Có không ít gia đình, nhờ lời kể của các bậc trưởng thượng mà thế hệ trẻ luôn nhớ về những người thân đã mất trước khi họ ra đời. Ðó có thể là cha hoặc mẹ, ông hay bà, chú bác, cô dì, thậm chí cả người không ruột rà...
Từ người thân trong gia đình
Theo truyền thống của các gia đình Công giáo, mỗi đầu tháng 11, ba mẹ thường đưa con cái viếng mộ ông bà, chú bác, cô dì..., thậm chí chỉ người quen. Không chỉ đến nghĩa trang đọc kinh cầu nguyện, tưởng nhớ người thân đã khuất, mà nhiều bậc phụ huynh còn gợi lại những kỷ niệm xưa, những điều đẹp đẽ ngày nào nơi người quá cố, để con cháu biết và thêm niềm tự hào. Bà Phạm Thị Thanh, 67 tuổi (Q.5, TPHCM) kể rằng, ba bà vẫn nói cho con nghe về ông nội, người đã cư xử rất công bằng với con cái: “Tôi có bốn người chú, hai người bác và hai cô. Theo lời ba tôi, khi bác, chú hay cô đến 15 tuổi, vào trung học đệ nhất cấp (cấp 2), ông nội mua cho mỗi người một cái đồng hồ và chiếc xe đạp, không hề phân biệt con gái, con trai. Nhờ vậy ba tôi và các anh chị em rất yêu thương nhau, chưa bao giờ có sự ganh tị xảy ra”. Bà Thanh cũng khẳng định, chính sự công bằng của ông nội đã trở thành khuôn vàng thước ngọc cho ba của bà trong việc giáo dục con cái.
![]() |
Nhờ về người thân đã khuất vào lễ Các đẳng linh hồn |
Dù ngoại đã qua đời lúc bà Tuyết Phượng (Q.3, TPHCM) còn bé xíu, nhưng ngoại luôn sống trong tim bà. Chính người mẹ nay đã ngoài 70 vẫn nhắc nhớ bà: “Căn nhà này ngoại vẫn có thể bán nửa căn lấy tiền dưỡng già nhưng bà đã không làm điều đó. Ngoại tụi con để nguyên căn nhà cho đám cháu sống. Nhờ vậy mẹ con mình mới có cái để chui ra chui vào...”.
Cũng qua lời kể của mẹ, anh Lê Thành (Q.Bình Thạnh, TPHCM) luôn có những ấn tượng đẹp về người cha đã hy sinh trên chiến trường Tây Nam lúc anh chỉ mới biết nói bập bẹ: “Tôi luôn nghĩ về ba như một người lính dũng cảm, can trường. Chính hình tượng đó là động lực giúp tôi học hành và sống tốt”.
Những câu chuyện về người đã khuất với những tính cách tốt đẹp, không chỉ tạo sự kính trọng cho con cháu, mà còn là gương tốt để thế hệ trẻ noi theo. Chị Lê Thúy Vy, 30 tuổi (Q.3, TPHCM) đã cảm thấy rất quý mến người bác ruột đã qua đời vì tai nạn giao thông lúc mình còn rất bé bởi mẹ chị vẫn kể, lúc bác và mẹ còn nhỏ, đất nước trong giai đoạn cực kỳ khó khăn, thực phẩm khan hiếm, ăn khoai thay cơm thường xuyên. Và bác luôn chọn những củ khoai ngon, những trái bắp dẻo, no tròn cho em gái. Cả đồ chơi cũng vậy, mỗi gia đình chỉ có một phiếu mua đồ chơi ở cửa hàng, bác luôn nhường mẹ chị mua búp bê thay vì chiếc xe bằng nhựa cho bác... Những ký ức dễ thương đó đã khiến chị Vy siêng năng cầu nguyện cho bác của mình. Mỗi thứ Hai đầu tháng, chị đều dự lễ tại nhà hài cốt ở giáo xứ với tất cả sự thành tâm. Cũng nhờ câu chuyện của bác mà anh em Vy thương nhau nhiều hơn, biết nhường nhịn nhau từ lúc còn rất bé.
... Ðến người ngoài đầy tình nghĩa
Một người phụ nữ ở Cần Thơ lên viếng nhà hài cốt tại Ðền Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp (Q.3) tâm sự, lúc nhỏ bà từng lên Sài Gòn “ở đợ” cho một gia đình và được bà chủ nhà thương yêu như con ruột. Chính bà chủ từng đứng ra gả chồng cho người giúp việc này. “Sau này, dù đã trở về quê nhưng khi nghe tin bà chủ bệnh nặng, tôi trở lên Sài Gòn chăm sóc cho đến khi bà qua đời. Nhờ bà, tôi đã có gia đình riêng với số vốn bà cho như của hồi môn nên tôi luôn nhớ ơn bà và hằng năm, vẫn đến đây viếng bà...”. Cũng theo lời người phụ nữ này, có năm bà đi một mình, có năm đi cùng chồng con. Các con nhờ lời kể từ cha mẹ, đã xem người trong phòng hài cốt xa xôi, tận Sài Gòn như một người bà tốt bụng của gia đình từ lúc họ còn rất nhỏ.
Ông Trần Văn Huy, một người ngoài Công giáo ở Sài Gòn, vẫn đến viếng người bạn quá cố tại nhà hài cốt giáo xứ Tân Ðịnh. Ông kể, lúc nhỏ, nhà nghèo, vẫn lội bộ đi học, thế rồi một thời gian đã được người bạn tên Phúc chở đến trường bằng chiếc xe đạp cọc cạch. Một lần, ông mượn xe của bạn đi mua sách ở một tiệm và đã làm mất xe. Thuở ấy, chiếc xe đạp là cả gia tài nhưng người bạn của ông không những không trách mắng mà còn đứng ra tự nhận với ba mẹ là mình đã làm mất. Sau này lớn lên, cũng chính người bạn này đã bán chiếc xe Yamaha cho ông Huy mượn 2 chỉ vàng làm vốn mở quán cà phê. Nhờ đó, ông có phương tiện sinh nhai. Sau khi trả vốn lại cho bạn, ông phát triển kinh doanh, có gia đình, dù không giàu có nhưng cũng đủ sống. “Không ngờ lúc tôi cần trả lại tình nghĩa xưa thì bạn Phúc bị đột quỵ mất, cả gia đình bạn giờ đã định cư ở Canada. Hằng năm dù không là tín hữu Công giáo, tôi vẫn nhớ những ngày lễ chính bên Công giáo để đi lễ cầu nguyện cho bạn, và cũng muốn làm gương cho con cái biết nhớ đến người từng đưa tay ra giúp đỡ mình…”, ông Huy ngậm ngùi.
Tháng 11, thời điểm người Công giáo thăm viếng, kính nhớ người thân đã khuất. Cũng là dịp để những câu chuyện đầy tình nghĩa được kể, kết nối những thế hệ còn sống và qua đời - trong yêu thương...
NGUYỄN NGỌC HÀ
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.