Mỗi vị mục tử luôn để lại những ấn tượng hoặc kỷ niệm nơi cộng đoàn giáo hữu cũng như từng giáo dân.
ĐỜI LINH MỤC THẦM LẶNG
![]() |
Anh Phạm Đình Vĩnh Huy (Gx Đức Long - GP Xuân Lộc): Tôi đã được tiếp xúc với rất nhiều linh mục, tu sĩ nhưng để lại cho tôi những ấn tượng sâu đậm nhất chính là người đã từng hướng dẫn tôi trong một thời gian dài. Được trao cho việc coi sóc một giáo điểm nhỏ, thiếu thốn cơ sở vật chất, dân cư thưa thớt, giáo dân thì sống rải rác trên một địa bàn rộng song cha vẫn luôn kiên trì, bền bỉ với công việc. Cha từng bảo tôi: “Mỗi tu sĩ có một sứ vụ tại một thời điểm và ở một nơi nào đó Chúa đã dành cho họ, Chúa luôn đồng hành với họ mọi lúc mọi nơi”. Được học với cha giúp tôi nhận ra rằng đằng sau ánh vinh quang bên ngoài của các linh mục là cả một chuỗi những hy sinh thầm lặng mà có lẽ chỉ những ai có cơ hội sống và làm việc với các ngài thì mới thấu hiểu được. Tôi luôn nhìn vào cha như một mẫu gương sống động để noi theo. Chính nơi đó tôi học được sự cương nghị, tính nhẫn nại, cách sống đạo đức, thánh thiện và đơn sơ trong cuộc sống thường ngày.
NHỚ NGƯỜI CHA NĂM XƯA
![]() |
Chị Giáp Thị KimTuyến (Gx Thánh Giuse - GP Long Xuyên): Linh mục Phêrô Bùi Duy Tân là người để lại trong tôi nhiều kỷ niệm khó quên nhất. Ngài không những là một vị mục tử tốt lành mà còn là người thầy tận tụy. Năm học lớp 7, tôi theo học khóa tập đánh đàn Organ của cha. Mới ngày đầu tập tành chưa biết nhạc lý, cha ân cần chỉ bảo từng li từng tí, kiên trì dạy những điều cơ bản, nền tảng nhất. Cuối giờ cha lại kiểm tra một lần nữa, ngồi gõ từng nhịp theo đàn. Có những hôm ngài bị bệnh nhưng vẫn đến lớp, khiến tôi cảm thấy tấm lòng của cha thật nhiệt tâm, chẳng nề hà chuyện gì. Rồi đến khi ngài được bài sai đi xứ khác, không chỉ riêng tôi mà mọi người trong giáo xứ ai cũng cảm thấy luyến tiếc. Một người cha gắn bó với mình từ ngày bé, chuyện gì trong xứ cha cũng đều chu toàn thấu đáo nên vắng ngài, không còn được học với ngài khiến tôi cảm thấy hụt hẫng. Bây giờ tôi đã có gia đình và đi làm ăn xa, nhưng hình ảnh vị mục tử chăn chiên hiền hậu, thánh thiện vẫn in đậm trong ký ức.
NGƯỜI “BỐ” TẬN TỤY
![]() |
Anh Huỳnh Công Đắc (Cựu thành viên Nhóm sinh viên Công giáo Cần Thơ): Như nhiều bạn sinh viên Công giáo khác, tôi gọi vị linh mục đặc trách bằng "bố". Cách đây vài năm, khi còn học năm nhất, bắt đầu ngày tháng sống xa nhà, tôi đã làm nhiều việc thất thố do cái tôi của tuổi trẻ và suy nghĩ chưa thông suốt. Lúc bản thân cô đơn, hụt hẫng, không ai ở bên chia sẻ thì "bố" nói với tôi rằng: "Con người có quyền tự do chọn lựa, Chúa ban cho họ điều đó. Hãy làm điều tốt để đẹp lòng Chúa và mọi người...". Ngài cũng luôn đồng hành với những sinh viên xa quê như tôi một cách hết sức tình cảm. Nhờ sự hướng dẫn tận tình của cha trong thời sinh viên mà tôi có thể mạnh mẽ và vững bước. Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ từng lời dạy của bố rất rõ dù đã ra trường nhiều năm.
CÂU CHUYỆN NHỎ CỦA TÔI
![]() |
Anh Nguyễn Văn Trung (Gx An Phú - GP Phú Cường): Trước nay dù rất quý mến các linh mục, tu sĩ của mình nhưng trong tôi luôn có cảm giác xa cách. Nhưng tâm lý này được xóa bỏ gần đây, hay nói đúng hơn tôi bị một cử chỉ thân thiện của một vị linh mục ở xứ Hàng Sanh làm thay đổi cách nghĩ. Cách đây không lâu, trong một lần trú mưa ở hiên giáo xứ, tôi được cha sở mời vào trong lánh mưa. Cơn mưa nặng hạt với bao điều lo lắng của tôi được xoa dịu bằng sự nhẹ nhàng, thân thiện của vị mục tử. Cốc nước lọc, chiếc bánh quy và cả chiếc băng cá nhân thay cho miếng băng đang dần bung keo trên ngón tay bị thương cho người khách lạ từ vị mục tử tạo cho tôi cảm giác gần gũi và thân tình. Chuyện chỉ giản đơn có thế nhưng để lại nhiều ấn tượng trong tôi. Sau này tôi được biết vị linh mục ấy là người có nhiều hoạt động bác ái phục vụ người nghèo, thiếu nhi...
TRÁI TIM NHÂN HẬU
![]() |
Chị Lâm Vũ Thiên Nhiên (Gx Tân Định - TGP.TPHCM): Trong ký ức của tôi, cha sở ngày nào nơi giáo xứ quê chính là người truyền cho tôi nhiều cảm hứng để sống tốt hơn mỗi ngày. Cha là một người uyên bác. Còn nhớ những năm học giáo lý, mấy đứa chúng tôi thường ngồi há hốc nghe ngài kể những câu chuyện đó đây, cách nói dí dỏm, giản dị nhưng thông minh của ngài là điểm thu hút cả đám chăm chú vào bài học. Với bản thân, ngài tiết kiệm, kham khổ bao nhiêu thì với mọi người lại càng rộng rãi, hào sảng bấy nhiêu. Tôi vẫn nhớ hoài những món quà vặt cha mua cho thiếu nhi trong xứ, khi thì bắp, khi thì nhãn.... Riêng ngài, mỗi bữa ăn chính đôi khi lại rất qua loa. Cha thương thiếu nhi và rất quan tâm đến việc học hành của lớp trẻ. Khi tôi đi học xa, những lần về thăm, ngài vẫn dúi vào tay ít tiền và dặn dò phải học cho thật giỏi. Thời gian sau gia đình tôi chuyển đi nơi khác, không có nhà thờ nên không thể tiếp tục việc học giáo lý. Khi đó, dịp hè về lại quê cũ, cha lại tranh thủ dạy giáo lý cho tôi liên tục để tôi có thể kịp lãnh bí tích Thêm Sức cùng với mọi người. Cha sở của tôi mất sau khi đã xây cho giáo xứ một ngôi nhà thờ khang trang. Đó chính là công trình cuối đời góp cho họ đạo. Cha không chỉ là người chủ chăn mà với riêng tôi còn như một người ông hiền từ ở trong gia đình.
MỘT NGƯỜI CHA ĐÁNG KINH
![]() |
Anh Nguyễn Văn Hải (Gx. Vĩnh Phước - GP Vinh): Năm 2004, phải sau 50 năm, xứ tôi mới lại có linh mục hiện diện. Khi đó cả giáo xứ mừng vui tột độ và đến nay tôi vẫn nhớ như in cảm xúc ấy. Ngài là một linh mục trẻ, vừa mới thụ phong, nhưng tinh thần hy sinh của cha thì cả giáo xứ đều quý. Từ một họ đạo mang nhiều nét ảm đạm, sau gần 10 năm coi sóc, cha đã giúp giáo xứ khoác lên mình diện mạo hoàn toàn mới, từ đời sống đạo của giáo dân đến mọi cơ sở vật chất trong xứ. Nhớ có lần bọn trẻ chúng tôi chơi bắn bi ngoài sân thì cha ra chơi cùng. Ít lâu sau, giáo xứ lập nên thư viện sách. Đó cũng là cách cha tạo thêm không gian vì thấy chúng tôi có ít nơi vui chơi để lui tới. Lần đầu được thấy nhiều sách, đọc nhiều truyện, khỏi phải nói những đứa trẻ là chúng tôi ngày ấy vui như thế nào. Giờ đã chuyển đi xứ khác nhưng mỗi lần nhắc đến tất cả mọi người đều biết ơn cha. Dịp Tết, chúng tôi vẫn luôn tìm đến để chúc tuổi ngài.
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.