“Người xưa cảnh tỉnh - Thói hư tật xấu của người Việt trong con mắt các nhà trí thức nửa đầu thế kỷ XX” là quyển sách của hai soạn giả Vương Trí Nhàn - Trần Văn Chánh được NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành đầu năm 2018.
Ở phần 1, khi nêu những thói hư tật xấu của người Việt qua sự trích dẫn bài viết của các nhà trí thức Việt Nam cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX, soạn giả Vương Trí Nhàn đã công phu sắp xếp theo nội dung với tất cả 13 đề mục, từ việc ăn ở cư trú sinh hoạt - quan hệ với môi trường thiên nhiên, tệ nạn xã hội, dân trí - ý thức xã hội, giáo dục, giao lưu tiếp xúc, tìm tòi học hỏi và tiếp nhận nước ngoài; đến chuyện làm ăn buôn bán ở các hoạt động kinh tế, chuyện nói năng, suy nghĩ, lễ nghi, phong tục, các sinh hoạt tinh thần, mối quan hệ giữa người với người, tổ chức và quản lý làng xã đất nước... Một số nét tổng quát về người Việt, trí thức và quan lại hay văn hóa nghệ thuật và học thuật cũng được đề cập.
![]() |
Qua những lời nhận xét sâu sắc của người xưa, hầu hết là trí thức Nho học hoặc Tây học ở cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX (Nguyễn Trường Tộ, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Khôi, Trần Chánh Chiếu, Lương Dũ Thúc, Phan Kế Bính, Nguyễn Văn Vĩnh, Ngô Tất Tố, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Huyên, Ðỗ Ðức Dục, Trần Huy Liệu…), những thói hư tật xấu của người Việt ở mọi khía cạnh, góc độ, cấp độ trong cuộc sống đều được nêu ra. Các nhà trí thức xưa nhắc tới những điều khiếm khuyết này không phải để chế giễu, cười cợt tiêu khiển mà với thái độ nghiêm túc phê phán một cách chân thành đầy thiện chí, mang nặng mối ưu tư trước vận mệnh của đất nước. Theo người xưa thì muốn đất nước phát triển, trước tiên dân tộc Việt Nam phải dũng cảm, thẳng thắn nhìn nhận, phân tích rạch ròi những khiếm khuyết của mình để từ đó khắc phục, vươn lên cùng nhân loại. Trái lại, nếu không dám nhìn thẳng vào sự thật mà tự huyễn hoặc ru ngủ mình thì dân tộc sẽ mãi mãi chìm đắm trong sự tăm tối yếu đuối...
Với phần 2, soạn giả Trần Văn Chánh tổng thuật lại “lịch sử thói hư tật xấu” của người Việt từ xưa đến nay. Không chỉ khái lược trong quá khứ, ông còn dành một mục “Xét tật người Việt hiện đại” để dẫn chứng nhiều bài viết phản ánh vấn đề này trên các báo thời sự hằng ngày như Tiền Phong, Tuổi Trẻ, Thanh Niên…, đặc biệt dẫn chứng cuốn sách Người Việt, phẩm chất và thói hư - tật xấu (NXB Thanh Niên và báo Tiền Phong ấn hành năm 2009) với những thói tật của con người xã hội hiện nay như thói xấu thuộc hành vi cá nhân, thói xấu trong sinh hoạt, trong ứng xử với cộng đồng, trong lề lối làm việc và trong học tập - giáo dục - thi cử... Cuối bài, ông nêu ra và phân tích thấu đáo nguyên nhân những thói hư tật xấu của người Việt trong suốt chiều dài lịch sử, đồng thời đề ra giải pháp cứu vãn. Soạn giả cũng tâm tư như các trí thức xưa: “Công cuộc cải tạo văn hóa thông qua quá trình giáo dục công dân là một quá trình của lượng biến thành chất, đòi hỏi thời gian lâu dài. Ðể có được bước đột phá, nhằm thúc đẩy nhanh các quá trình thực hiện, điều kiện tiên quyết vẫn là phải can đảm thừa nhận các thói xấu/khuyết tật và trung thực chỉ ra những sự thật nào là nguyên nhân cơ bản làm phát sinh ra chúng, không chút uý kỵ”.
Ðây là một tác phẩm hữu ích, giúp cho những người có tâm huyết, có tấm lòng với đất nước nhìn nhận thấu đáo những thói xấu, khiếm khuyết của người dân Việt để tìm cách cải thiện, đưa xã hội phát triển hòa nhập với thế giới văn minh.
CAO VĂN THỨC
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.