Tác động từ biến đổi khí hậu đang đẩy nhanh tốc độ tan của các sông băng trên dãy Himalaya, đe dọa nguồn cung cấp nước thông qua các hệ thống sông cho hàng trăm triệu người châu Á.
Tình trạng tan băng ở dãy Himalaya đang xảy ra với tốc độ chưa từng có. Dữ liệu thu được cho thấy những tảng băng khổng lồ trên nóc nhà thế giới sụt giảm nhanh gấp 10 lần trong vài thập niên qua so với cách đây 7 thế kỷ.
![]() |
Lũ lụt ở Pakistan |
Báo động “đỏ” trên dãy Himalaya
Theo báo cáo đăng trên chuyên san Scientific Reports, đội ngũ các nhà khoa học của Ðại học Leeds (Anh) phát hiện tốc độ bốc hơi của những sông băng trên dãy Himalaya xảy ra nhanh gấp ít nhất 10 lần trong 40 năm qua nếu so với mức độ trung bình của thời kỳ tiểu băng hà (LIA). Ðây là thời kỳ từ 400 đến 700 năm trước, giai đoạn thời tiết lạnh đi trên bề mặt Trái đất. Không dừng lại ở đó, báo cáo ghi nhận các sông băng của Himalaya đang sụt giảm nhanh hơn bất kỳ khu vực nào khác trên toàn cầu. Các nhà nghiên cứu phải sử dụng từ “khác thường” khi mô tả tình trạng hiện tại của nơi này so với phần còn lại của thế giới.
![]() |
Lũ lụt ở khu vực sông Hằng |
Ðể rút ra kết luận trên, đội ngũ chuyên gia đã tái dựng kích thước và bề mặt của 15.798 sông băng Himalaya vào thời tiểu băng hà. Họ tính toán được số sông băng này đã mất khoảng 40% diện tích bao phủ. Chúng sụt giảm từ đỉnh điểm 28.000 km2 xuống còn 19,600 km2 như ngày nay. Trong giai đoạn đó, các sông băng cũng mất đi từ 390 km3 đến 586 km3 băng, tương đương tổng số băng hiện nay của toàn bộ dãy Alps ở miền Trung Âu, vùng Caucasus và Scandinavia kết hợp. Băng tan cũng phóng thích khối lượng nước đủ để nâng mực nước biển trên toàn thế giới tăng thêm từ 0,92 đến 1,38 mm.
Tiến sĩ Jonathan Carrivick, một trong các tác giả báo cáo và là Hiệu phó Trường Ðịa lý thuộc Ðại học Leeds, cho biết: “Những phát hiện của chúng tôi cung cấp dữ liệu thực tế chứng minh khối lượng băng của Himalaya hiện tan chảy với tốc độ nhanh gấp ít nhất 10 lần so với mức độ trung bình trong những thế kỷ trước đó. Sự tăng tốc này chỉ xảy ra trong vài thập niên qua, và trùng với giai đoạn biến đổi khí hậu do con người tạo ra”.
![]() |
Tốc độ tan băng ở Himalaya gây quan ngại lớn |
Cực thứ ba
Dãy núi Himalaya là nơi tồn trữ khối lượng băng lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Nam Cực và Bắc Cực. Vì thế nó còn được đặt biệt danh “cực thứ ba” của địa cầu. Tốc độ tan băng gây quan ngại ở Himalaya đang nhận được sự chú ý cao độ, do diễn biến tại đây có thể mang đến hậu quả tiềm tàng cho hàng trăm triệu người phải sống dựa vào các hệ thống sông ngòi bắt nguồn từ dãy núi trên. Những hệ thống sông này bao gồm Brahmaputra, sông Hằng và Indus. Chúng chảy qua Tây Tạng, Ấn Ðộ, Pakistan, Bangladesh, Trung Quốc.
![]() |
Ðội ngũ chuyên gia đã sử dụng những hình ảnh chụp từ vệ tinh và các mô hình đánh giá kỹ thuật số để lập nên bản đồ các sông băng Himalaya cách đây 400-700 năm trước. Trong quá trình này, họ tái tạo diện tích bao phủ của các sông băng. Ảnh chụp vệ tinh tiết lộ những rặng núi đánh dấu ranh giới của các sông băng trong quá khứ. Các nhà khoa học sử dụng mô hình của những rặng núi để ước tính mức độ bao phủ trước đây của các sông băng, độ cao của bề mặt băng… Sau đó, họ so sánh những hình ảnh tái tạo của quá khứ với hiện tại, từ đó xác định được khối lượng và số băng bốc hơi từ thời tiểu băng hà đến ngày nay.
Về tổng quát, các sông băng Himalaya thường bị tổn thất ở khu vực phía đông, bao gồm đông Nepal và bắc Bhutan. Báo cáo cho rằng tình trạng này có lẽ đến từ sự khác biệt về những đặc điểm địa lý của hai bên dãy núi, cũng như sự tương tác với khí quyển. Kết quả là thời tiết ở hai khu vực khác nhau.
![]() |
Các sông băng Himalaya cũng sụt giảm nhanh ở khu vực tiếp xúc với những vùng hồ so với trên đất liền. Số lượng và kích thước của những vùng hồ này đang tiếp tục gia tăng, phản ánh sự tan băng vẫn tăng tốc tại dãy Himalaya. Tương tự, những sông băng có khối lượng đáng kể các mảnh vụn tự nhiên trên bề mặt cũng bốc hơi nhanh hơn. Chúng đóng góp khoảng 46,5% trên tổng khối lượng bị thất thoát, nhưng chỉ chiếm khoảng 7,5% trong tổng số các sông băng.
Tiến sĩ Carrivick nhận định: “Trong khi chúng ta cần hành động ngay tức khắc để giảm bớt và giải tỏa tác động do biến đối khí hậu, cũng như hậu quả kéo theo cho các hệ thống sông ngòi liên kết, mô hình trên cũng phải phân tích rõ vai trò của các yếu tố như hồ nước và nơi có nhiều mảnh vụn tự nhiên cho sự thay đổi của khu vực”.
![]() |
Ðồng tác giả, tiến sĩ Simon Cook của Ðại học Dundee (Scotland) nhắc nhở rằng hàng trăm triệu người sống dọc theo các hệ thống sông ngòi đã chứng kiến những thay đổi chưa từng có trong vài thế kỷ gần đây. Ông cho rằng báo cáo trên đóng vai trò như là lời xác nhận mới nhất cho thấy những thay đổi này tiếp tục tăng tốc và sẽ mang đến ảnh hưởng nặng nề trên bình diện quốc gia và khu vực trong hiện tại và tương lai.
HỒNG HOANG
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.