Thứ Tư, 04 Tháng Năm, 2022 17:27

Như một hội chứng hậu Covid

 

Ðợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5 của năm nay kéo dài 4 ngày, bởi vậy ai cũng muốn tận dụng một kỳ nghỉ ý nghĩa sau gần một năm bị hạn chế đi lại vì dịch bệnh. Vây là gần như nhà nhà đi du lịch, người người đi du lịch. Kết quả là cửa ngõ ra vào các thành phố lớn như Hà Nôi, TPHCM đã bị kẹt xe, tắc đường trầm trọng. Ngay từ 2 giờ chiều 29.4, hầu như tất cả các lối ra vào Hà Nội bị đông cứng vì người và phương tiện tranh thủ rời khỏi thành phố để tìm cho mình kỳ nghỉ sớm nhất và nhanh nhất bằng các phương tiện cá nhân. Có nhiều người đợi sáng hôm sau đi sớm đưa gia đình du lịch tắm biển tại Sầm Sơn - Thanh Hóa bằng xe hơi từ lúc 5h sáng. Thế mà quãng đường 170km từ Hà Nội tới Sầm Sơn đã phải trải qua mất 8 giờ, vì có hơn 5 tiếng đồng hồ bị tắc kẹt tại cửa ngõ. Các cảng hàng không nội địa Tân Sơn Nhất và Nội Bài vào buổi chiều ngày nghỉ cuối cùng cũng “chật như nêm” và “căng như dây đàn”, khi có tới 427 chuyến bay 2 chiều phải chuyên chở khoảng 74.000 hành khách chỉ riêng trong ngày 3.5.

Chính phủ đồng ý mở cửa hoạt động du lịch từ 15/3

 

Phải chăng việc người dân đổ đi nghỉ, đi chơi trong dịp nghỉ lễ này như là một “hội chứng hậu Covid-19”. Nó là một dạng bị kìm nén tâm lý bởi đại dịch, nay mới được bung ra. Vì vậy làn sóng du lịch nội địa như một trận di dân khổng lồ vào những thời điểm đầu và cuối của kỳ nghỉ. Dù đã lường trước các tình huống đón khách, phục vụ khách nhưng nhiều điểm du lịch cũng trở thành quá tải. Ví như một số bãi biển ở Cửa Lò, Sầm Sơn… người ta thấy đó là biển người chứ không còn thấy mặt biển. Hay như công viên nước tại Hà Nội cũng trở thành “công viên người” trong nửa buổi mở cửa. Các phố đi bộ bờ Hồ Gươm cho đến các phố chơi đêm Tạ Hiện hay Bùi Viện đều chật cứng du khách.

Ngành dịch vụ du lịch sau mấy năm đóng cửa vì đại dịch nay mới có cảm giác được hồi sinh. Ngay từ cuối tháng 4, các điểm đến như Tam Ðảo, Sapa, Mộc Châu, Cát Bà đều không còn dư phòng cho khách đến bất chợt. Tất cả đều đã được đặt trước đó vài tuần. Rồi các quán ăn tại điểm đến phục vụ hết công suất mà vẫn không đáp ứng nhu cầu thực khách luôn quá lớn, thành quá tải. Nhưng khi cung quá cầu cũng bắt đầu xuất hiện các hiện tượng “chặt chém khách hàng” như đẩy giá phòng lên cao, chất lượng dịch vụ kém, chộp dựt.

Có người sẽ hỏi đi du lịch trong cảnh tắc đường, chen lấn, xô đẩy, đôi khi bị “chặt chém” như vậy thì có gì sướng? Có lẽ nhiều người trong cuộc sẽ không nghĩ vậy. Ðiều quan trọng với họ là đã có những trải nghiệm thú vị, đáng nhớ sau nhiều ngày ngồi nhà vì dịch bệnh. Nhiều người đi du lịch như một “hội chứng phản kháng” với những hệ quả tâm lý, xã hội do dịch bệnh để lại.

 

Ngô Quốc Ðông

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm