Mâm cơm ngày Tết luôn đầy ắp những món ăn truyền thống thơm ngon, giàu dinh dưỡng. Theo khuyến cáo của bác sĩ, để Tết vui và khỏe, người bệnh mạn tính rất cần lưu ý đến việc ăn uống, tránh tình trạng “quá đà”.
Người bệnh mãn tính cần ăn uống phù hợp để đảm bảo Tết vui mà vẫn khỏe |
Bệnh tiểu đường, cao huyết áp, máu nhiễm mỡ
Theo khuyến cáo của bác sĩ Hoàng Hiệp (Nguyên Phó Trưởng khoa Phẫu thuật tim, lồng ngực mạch máu - bệnh viện Nhân dân 115), đối với người cao huyết áp, tiểu đường, mỡ máu, nên thưởng thức những món ăn ngày Tết ở mức độ phù hợp và có sự lựa chọn để tránh gây hại cho tình trạng bệnh của mỗi người. Trong đó, món mà gia đình nào cũng có là bánh chưng, bánh tét. Món này rất giàu dinh dưỡng, chỉ một góc bánh chưng đã tương đương với một bát cơm đầy (với đầy đủ thức ăn), nên người bệnh tiểu đường cần hạn chế; riêng người cao huyết áp, mỡ máu vẫn có thể dùng được với mức độ vừa phải.
Ngoài các món làm từ nếp, mâm cơm ngày Tết là nơi hội tụ thịt thà các loại, như thịt bò, heo, gà, cá, tôm... Người bệnh tiểu đường, huyết áp và mỡ máu nếu tình trạng đang ổn định, thì đều có thể dùng trong mức độ vừa phải. Tuy nhiên, thực đơn tốt nhất cho người bệnh tiểu đường là các loại rau củ, khổ qua nhồi thịt, đạm từ thực vật (hạt dưa, hướng dương, hạt bí, điều...). Riêng dưa món (củ kiệu, dưa hành, dưa giá) có nguyên liệu từ thực vật, nên người có những bệnh trên đều có thể ăn được, ngoại trừ bệnh đau bao tử (dư axit dạ dày) chỉ ăn khi bụng no và ăn với lượng ít. Những món không thể thiếu trong những ngày đầu năm Âm lịch là bánh mứt, đồ ngọt. Ðược làm từ trái cây khô, kết hợp với đường tinh chế, đây là một trong những nguyên nhân gây rối loạn bộ máy chuyển hóa đường và tăng đường huyết, nên người tiểu đường cũng cần hạn chế tối đa. Rượu bia, cà phê, nước ngọt cũng là những loại thức uống mà những người bị các bệnh nói trên nên tránh sử dụng.
Trong trường hợp có chuyến đi dài ngày, về quê hay du lịch, bác sĩ Hiệp lưu ý là khi có bệnh mạn tính (tiểu đường, huyết áp, mỡ máu), người bệnh phải đảm bảo cơ thể ở trạng thái ổn định, duy trì chế độ ăn uống phù hợp và sử dụng thuốc uống theo chỉ định. Ðồng thời, nên trang bị máy đo huyết áp, máy kiểm tra đường và tự theo dõi tình trạng của mình thường xuyên. Trong trường hợp huyết áp giao động liên tục, hoặc mỡ máu quá cao (triglyceride cao trên 500mg/dl, nguy cơ gây viêm tụy cấp bất cứ lúc nào), thì cần điều chỉnh ổn định rồi mới di chuyển để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Bánh mứt, đồ ngọt, tinh bột là những món người tiểu đường cần hạn chế tối đa
|
Bệnh gan, thận, tim mạch
Với người bệnh gan, bác sĩ Lê Thị Kim Quý (Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM) hướng dẫn người bệnh hạn chế món ăn nhiều dầu mỡ hoặc giàu đạm, do gan không đủ sức chuyển hóa hết các chất nên có thể gây đầy bụng, khó tiêu. Chưa kể lượng amoniac sinh ra từ chuyển hóa đạm không đượcganxử lý hết cũng sẽ tạourêgây hại cho cơ thể. Ngoài ra, người bệnh gan vẫn cần duy trì chế độ ăn lạt và kiêng các loại bánh kẹo ngọt. Ðặc biệt đối với người viêm gan và xơ gan, tuyệt đối không uống rượu bia, nhất là rượu nặng.
