Thứ Ba, 20 Tháng Tư, 2021 14:57

Người chủ trương cải biến áo dài truyền thống Việt Nam

 

Ðó là họa sĩ Cát Tường, tên đầy đủ là Nguyễn Cát Tường, theo Hán tự thì đó là “điều may mắn”. Ông lấy bút danh là “Le Mur” (tiếng Pháp là “bức tường”).Ông sinh năm 1912 tại Sơn Tây. Năm 1928, ông thi đậu trường Cao đẳng Mỹ thuật Ðông Dương khóa IV (1928-1933).

 

Danh họa Cát Tường

 

Sau khi tốt nghiệp, ông làm việc tại Hà Nội, liên hệ mật thiết với nhóm Tự Lực Văn Ðoàn. Ông chủ trương cải biến áo dài truyền thống của phụ nữ Việt Nam với ý tưởng biến thiên theo phong cách Tây phương du nhập. Ông cùng Tự Lực Văn Ðoàn hô hào cách tân áo dài truyền thống với phương châm: “Y phục tuy dùng che thân nhưng phản chiếu tinh thần và văn hóa của một đất nước”.

“Le Mur” là tên kiểu áo dài đầu tiên do Cát Tường giới thiệu, cảm hứng từ váy đầm “nối vai, tay phồng, cổ lá sen, tà áo liền, không tứ thân ráp lại…”.

Cát Tường thay màu nâu đen truyền thống thành màu sáng, tươi, sặc sỡ kết hợp với quần trắng (ngày xưa chỉ có “me Tây” ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn… mới chà răng trắng và mặc quần trắng).

Tới năm 1934, danh họa Lê Phổ giúp cải tiến Le Mur. Nét chính cũng là kết hợp hài hòa giữa váy Tây và tứ thân Việt Nam.

Một mẫu áo dài Lemur do họa sĩ Cát Tường vẽ

 

Hai vợ chồng họa sĩ Cát Tường từng mở cửa hiệu mang tên “Hiệu may Lemur” vào năm 1937. Khi mở hiệu may này, ông đã được báo Ngày nay giúp cho phần quảng cáo với nội dung khá hấp dẫn: “Ðầu tháng Juillet 1937 sẽ khai trương Hiệu may y phục phụ nữ tân thời to nhất Bắc kỳ: LEMUR. Có 1.000 mẫu y phục do nhà họa sĩ Cát Tường mới nghĩ ra. Có bà Cát Tường đứng tiếp các bạn gái cùng coi thử y phục”.

Theo sách “Áo dài Le Mur và bối cảnh Phong hóa & Ngày nay” của Phạm Thảo Nguyên (do Khai Tâm và nhà xuất bản Hồng Ðức phát hành năm 2019) thì Lê Phổ không phải là người cải tiến Le Mur theo cách dung hòa kiểu Tây và tứ thân như người ta đồn.

Tháng 12.1946, Hà Nội và vùng lân cận mất an ninh vì chiến tranh Pháp - Việt Minh, người Hà Nội phải di tản về các vùng xa. Gia đình Cát Tường di tản về vùng Tràng Cát, tỉnh Hà Ðông.

Ít lâu sau, Cát Tường trở lại Hà Nội, thu vén một số đồ cần dùng và mua thuốc cho vợ sắp sinh. Không biết vì lý do gì ông đã bị bắt ở đây và từ đó biệt tích.

Áo dài Le Mur của danh họa Cát Tường từng được trình diễn tại Hoa Kỳ vào năm 2013 trong khuôn khổ hoạt động kỷ niệm 85 năm thành lập Tự Lực Văn Ðoàn và hội thảo về báo Phong Hóa, Ngày Nay.

 

 

LM Giuse Nguyễn Hữu Triết

Trưởng ban Mục vụ Văn hóa TGP.TPHCM

 

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm