Bước chân vào cổng trường đại học, trở thành những cô cậu sinh viên có lẽ là niềm mơ ước chung của biết bao học sinh. Thời gian này, các sĩ tử đang ráo riết cho chặng cuối. Kỳ thi của các em năm nay diễn ra trong tình cảnh dịch bệnh Covid-19. Ngoài việc chuẩn bị bài cho thật tốt, tâm lý phòng dịch như một phần áp lực vô tình đè nặng lên tinh thần lớp trẻ. Với các phụ huynh, nỗi lo tăng thêm bội phần.
Trước các thời khắc mang tính quyết định của con cái, làm sao cha mẹ không lo lắng cho được. Có dịp trò chuyện đôi câu với môt phụ huynh có con gái đang ôn thi mới thấy chị bất an, bồn chồn, vừa tin tưởng con mà vừa sợ... cho những cái “lỡ như”... vì đề thi khó, vì sức khỏe con mình vốn kém, hơn tháng nay đã miệt mài thâu đêm. Chị bảo bây giờ phải lo tẩm bổ cho con, bởi “có biết làm gì khác đâu ngoài chăm sóc sức khỏe và động viên tinh thần con gái!”. Nỗi lo âu của người mẹ hiện trên cả khuôn mặt, trong hành động, lời nói.
Nhìn chị tần tảo, chu đáo, tôi chợt nhớ về hình ảnh cha mẹ mình. Chục năm trước, tôi cũng đi thi, thức đêm học bài. Nhớ dáng mẹ đêm về vẫn loay hoay góc bếp nấu cho “thằng nhỏ” gói mì với trứng. Có hôm, nấu cơm chiều, mẹ hấp thêm củ khoai để dành. Bỗng chợt thèm những ly sữa nóng ấm lòng lúc nửa khuya tận tay cha đưa!
Ðại học tuy không là con đường duy nhất dẫn đến tương lai huy hoàng nhưng đó là mơ ước của nhiều bậc làm cha mẹ, bởi lẽ cánh cửa tri thức luôn là điều phụ huynh mong muốn các con đạt được. Năm thi của tôi, Bộ Giáo dục vẫn còn chia làm hai kỳ. Tháng Sáu, học sinh sẽ thi tốt nghiệp THPT rồi một tháng sau sẽ là tuyển sinh Ðại học. Ðó như một cái lệ, khác với bây giờ, cả nước chỉ duy nhất một mùa thi vừa dùng kết quả để duyệt xét tốt nghiệp phổ thông vừa dùng cho ứng tuyển vào các trường. Ngày đầu tiên của kỳ thi Ðại học, cha tôi đứng đâu đó ở sẵn cổng trường. Khi con trai lớn của mình vừa bước ra, hãy còn tập trung trao đổi đề với đứa bạn mới quen cùng phòng thì chợt đâu, cha lao xe tới sát bên, trên tay cầm sẵn chai nước suối, nôn nóng hỏi: “Làm bài được không con?”. Tôi bất ngờ lắm. Càng bất ngờ bao nhiêu thì hạnh phúc bấy nhiêu. Tôi lên xe cha rất nhanh. Trưa hôm ấy, đứa con trai nuốt cơm vội, dành thời gian ôn bài, còn người cha liên tục cập nhật tin trên mạng, thi thoảng vẫn nhắn con ráng lên, ăn cái này không, uống thức kia nhé, cha mua...
Ðịa điểm thi cách nhà mấy chục cây số, vậy mà cha bỏ qua hết công việc để ở cùng con. Cha bảo, mẹ ở nhà, từ sáng đã đi ra đi vào, chẳng làm gì được. Mẹ còn định theo cha lên gặp con để hỏi han, dặn dò. Tất cả những nghĩa cử ấy, làm sao tôi quên cho được. Buổi trưa hôm ấy, cha gọi về nhà bảo mẹ: “Thằng nhỏ nói làm bài được đó nghen!”. Chỉ vừa chốt câu nói, bên kia, tôi nghe vỡ òa, những âm thanh xen trộn, lời mẹ hỏi rồi giọng đứa em trai nhỏ cũng thu hết vào điện thoại. Nó bảo, chúc anh thi tốt.
Bốn ngày trước khi thi, tôi đã khăn gói lên ở cùng phòng của người anh họ, một sinh viên năm cuối. Mỗi tối, mẹ đều đặn gọi, vẫn là những lời nhắn nhủ, khích lệ. Còn cha, chẳng bao giờ động viên nhiều bằng lời nhưng kỳ thực, sự có mặt của cha khi con vừa ra khỏi phòng thi buổi sáng ngày đầu, buổi chiều và cả ngày hôm sau là một sự hiện diện quý báu. Ðời, có mấy kỳ thi và những khoảnh khắc ấy, tôi nhắc lòng phải ghi thật sâu, thật kỹ. Ở bên cha, tôi đúng thật là một đứa trẻ, quên ngay việc đang bàn bạc đề thi, bài làm với cô bạn vừa gặp dù cô đứng đó. Tôi quên ngay xung quanh mình là hàng trăm, hàng ngàn các bạn. Tôi ôm cha. Và cứ thế, cha chạy xe đi, len lỏi giữa dòng người chen chúc.
Bây giờ, tôi đã có công việc hẳn hoi, trở thành nhân viên của một công ty nước ngoài. Tuy vậy, cha mẹ vẫn ân cần. Thế đấy, từng bước trong đời, tôi hạnh phúc vì có cha mẹ kề bên. Mùa thi đại học năm nào, mùa thi đầu tiên, mùa thi duy nhất, cả đời, tôi nhớ mãi bờ vai cha!
THIÊN KHÔI
Bình luận