Những trải nghiệm phục vụ cộng đồng, xã hội với các đoàn thể sinh hoạt luôn đọng lại nhiều niềm cảm xúc cho mỗi cá nhân bởi ý nghĩa nhân văn của công việc, đặc biệt là ở lần đầu tham gia.
PHỤC VỤ CHO Y HỌC
![]() |
Chị Lê Thị Nguyệt (giáo xứ Xuân Dương, giáo phận Bùi Chu): Cũng như những gì nhiều người từng thực hiện, tôi cảm thấy hạnh phúc khi có dịp được góp những điều nhỏ bé cho người đang cần và sẽ cần. Đó là lần được hiến tóc cho bệnh nhân ung thư cách đây khoảng một năm và cách đây vài tháng, tôi xin đăng ký hiến mô, hiến tạng nhân đạo. Sau vài tháng đăng ký trực tuyến, mới đây tôi đã được bệnh viện Chợ Rẫy cấp thẻ đăng ký hiến tạng. Cầm trên tay tấm thẻ màu xanh, cảm xúc của tôi là sự vui mừng vì hứa hẹn sẽ có cơ hội được góp chút gì cho cuộc sống, trong khả năng có thể. Khi biết tin, bạn bè có người chúc mừng, có người hỏi cách đăng ký, song cũng có không ít người thắc mắc rằng sao tôi còn trẻ, chưa có gia đình, lại nghĩ đến chuyện hiến tạng... Khi đi đến quyết định này, tôi đã có sự phân định và những gì có dịp chứng kiến trong cuộc sống là một cơ duyên. Mong cho bệnh nhân ung thư có mái tóc để điểm trang; mong cho bệnh nhân suy thận có cuộc sống tốt đẹp hơn, không còn phải trải qua quá trình chạy thận nhân tạo vất vả, đau đớn… đã thôi thúc tôi quyết định điều mình nên làm, cần làm, góp chút gì tươi đẹp cho đời. Ai đó đã từng nói, con người đến với cuộc đời bằng hai bàn tay trắng, khi thác đi cũng trở về cát bụi. Một mai, nếu một trong những bộ phận trong hình hài được Chúa tạo tác, có thể được trưng dụng để giúp người khác cải thiện sức khỏe, duy trì sự sống, với tôi đó chính là điều hằng ước ao, chính là niềm hạnh phúc.
ĐẾN VÙNG TRUYỀN GIÁO
![]() |
Bà Lê Thị Quỳnh Tú (giáo xứ Phát Diệm, TGP TPHCM): Chuyến đi bác ái mà tôi còn nhớ mãi đó là chuyến tôi đi cùng đoàn tông đồ giáo dân TGP TPHCM đến giáo điểm truyền giáo miền sông nước, họ đạo Rạch Vọp thuộc giáo phận Cần Thơ, với nguyện ước mang đến những ý nghĩa tích cực cho những người đang ở trong hoàn cảnh khó khăn. Trong chuyến đi ấy, in sâu nơi trái tim tôi là hình ảnh đoàn của họ đạo cùng đi với cha sở bằng những chiếc ghe nhỏ suốt dọc con sông hơn 15 cây số đón những người lương dân đến nhà thờ cùng đi lễ và ở lại học giáo lý. Tôi khá bất ngờ vì đây là việc làm hằng tuần của giáo xứ. Tôi nghĩ một nơi miền sông nước, chỉ riêng việc đi lại thôi cũng đầy khó khăn, gian lao. Vậy mà nhiều người lương dân, kể cả cụ già, em nhỏ lại mến mộ và đến với Chúa. Tôi nhận thấy sức sống truyền giáo của Giáo hội, ở những nơi còn khó khăn thật mạnh mẽ. Chuyến đi này còn giúp tôi nhìn lại, cảm nghiệm về hành trình đức tin của mình.
NHỚ NHỮNG EM BÉ MỒ CÔI
![]() |
Chị Nguyễn Thị Phượng Uyên (Giáo xứ Martinô, TGP TPHCM): Trong một lần tình cờ, tôi đến thăm mái ấm do các sơ dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt phụ trách. Chứng kiến hình ảnh các em mồ côi, có trường hợp bị khuyết tật làm tôi rưng rưng nước mắt, thương vô cùng. Chuyến đi đó giúp tôi mở mang nhiều điều, thấy những mảnh đời khó khăn, nhiều hoàn cảnh đáng thương. Dù chỉ giúp được một phần rất nhỏ, nhưng nhìn nụ cười của các bé, tôi lại có thêm động lực. Sau lần đó, tôi cùng với một số người quen, bạn bè, làm thành nhóm chuyên hoạt động thiện nguyện hỗ trợ cho mái ấm trẻ mồ côi này. Từ đó đến nay đã được hơn 8 năm. Tôi không biết động lực nào khiến tôi làm điều này. Tôi chỉ thấy hoàn cảnh thiệt thòi của các em, nên làm điều gì ý nghĩa cho các em. Hơn nữa, sự hy sinh của các sơ cũng là hình ảnh đánh động tôi. Các sơ là những người chẳng ngại khó nhọc, “tay xách nách mang”, thương các sơ nên tôi muốn chung tay góp sức một chút cho việc phuc vụ Chúa nơi những đứa trẻ, và giúp ích cho đời.
NIỀM VUI TỪ NGƯỜI NHẬN LAN TỎA
![]() |
Bà Trần Thị Xuân Mai (quận 12, TPHCM): Tôi không quên lần đầu tiên người bạn rủ đi quyên tiền mua áo gió, xin xe đạp cũ về tân trang lại tặng cho đồng bào Tây Nguyên, cách đây cũng đã 30 năm. Lần đó, chúng tôi mua được khá nhiều áo lạnh giá rẻ, tân trang được 16 chiếc xe đạp cũ. Gần trăm con người áo quần lem luốc, già có, trẻ có đã tập trung tại UBND xã. Từng người xếp hàng nhận gạo, dầu ăn và nhất là những chiếc áo gió… một cách hạnh phúc. Họ mở áo ra mặc liền. Người lớn mặc cho các con trẻ trước. Tất cả đều rạng rỡ. Những học sinh nghèo và xa trường THPT từ các bản xa đã được tặng xe đạp. Chiếc xe dù không mới tinh và số lượng tặng không đủ cho tất cả, thế mà các em vẫn hân hoan, hứa sẽ chở nhau đi học. Niềm vui của các em lan tỏa sang tôi. Một cảm giác hạnh phúc dâng lên và vỡ oà khiến tôi bật khóc và thấm câu ngạn ngữ “Khi ta tặng người khác hoa hồng, hương hoa còn lưu lại trên tay”.
CHIA SẺ KHÓ KHĂN VỚI BẠN BÈ
![]() |
Chị Lương Quỳnh Giao (Q.1, TP.HCM): Tôi nghĩ thực ra những hoạt động đóng góp cho xã hội, mọi người thường sẽ tham gia từ thời đi học. Ở các cấp đều sẽ có những hoạt động, chương trình xã hội ngắn và dài hơi. Ký ức của tôi nhớ về những suy nghĩ và cảm xúc khi còn non nớt với cách để dành tập vở, sách giáo khoa, sách truyện cũ... làm kế hoạch nhỏ đem bán lấy tiền giúp những bạn nhỏ ở quê khó khăn hơn. Cảm xúc ngày bé là rất tự hào và cảm thấy ấm áp những yêu thương khi san sẻ được cho người khác. Nhưng có lẽ những việc nhỏ như thế chưa có sự chủ động. Trưởng thành hơn, một vài hoạt động xã hội ấn tượng nhất và vẫn duy trì được sau nhiều năm của tôi, đó là gom quần áo và đồ dùng không sử dụng để tặng hoặc tham gia vào các hình thức bán gây quỹ. Nhiều hoàn cảnh khó khăn, vùng cao thiếu từng tấm áo lành, trong khi mình lại dư nhiều nên rất vui vì có thể giúp cho ai đó. Khi tặng đồ, mình cũng phải chọn lựa và xếp gọn, thẳng thớm, rất mong đến tay người nhận một cách tươm tất.
“Sự vội vàng, hiện là người bạn đồng hành trong cuộc sống hằng ngày, khiến chúng ta không thể dừng lại để giúp đỡ và quan tâm đến người khác. Dụ ngôn người Samari nhân hậu (x. Lc 10, 25-37) không đơn thuần là một câu chuyện của quá khứ; nhưng tiếp tục thách thức hiện tại của mỗi người. Thật dễ dàng để ủy thác việc làm từ thiện cho người khác, nhưng ơn gọi của mọi Kitô hữu là tham gia một cách cá vị” (trích Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho ngày thế giới Người nghèo lần VII, năm 2023, số 4). |
NHÓM PHÓNG VIÊN (THỰC HIỆN)
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.