Ðối với bệnh nhân tim mạch, cũng theo bác sĩ Quý, người bệnh tim, nhất là suy tim rất dễ phát bệnh nếu ăn chế độ nhiều muối và giàu đạm. Vì vậy, ngày thường cũng như ngày Tết, nên ăn những món lạt, ít béo và giàu canxi như cá, cua, tôm, tép nhỏ… Ðồng thời, hạn chế tối đa các loại thực phẩm chế biến sẵn có hàm lượng muối cao như đồ hộp, chả giò, lạp xưởng, khô mực, tương chao, cá khô. Trong trường hợp muốn ăn dưa muối, củ kiệu kết hợp với một số món ăn, thì nên ngâm dưa, kiệu bằng giấm đường thay vì ngâm với muối như thường lệ. Bên cạnh đó, việc hạn chế rượu bia, các món ăn nhiều thịt, nhiều mỡ (thịt kho tàu, bánh chưng…) là điều cần thiết đối với các bệnh nhân có tiền sử bệnh tim mạch, xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành. Ngược lại, trái cây, rau củ, đậu đỗ… là nguồn thực phẩm giàu kali tốt cho tim mạch.
Người bệnh thận thường bị huyết áp cao nên cũng rất cần duy trì chế độ ăn lạt và đảm bảo độ đạm khoảng 50-60g/ngày từ nguồn thịt động vật như thịt nạc heo, bò, gà, vịt, tôm, cá và các loại đậu. Có điều, người bệnh thận cần kiêng khem những loại trái cây có hàm lượng kali cao (dưa hấu, quýt, dứa, chuối, bơ, lựu…) để tránh tình trạng tăng kali trong máu quá mức. Nồng độ kali trong máu người bình thường là 3,5 - 5,0 mEq/l, nhưng nếu nồng độ kali tăng vượt ngưỡng có thể gây huỷ hoại chức năng tim một cách trầm trọng, thậm chí dẫn đếnngưng timvàtử vong.
Rau củ là món ăn nên được ưu tiên cho người bệnh gout |
Bệnh thống phong
Ðể đảm bảo an toàn sức khỏe cho người bệnh thống phong (gút) trong dịp Tết, bác sĩ Chuyên khoa 2 Hồ Phạm Thục Lan (giảng viên Ðại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) lưu ý, trong những món ăn được chế biến từ thực phẩm không gây ảnh hưởng đến việc tăng axit uric máu, phù hợp với những bệnh nhân mắc bệnh này, trước tiên phải kể đến rau củ. Vì rau củ không có nhân purin, và có rất nhiều chất xơ giúp giảm những yếu tố gây viêm. Ngoài rau củ, người bệnh thống phong nên ưu tiên dùng đạm thực vật (các loại hạt) và kế đến là thịt trắng (gồm thịt heo, gà). Theo một số nghiên cứu, các loại hạt (hạt dưa, hạt bí, hạt điều…), đặc biệt là những loại hạt thô, nguyên vỏ có chứa nhiều omega 3 và một số chất khoáng tốt cho người bị thống phong, nên có thể dùng không giới hạn số lượng.
Bên cạnh đó, các món bánh chưng, bánh tét, dưa món, thịt kho tàu, khổ qua nhồi thịt, giò heo hầm măng, chả giò chiên cũng là những món ăn cổ truyền được chấp nhận trong khẩu phần dinh dưỡng của bệnh nhân thống phong. Những món này thường được dùng kèm với dưa món, mà dưa món có quá trình lên men nhờ các vi sinh vật, rất tốt cho hệ vi khuẩn đường ruột, góp phần củng cố hoạt động miễn dịch của cơ thể, đồng thời giúp bệnh nhân giảm bớt những cơn thống phong cấp.
Song song với chế độ dinh dưỡng, bác sĩ Lan nhấn mạnh, người bệnh thống phong nên duy trì thói quen vận động ít nhất 30 phút/ngày; tránh tăng cân (là yếu tố nguy cơ gây cơn thống phong hiệp phát); uống khoảng 2,5-3 lít nước/ngày để tăng thải axit uric qua đường tiết niệu; tăng cường rau củ và trái cây có chất chua, không ăn trái cây quá ngọt, không uống nước ép hoặc nước ngọt có ga vì những loại này có nhiều đường fructose có thể gây kích hoạt thống phong cấp; tránh xa rượu bia (những chất hại nhất cho người bệnh thống phong)… Theo bác sĩ Lan, khi tuân thủ hướng dẫn này, người bệnh sẽ không bị cơn bệnh tái phát bất ngờ, có thể đón Tết vui khỏe bên gia đình, người thân.
BÍCH VÂN
Bình luận