Có lẽ “gu” đọc sách của độc giả thiếu nhi, tuổi “teen” bây giờ khác trước nhiều, khiến mảng sách thiếu nhi hôm nay xa lắc so với sách thời sau ngày thống nhất đất nước đến hết thời bao cấp, ở miền Nam và cả nước.
Lúc ấy, nhà xuất bản Kim Đồng đứng đầu về lượng sách cho thiếu nhi, ấn bản nhiều về số lượng, đầu sách đa dạng và hầu như nhất loạt in trên loại giấy ngà vàng màu rơm rạ. Sách dịch từ tiếng Nga, Tiệp, Ba Lan, Hungary, Rumani… chiếm áp đảo nguồn sách từ nước ngoài, với đủ loại: văn học, khoa học, kỹ thuật… Trong đó, các tác giả Xô Viết có vẻ trội hơn với số tác phẩm nhiều và được in ấn trên giấy trắng tinh tuyệt hảo. Vẫn nhớ sức hút với tâm lý đọc học trò của hai tập quyển “Hiệp đầu 0-1” đưa người đọc nhí vào thế giới đậm màu trong môn túc cầu với cốt truyện sinh động... Nhà Kim Đồng in tác phẩm của các tác giả trong nước như Phạm Hổ, Vũ Tú Nam, Đoàn Giỏi… cũng khá hay. Ngoài ra, phải kể đến mảng cổ tích, truyện tranh, truyện cười.
![]() |
Sách bán tại các hiệu sách Nhân dân ở thị trấn, huyện lỵ, thị xã, thành phố… với giá mềm khó tin nếu so sánh tương đối với sách của ngày hôm nay. Nhờ sách rẻ, trẻ nghèo ở quê cũng có thể tậu đọc, không đến nỗi quá khó, đôi khi chỉ bằng cách mò tôm bắt ốc hái rau mang ra chợ bán hay nhờ bán, hoặc nhịn tiền quà vặt.
Ngoài Kim Đồng, các nhà xuất bản khác cũng tham gia cung cấp sách cho thiếu nhi qua các loại sách mang tính khoa học thường thức, giải trí phù hợp, như Nhà xuất bản Giáo dục. Loạt sách “Vật lý vui”, “Hóa học vui”, “Toán học vui”… là dẫn dụ hấp dẫn, đưa trẻ vào khoa học cách mềm mại, dễ hiểu.
Ngày nay, ngoài chuyện sách điện tử, sức hút của mạng internet, một đặc điểm khác chính ở sách in cũng khác nhiều, mang tính thời cuộc vận động liên tục và sự thay đổi gu thưởng thức của thiếu nhi. Loạt truyện tranh tưng bừng cuốn hút cả thế giới Doraemon là ví dụ, hay Conan. Lượng sách dịch từ Liên Xô cũ và Đông âu hầu như mất hẳn, thay bằng sự có mặt của dạng sách cho trẻ từ Tây phương được dịch, in ấn, phát hành công phu chuyên nghiệp, những câu chuyện trau dồi kỹ năng sống, như loạt sách “Hạt giống tâm hồn” chẳng hạn, cũng mang đến một giá trị, ý nghĩa nào đó, bồi đắp tâm hồn con trẻ.
Kế tiếp, phải kể đến thị trường sách thay đổi hẳn vì sự mất đi của hệ thống nhà sách Nhân dân, sách đã tham gia vào thị trường đa dạng qua các kênh phân phối, cửa hàng sách trực tiếp và trực tuyến... Về giá, một quyển sách “coi được” mất vài trăm ngàn đồng là thường.
Hè về, đi chơi, cắm câu bắt cá, tụ hội bạn bè, trẻ còn có một thú bổ ích: đọc sách. Biết đâu ở gia đình vẫn còn trong tủ sách của ông bà, bố mẹ những quyển úa vàng của một thời đã qua, mảng sách thiếu nhi in trên giấy còn tươi màu rơm rạ?
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.