Ðó là họa sĩ Bửu Chỉ (1948-2002). Lúc sinh thời, ông luôn tìm những tín hiệu mới cho tranh của mình, thể hiện qua các đề tài về khát khao hòa bình, những chiếc mặt nạ đầy kịch tính, em bé làm xiếc trên lưng ngựa, không gian, sự sống, nỗi chết, hạnh phúc, đau khổ…
Ông sinh tại Huế, trong một gia đình “trâm anh thế phiệt”. Về hội họa, Bửu Chỉ có năng khiếu từ nhỏ, ông tự nghiên cứu, trau dồi chứ không qua trường lớp chuyên ngành. Danh tiếng của một họa sĩ do bằng cấp chuyên môn một phần, nhưng đặc biệt hơn là khi các tác phẩm của họ được nhiều người săn đón, được đánh giá cao qua các cuộc triển lãm trong và ngoài nước, tranh bán chạy và giá cao.... Ðó là trường hợp của Bửu Chỉ.
Trên tạp chí Sông Hương ngày 17.12.2012, tác giả Lê Huỳnh Lâm đã nhận định Bửu Chỉ như một triết gia của sắc màu: “Nóng, tối là tông màu chủ đạo trong tranh Bửu Chỉ. Với sắc đỏ bã trầu, những góc tối u huyền, những mảng xám lạnh, khoảng xanh của ký ức, thấp thoáng màu lục già của khu vườn Vỹ Dạ..., khi tách biệt, khi quyện vào nhau tạo ra một khoảng trống hun hút, đưa người xem rơi vào cảnh giới phi thời gian mà tác giả đã chứng nghiệm”.
Năm 2019, có một cuộc triển lãm 30 bức tranh của ông với chủ đề “Ði tìm ý nghĩa thời gian” tại Salon LyThi (Bảo tàng lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh). Triển lãm tạo được ấn tượng cho khách tham quan. Trong đó, một số tác phẩm gây sự chú ý cho người xem như Khát vọng, Trái tim hòa bình, Bầy quạ, Chiến tranh, Phận người, Chân dung hòa bình, Mẹ Hòa Bình, Con sò, Thời gian, Tách trà, Xương rồng xanh, Ba chiếc bình, Nhật nguyệt, Dưới trăng, Ðính ước...
Bửu Chỉ, Trịnh Công Sơn và Ðinh Cường từng là một bộ ba, luôn sát cánh bên nhau một thời. Trịnh Công Sơn nói về Bửu Chỉ: “Hội họa đối với Bửu Chỉ là đời sống và đời sống với anh cũng chính là hội họa”.
Năm 2016, Chủ tịch nước đã ký quyết định tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho họa sĩ Bửu Chỉ với hai bộ tranh “Tiếng thét từ lòng đất” và “Khát vọng hòa bình” (14 tác phẩm).<
LM Giuse Nguyễn Hữu Triết
Trưởng ban Mục vụ Văn hóa TGP.TPHCM
Bình luận