Tôi không hiểu sao năm đó má tôi lại nổi hứng cán bánh phồng, bánh tráng khoai mì Tết làm cả nhà mệt bở hơi tai. Làm xong để nhà một ít, còn bao nhiêu đem biếu cho sui gia, bà con, hàng xóm hết.
|
1. Tôi nói vậy, tại vì làm bánh tráng Tết rất cực mà nhà tôi lúc đó thiếu vắng mấy ông anh “húi cua” nên nếu làm thì phe “kẹp tóc” chúng tôi sẽ lãnh đủ.
Thật ra, năm đó nhà tôi trồng khoai mì dọc hàng rào rất nhiều. Mỗi bụi khoai mì đào lên cả mấy ký, củ nào củ nấy to đùng. Không biết làm gì cho hết, má tôi mới bày ra làm bánh tráng khoai mì để giải quyết cho hết số khoai mì quá ể đó.
Quyết định ban bố đã có hiệu lực. Khoai mì được đào lên gần hết. Mấy đứa nhỏ lê lết dưới đất lột khoai mì bỏ vào nước ngâm. Làm mệt mỏi như vậy mà tôi cũng cố lấy vỏ khoai mì bỏ lớp vỏ đen ngoài, rửa sạch ướp muối phơi để dành chiên ăn với cơm.
Toàn bộ khoai mì được đem hấp chín trong cái chõ lớn. Củi lửa cháy liên tục khiến bếp hôm đó nóng vô cùng. Khoai mì đổ ra thau để nguội rồi lấy hết đường gân trong ruột hoặc xơ bỏ đi, chỉ còn lại phần “thịt” mềm. Khoai sau khi đã hấp và làm sạch sẽ cho vào cối cùng sữa đặc có đường và nước cốt dừa đặc đã được sơ chế. Bọn tôi thay phiên nhau quết mạnh và lẹ tay. Những lúc mệt quá tôi hay bốc khoai mì đang quết trong cối ăn ngon lành.
Ngày thường đã quen làm việc cấy lúa, cuốc đất, gánh nước, vậy mà lúc đứng quết bánh tráng tay chân rã rời tới mức người trong nhà phải thay phiên nhau mà quết. Xong mẻ nào thẩy ra mâm là có người phân ra từng cục nhỏ đều đặn cho người khác cán mỏng ra. Bánh cán mỏng xong thường được đem phơi trên chiếu hoặc chiếc đệm mới sạch sẽ.
Quết mấy cối bánh tráng khoai mì mệt muốn xỉu, vậy mà má tôi còn chuẩn bị cơm nếp để quết bánh phồng nữa. Nhớ đợt đó quết bánh xong cả bọn chúng tôi đứa nào đứa nấy trông bèo nhèo thấy ớn. Ăn không bao nhiêu mà làm thấy phát mệt.
Riêng tôi, chỉ có lúc ăn khoai mì quết với sữa, nước cốt dừa là thấy ngon nhất thôi, vừa quết vừa bốc ăn cho đỡ mệt. Lúc đó quên béng câu “Ăn coi nồi, ngồi coi hướng”, vì bao tử cứ réo gọi...
![]() |
2. “Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc” là những thương hiệu mà Tết ở Bến Tre người ta hay tìm mua. Lúc lên Sài Gòn đi làm, tôi đã có dịp biết đến bánh tráng Mỹ Lồng, Giồng Trôm, Bến Tre.
“Em tráng bánh tráng, anh quết bánh phồng
Cảm thông đôi má ửng hồng
Hẹn em chợ Mỹ Lồng ăn cháo về đêm”
Bánh tráng Mỹ Lồng ở xứ sở bên chồng của cô tôi, nên năm nào bà con cũng mang lên bán cho bà con hoặc những người quen biết. Bánh tráng Mỹ Lồng ngon nhờ vào dừa khô có sẵn ở quê nên vị béo rất ngon. Bánh này tráng như bánh ướt, đem phơi khô ráo và nướng ăn...
Bánh tráng nổi tiếng xứ này có trong câu hò huê tình:
- Nghe nói anh đi đó đi đây
Em xin hỏi nhỏ câu này
Bánh phồng, bánh tráng, đất này đâu ngon?
- Bánh tráng Mỹ Lồng
Bánh phồng Sơn Đốc
Măng cụt Hàm Luông
Vỏ ngoài nâu, trong trắng tợ bông gòn
Anh đây nói thiệt sao em còn so đo?
Biết mấy loại bánh đặc sản như vậy, nhưng tôi vẫn thích bánh tráng khoai mì quê mình và nhớ nhiều những lúc vừa ngồi cắt bánh tráng vừa ăn phần vụn bánh vừa cắt bỏ ra.
Cũng có lúc bán bánh tráng lâm vào cảnh thê thảm:
“Bánh tráng đem bán chợ chiều
Hai ngày không hết tiền tiêu chẳng còn”
3. Sau này, cuộc sống mỗi người mỗi nơi nên không có dịp tụ họp lại để cùng nhau quết bánh tráng nữa.
Bánh tráng Tết thì hoặc người ta biếu tặng hoặc đi mua cũng xong. Nhưng niềm vui được đổ mồ hôi và sức lực cho từng cái bánh tráng thì không còn dịp tìm lại được…
Hình ảnh đẹp về cái bánh tráng sẽ còn mãi trong những câu đồng dao dí dỏm:
“Biểu lẹ giùm mà không chịu lẹ giùm
Cái mặt chuối chiên mà làm duyên làm dáng
Cái mặt bánh tráng mà làm dáng làm duyên”...
Dương Kiều
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.