- Alô, con chào Đức ông!
- À, Hoàng khỏe không? Nay mai ra chơi nhé. Nhớ rồi.
- Dạ, thưa Đức ông, con sẽ sắp xếp.
Đó là những câu điện đàm trở thành điệp khúc mỗi hai tuần, rồi mỗi tuần, giữa Đức ông GB Lê Xuân Hoa - thi sĩ Xuân Ly Băng và tôi. Thương nhất là hai từ “nhớ rồi”. Bởi, chỉ ngắn thế thôi, mà tôi bằng mọi giá phải xếp lịch, để có ít nhất là một vài giờ hầu chuyện với ngài.
Thi sĩ Xuân Ly Băng trong buổi ra mắt sách "Nhà thơ Xuân Ly Băng - Cuộc đời và tác phẩm:, năm 2011 (ảnh: Liên Giang) |
Căn phòng im ắng. Đức ông vẫn thường ngồi trên ghế lần chuỗi. Thỉnh thoảng nhích lại máy vi tính để đọc các trang mạng. Có một chủng sinh ở Tòa Giám mục đã cài sẵn cho ngài các trang Công giáo và tin tức xã hội. Còn tôi, Đức ông bảo chỉ cho ngài những trang văn hóa, thi ca...
Thông thường, mở đầu câu chuyện, ngài không chỉ hỏi thăm sức khỏe tôi mà còn nhắc đến những người mà chúng tôi cùng quen biết và từng cộng tác với nhau trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, thi ca Công giáo như cha Võ Tá Khánh (Trăng Thập Tự), nhà thơ Lê Đình Bảng... Ngài quan tâm đến câu lạc bộ hoặc trang mục do tôi phụ trách như Đồng Xanh Thơ, Thi Ca Cầu Nguyện (thanhlinh.net) và vẫn hỏi xem có thêm tác giả nào mới tham gia không; rồi các giải văn chương Công giáo cũng được Đức ông đề cập: “Giải ‘Viết văn Đường Trường’ tới đâu rồi? Hoàng có dự lễ trao giải Văn Hóa Đất Mới không? Nghe nói giải này mỗi năm mỗi rộng ra hơn rồi phải không?”... Và còn nhiều nhiều nữa những câu hỏi liên quan. Lần thăm trước, lần thăm sau, đôi khi cách nhau có một tuần, vậy mà quanh đi quẩn lại cũng những điều dễ thương ấy.
Tác giả P.M Cao Huy Hoàng trong một lần viếng thăm Đức ông Xuân Ly Băng |
Dịp Tết Đinh Dậu năm nay, Đức ông mệt hơn mọi năm nên hạn chế tiếp khách, nhưng riêng với tôi, thì ngài gọi và nói “Hoàng ra lúc nào, cứ mở cửa vào nhé”. Sáng 29 Tết, tôi vào thăm, ngồi bên giường Đức ông. Tôi xin ngài cứ nằm nhưng Đức ông bảo tôi đỡ dậy để ngồi nói chuyện. Ngài hỏi tôi đã đến thăm Đức cha Giuse Vũ Duy Thống chưa, và nói: “Đức cha Giuse cũng yếu rồi, nhiều bệnh. Ngài là một Giám mục nhạc sĩ, nhà văn Công giáo với phong cách viết thật trong sáng, dễ hiểu nhưng phong phú và uyên thâm!”.
Từ câu chuyện viết lách, Đức ông từ từ, nhỏ nhẹ tỏ bày cho tôi nỗi lòng của mình đối với tiếng Việt: “Mình phải tạ ơn Chúa vì có một thứ chữ viết tuyệt đẹp. Phải sống niềm vui tạ ơn ấy bằng lòng yêu mến, quý chuộng, trau dồi, gìn giữ và thăng hoa tiếng Việt của nước mình. Hơn thế nữa, là người Công giáo, phải dùng tiếng Việt chuẩn chỉnh hơn ai cả, trong sáng hơn ai cả. Tiếng Việt ấy, cả tiếng nói và chữ viết là để ca tụng Thiên Chúa và xây dựng tình thương con người”. Nghỉ một hồi, Đức ông lại nói: “Hãy cổ xúy cho người người yêu mến tiếng Việt. Hãy xiển dương tiếng Việt như một quà tặng của Thiên Chúa. Hãy khởi hứng cho có nhiều người viết văn, làm thơ, viết tin, viết báo, cho sáng danh Chúa, và xây dựng một nền văn minh tình thương ngay tại đất nước này”.
Trước ngày 24.6.2017, tôi lại ghé thăm để mừng bổn mạng Gioan Baotixita của Đức ông. Ngài yếu hẳn, nói nhỏ: “Hoàng ơi! Người thơ về với nguồn thơ, thỏa lòng khao khát ngóng chờ bao năm”.
Và ngày 19.7.2017, Đức ông - thi sĩ Xuân Ly Băng đã về với Nguồn Thơ Bất Tận.
Xin đón nhận những tâm tình của ngài, như là di ngôn quý giá, ít là cho riêng tôi.
P.M CAO HUY HOÀNG
Bình luận