khai cần phải có tiêu chí thống nhất và bản thảo rõ ràng chứ không thể thực thi trong khi mơ hồ về mặt khái niệm. Một thực tế khác cũng tính đến là Nghị định này chủ yếu xử phát ở lĩnh vực “thể thao”, còn các môn thuộc phạm vi “thể dục” như khiêu vũ, múa cột ,  hay yoga khỏa thân thì lại không ở môn đấu thể thao nào cả. Mặt khác ngay cả lĩnh vực thể thao, với các môn điền kinh như bơi lội, thể dụng dụng cụ, trượt băng nghệ thuật… đòi hỏi vẻ đẹp thẩm mỹ về hình thể và ăn mặc gọn gàng bó sát cơ thể thì cũng khó mà áp dụng do đặc thù của những môn này quy định.

Bởi vậy mới thấy, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của ta còn có khoảng cách khá xa với thực tiễn đời sống. Công tác khảo sát thực tiễn và thăm dò dư luận còn chưa được đánh giá cao trong quá trình dự thảo, dẫn đến một tình trạng khó hiểu cho người thực thi. Khi chúng ta còn mù mờ về các khái niệm trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì rất khó đưa luật pháp vào cuộc sống. Quy định về phạt hành chính đối với hành vi khiêu dâm trong luyện tập thể thao, xem ra chỉ mang nhiều tính chất răn đe, cảnh báo hơn là hiệu lực thực tế.

 

Ngô Quốc Ðông

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm