Hiện ở TP. Hồ Chí Minh có con đường mang tên Bùi Xuân Phái, tọa lạc tại phường Tây Thạnh, quận Tân Phú. Ðây cũng là tên của một họa sĩ có tiếng trong làng mỹ thuật Việt Nam.
![]() |
Chân dung tự vẽ (trên carton) |
Thời điểm chiến tranh, ông phải di tản khỏi Hà Nội, đến năm 1952, lại trở về Thủ đô sống tại số nhà 87 Phố Thuốc Bắc. Từ 1956-1957, họa sĩ dạy học ở trường Mỹ thuật Hà Nội.
Bùi Xuân Phái thuộc thế hệ cuối cùng của trường Mỹ thuật Ðông Dương, cùng với những tên tuổi lớn như Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên. Ông sáng tác trên nhiều chất liệu như sơn dầu, màu nước, phấn màu, chì than, bút chì, thể hiện trên vải bố, giấy, Carton-isorel, gỗ, cả giấy báo và bao thuốc lá bóc ra nữa.
Tuy nhiên, trong số đó, họa sĩ thành công với sơn dầu hơn. Ông rất mê phố cổ. Phố trong tranh của Bùi Xuân Phái thuộc thập niên 50, 60, 70 thế kỷ 20. Dân yêu hội họa từng tặng ông danh hiệu “Phố Phái”. Mảng màu trong tranh của danh họa này thường có đường viền đậm nét, tạo chiều sâu cho cảnh vật, nét vẽ thô và cứng như níu kéo hồn xưa, phách cũ của Hà Nội nghìn năm tuổi, đồng thời như báo hiệu những biến đổi sắp xảy ra. Hồn “Phố Phái” vừa thật lại vừa ảo, ảo nhưng lại rất thật.
![]() |
Vài bức ký hoạ của Bùi Xuân Phái trong bộ sưu tập của linh mục Nguyễn Hữu Triết |
Ngoài đề tài phố cổ, ông cũng vẽ chân dung, tĩnh vật, khỏa thân, nông thôn..., và đặc biệt còn yêu thích chèo qua việc thể hiện khá nhiều đề tài về hề, chèo, biểu hiện sâu sắc tâm hồn người Việt với óc hài hước, bi ai, khốn khổ… Năm 1962, ông được giải thưởng quốc tế Leipzig về trình bày cuốn sách “Hề Chèo”.
Một thời, đời sống khó khăn, Bùi Xuân Phái phải mưu sinh bằng việc minh họa cho các báo với bút hiệu Piha, Vivu, Ly… Mãi tới 1984, ông mới có cuộc triển lãm riêng đầu tiên và cũng là cuối cùng. Tranh được đánh giá cao và ngay ngày khai mạc, họa sĩ đã bán được 24 bức.
Là người dung dị, Bùi Xuân Phái thân thiết với nhiều anh em nghệ sĩ như Văn Cao, Ðức Minh… Họ thường tụ tập ở quán cà phê của ông Lâm, bàn chuyện xã hội, nước non. Ông Phái có thói quen dùng giấy bao thuốc lá hay mảnh giấy báo rồi vẽ những bức ký họa nho nhỏ trao cho ông Lâm để trừ tiền cà phê. Nhờ thế mà ông Lâm “cà phê” sở hữu khá nhiều tranh của họa sĩ này.
Ngoài giải thưởng triển lãm 1946, Bùi Xuân Phái còn có giải thưởng mỹ thuật toàn quốc năm 1980; giải mỹ thuật thủ đô năm 1969, 1981, 1983, 1984; huy chương vì sự nghiệp mỹ thuật Việt Nam 1997.
Sau những tháng ngày ốm đau, ông mất tại Hà Nội ngày 24.6.1988, để lại nỗi thương tiếc cho bạn bè.
LM Giuse Nguyễn Hữu Triết
Trưởng ban Mục vụ Văn hóa TGP.TPHCM
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.