Ngoài vẽ tranh, Nguyễn Gia Trí còn là một nhà đồ họa, minh họa và biếm họa Việt Nam. Ông thí nghiệm nhiều chất liệu như dầu, lụa..., và cuối cùng, thành công với sơn ta sau bao năm thực nghiệm.
Nguyễn Gia Trí sinh năm 1908 tại xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Năm 1928, ông thi đậu trường Cao đẳng Mỹ thuật Ðông Dương, nhưng học được ít lâu thì bỏ dở (không rõ nguyên do nào). Ðến 1931, ông vào học lại và tốt nghiệp khóa VII (1931-1936) cùng với những tên tuổi như Trần Văn Cẩn, Lưu Văn Sìn, Nguyễn Văn Tại, Nguyễn Thụy Nhân, Vũ Ðức Nhuận.
![]() |
Là người đầu tiên dùng sơn làm chất liệu chính trong những tác phẩm của mình, Nguyễn Gia Trí đã phủ sơn trên vóc lụa rồi mài nhẵn cho đến khi hình ảnh nổi lên. Ông còn kết hợp với vàng quỳ, bạc và nhất là vỏ trứng tạo những mảng sáng, trắng, những khuôn mặt, tà áo... Sơn ta là một chất cực độc, không phải ai cũng quen sử dụng. Có những người dị ứng, chỉ cần tới gần là da mặt nổi đỏ, toàn thân bị ngứa và phù nề, phải tắm rửa bằng nước lá khế và uống thuốc chống dị ứng mới khỏi.
Năm 1939, ông mở cuộc triển lãm tranh sơn mài cá nhân đầu tiên tại Hà Nội. Lối sáng tác riêng biệt của người họa sĩ này đã gây được ấn tượng trong họa giới, nổi bật nhất là nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại với bút pháp bay bướm, phóng khoáng, màu sắc táo bạo dung hòa hai dòng nghệ thuật Ðông Tây.
Con người, nhất là các thiếu nữ và khung cảnh miền Bắc là nguồn cảm hứng sáng tạo trong nhiều tác phẩm của Nguyễn Gia Trí. Suốt đời sống với đam mê sáng tạo nghệ thuật, ông trầm ngâm, ít nói, nhất là khi đang làm việc. Vì tính cách này mà nhiều người cho rằng ông khó tính, nhưng theo Nguyễn Tuệ, người con của ông: “Thực chất cha tôi rất bình dị, dễ gần, giản dị trong ăn mặc, nhưng cực kỳ cẩn trọng trong nét vẽ”.
Là một nghệ sĩ đầy cá tính, về phương diện nghệ thuật, Nguyễn Gia Trí không chấp nhận sự chỉ đạo của khách hàng, chỉ cần khách ra chủ đề, mọi chi tiết ông tự do phóng tác.
Năm 1941, một linh mục thừa sai người châu Âu đặt ông vẽ bức Giáng Sinh, ông đọc nội dung câu chuyện Giáng Sinh của Chúa Giêsu trong Phúc Âm rồi tự sắp đặt hoàn toàn theo ý mình. Thay vì con chiên, ông vẽ con trâu nghếch mõm thở hơi ấm cho Chúa Hài Ðồng. Ðức Mẹ mang dáng dấp một phụ nữ miền Bắc với áo tứ thân, váy lĩnh, khăn mỏ quạ; thánh Giuse có dáng dấp của người đàn ông làng quê mặc áo the thâm; các thiên thần thì thấp thoáng hình ảnh những thiếu nữ trong tà áo dài tha thướt, gảy đàn tỳ bà... Có cả cây chuối, cụm môn. Nghĩa là nội dung thì đúng như Kinh Thánh còn hình thức, khung cảnh thì hoàn toàn Việt Nam. Ðây là bức tranh sơn mài Công giáo mang tính hội nhập và giá trị nghệ thuật rất cao. Bức tranh này lưu lạc bên trời Âu cho tới năm 1960 được đưa về Việt Nam và thuộc sở hữu của dòng Ðaminh (44 Tú Xương, Q3 - TPHCM)
![]() |
Gần 20 năm sau khi vẽ bức Giáng Sinh, ông thực hiện một tranh sơn mài khác cũng mang phong cách tương tự, với đề tài “Ba Vua tới thờ lạy Chúa Hài Ðồng”, được treo trong Dinh Ðộc Lập, tới 1963 thì bị thất lạc sau cuộc đảo chánh.
“Vườn Xuân Trung Nam Bắc” là một bức sơn mài cao 2m, dài 5,4m gồm 9 miếng ghép lại, được Nguyễn Gia Trí và các học trò thực hiện xong vào năm 1989. Tác phẩm này làm nổi bật hình dáng các thiếu nữ thân mình uyển chuyển trong vườn hoa lá xanh tươi, gợi lại dấu ấn thời đại áo dài 1940. Ðến năm 1990, Nhà nước đã mua lại bức tranh trên với giá 600 triệu đồng (tương đương 100.000 USD thời đó) và tặng Thành phố Hồ Chí Minh (hiện trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM).
Tác phẩm của Nguyễn Gia Trí, nhất là tranh sơn mài là đối tượng săn lùng, là giấc mơ của những người say mê hội họa và sưu tầm tranh. Trong làng vẽ, ông từng đứng đầu tứ trụ như giới yêu hội họa vẫn truyền tụng: “Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn”. Sau một thời miệt mài với nghệ thuật, cuối cùng ông rút ra một trải nghiệm, muốn chia sẻ với hậu sinh: “Những gì cố ép vào khuôn phép thì không mấy ưng ý. Những gì lọt ra ngoài khuôn phép thường lại thành công: Cố ý trồng hoa, hoa chẳng nở. Vô tình cắm liễu, liễu đơm bông”.
Nguyễn Gia Trí qua đời ngày 26.6.1993 tại Sài Gòn, thọ 86 tuổi. Chính quyền thành phố đã tôn vinh người nghệ sĩ đa tài này qua việc lấy tên ông đặt cho một con đường ở quận Bình Thạnh.
LM Giuse Nguyễn Hữu Triết
Trưởng ban Mục vụ Văn hóa TGP.TPHCM
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.