Thứ Hai, 23 Tháng Giêng, 2023 18:18

Nhớ ơn Đức Thượng công Lê Văn Duyệt: ân nhân của tín hữu Công giáo

 

Lê Văn Duyệt sinh năm 1763 (hoặc 1764) tại vàm Trà Lọt, thuộc làng Hòa Khánh, huyện Kiến Phong, tỉnh Định Tường (nay thuộc huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Ông được cử làm Tổng trấn Gia Định Thành hai lần: năm 1812 dưới đời vua Gia Long, và năm 1820 dưới đời vua Minh Mạng (ông giữ chức vụ này cho tới lúc tạ thế vào năm 1832), cai quản toàn vùng Nam Kỳ. Trong thời kỳ Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn, đời sống người dân miền Nam được an cư thịnh vượng.

“Thương, dân lập đền thờ” (cảnh Lăng Ông xưa)

 

Ngày 17.2.1825, vua Minh Mạng ra chỉ dụ cấm đạo Công giáo. Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt lơ không phổ biến lệnh từ Kinh thành Huế nên những trấn miền Nam không biết để truy lùng các giáo sĩ. Sau đó vì Bộ Lễ thúc mãi, và ông nghĩ rằng triều đình cần thông dịch nên chọn ba vị thừa sai là Giám mục Gagelin, Taberd và linh mục Odoric rành chữ Hán Nôm gởi ra Huế.

Đức Giám mục Taberd kể trong một bức thư đề ngày 28.4.1828: “Danh tước của ông là Thượng công, ông đứng đầu hàng quan giai và là nhân vật độc nhất mà nhà vua kính nể”; “Thấy rõ ý hướng cừu địch của nhà vua đối với Thánh giáo, chúng tôi bèn biên thư cho vị đại quan này và nhờ nhiều nhân vật trần thuật với ông tình cảnh của chúng tôi, nhất là thảm trạng ở Bắc kỳ. Nghe kể tình cảnh khốn khổ đó, ông la lên: Tôi không hay biết gì hết về sự việc đó. Các cha cố Pháp có phạm trọng tội chi mà ngược đãi họ?... Tôi sẽ đi ra Huế và tôi sẽ tâu với nhà vua”. 

Học giả Trương Vĩnh Ký, trong sách “Biên tích Đức thầy Vêrô Pinho”, thì thuật lại phản ứng của Thượng Công Lê Văn Duyệt khi hay tin có Dụ bắt Đạo, cấm Đạo: “Ngài Tổng Trấn kêu lên rằng: Họ làm gì nên tội? Chừng nào tôi còn sống, người ta sẽ không làm được chuyện đó, điều nhà vua muốn thì hãy làm sau khi tôi chết”; “Lê Văn Duyệt đã cho thu thập các tài liệu, sao chép 14 thư chữ Nôm của Nguyễn Ánh gởi cho Giám đốc Chủng Viện Liot yêu cầu Công giáo giúp đỡ, để ông mang ra kinh đô Huế dâng lên vua Minh Mạng làm bằng cớ về công ơn của người Công giáo. Tháng 12/1827, ông về Kinh thành Huế tâu trình vua Minh Mạng nghe hành động của nhà vua là trái lẽ phải, trái với đường lối của vua cha (Gia Long) (…) Nghe lời bộc trực cứng rắn của Thượng công, vua Minh Mạng buộc lòng NGƯNG kế hoạch của mình, và ngày 29.6.1828, có ba người được phóng thích” (đó là ba thừa sai Taberd, Gagelin và Odoric - bị quản thúc làm thông dịch viên cho triều đình - được phép rời Huế để đi vào Gia Định).

Tượng đồng Đức Thượng công Lê Văn Duyệt trong Lăng Ông Bà Chiểu (Gia Định)

Đức cha Michel Igneau viết: “Trong số các quan bạn của người Pháp, Tổng Trấn Sài Gòn đã dám đương đầu với tân vương (Minh Mạng) và những cận thần. Ngài thẳng thắn chỉ trích hoàng tử (hoàng tử Đảm, lên ngôi gọi là Minh Mạng hoàng đế) đã chà đạp đường lối khôn ngoan và khả kính của vua cha (Gia Long), và tỏ ra không biết ơn đối với những người tận tâm phục vụ, nhờ họ mà hoàng tử được ngôi vua”.

Đức Thượng công Lê Văn Duyệt không tán thành chủ trương cấm đạo Công giáo, “vì sự nghiệp mà vô ơn” của vua Minh Mạng, chỉ vì quan niệm hẹp hòi “bế quan tỏa cảng” lỗi thời, rồi đây sẽ đem đến mất nước. Nhìn trước thấy hậu quả đó, nên Đức Thượng công đã lên tiếng can ngăn triều đình Minh Mạng. 

Vua Minh Mạng, lên ngai vàng vào năm 1820, đến năm 1827, đã ban hành 2 chỉ dụ cấm đạo. NHƯNG từ năm 1827 - khi Lê Văn Duyệt ra Huế can ngăn vua - cho đến năm 1832, năm Lê Văn Duyệt từ trần, đã KHÔNG ban hành chỉ dụ cấm đạo nào nữa. Nhờ vậy giáo dân được thong dong giữ đạo. Chỉ sau khi không còn bóng dáng Lê Văn Duyệt can ngăn, vua Minh Mạng từ năm 1833 đến năm 1840 (năm vua qua đời) mới đốc thúc việc sát hại tín hữu Công giáo bằng cách ban hành thêm 4 chỉ dụ cấm Đạo gắt gao).

 

MATTHEW NGUYỄN

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm