NGHI THỨC TẾ
Tế ở nhà thờ Công giáo có từ bao giờ, hiện vẫn chưa có lời giải đáp chính xác. Một số người cho rằng có từ những năm 30 của thế kỷ XX, những người khác thì nói tế có từ lâu đời ở nhà thờ Công giáo Việt Nam. Ðó là hình thức sinh hoạt hội hè trong làng Công giáo.
Tiến hành khảo sát ở một số xứ họ đạo thuộc các địa phận Thái Bình, Bùi Chu (Nam Ðịnh), Hà Nội, chúng tôi được biết tế ở nhà thờ Công giáo có từ trước năm 1945. Năm 1954, một số giáo dân thuộc hai địa phận Bùi Chu và Thái Bình di cư vào Nam có ý thức giữ gìn và phục hồi ở một vài xứ đạo di cư thuộc giáo phận Sài Gòn và giáo phận Xuân Lộc (Ðồng Nai). Còn các xứ đạo thuộc hai giáo phận Bùi Chu và Thái Bình vì những lý do khác nhau đã không còn duy trì tế ở nhà thờ.
Tháng 8 năm 1993 tiến hành khảo sát ở xứ đạo Châu Bình, Thủ Ðức, thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi được biết mấy năm trước đó xứ đạo này đang phục hồi nghi thức tế ở nhà thờ Công giáo.
Châu Bình là xứ đạo có tín hữu vốn là những người ở rải rác từ hai giáo phận Bùi Chu và Thái Bình. Từ những năm đầu sau di cư, giáo dân được tổ chức thành xứ đạo. Những hội đoàn xứ đạo lần lượt ra đời, đáng kể là các hội đoàn phục vụ thánh lễ như hội trống, kèn, bát âm, trắc, hội hát, hội con hoa ngày càng được củng cố và phát triển. Một số nghi lễ mang nét văn hóa dân tộc như rước kiệu, múa hát dâng hoa và tế được phục hồi.
Trong nghi thức tế có tế giao thừa và tế hoa.
Tế giao thừa
Ở các xứ đạo Công giáo, giáo dân tổ chức đón giao thừa với những lễ thức khác nhau, dưới đây là ví dụ ở giáo xứ Châu Bình.
Ðoàn tế ở xứ Châu Bình gồm 15 người, một chủ tế, hai bồi tế (Ðông xướng và Tây xướng) và 12 tế viên. Tham gia vào đoàn tế còn có đội bát âm thổi sáo, đánh đàn, gõ chuông, đánh trống (chinh, cổ).
Khi giờ phút giao thừa giữa năm cũ và năm mới đến cũng là lúc lễ thức tế giao thừa được tiến hành trọng thể, trang nghiêm trong nhà thờ xứ đạo. Một hồi ba tiếng trống, chiêng rung vang nơi thánh đường vốn ngày thường thâm nghiêm. Ðoàn tế gồm 15 người đi từ dưới nhà thờ lên trong tiếng chiêng, trống nghinh tiến và nhạc sênh tiền rộn rã. Ði đầu là chủ tế, y phục đại trào màu đỏ, đầu đội mũ cánh chuồn; hai bồi tế mặc áo thụng màu thanh thiên, đầu đội mũ cao; mười hai tế viên mặc áo thụng xanh, đầu đội khăn xếp, cùng oai nghiêm, đĩnh đạc tiến theo. Mười hai tế viên dừng lại dưới lòng nhà thờ, xếp hàng hai, mỗi hàng sáu người quay mặt lên bàn thờ, tay chắp để trước bụng. Chủ tế và hai bồi tế viên lên trước bàn thờ.
Khi lễ tế giao thừa bắt đầu, thì có những xướng, đáp, tâu và những cử chỉ như sau:
Ðông xướng (ÐX): Khởi hành lễ tế nghinh xuân - Tiến nghinh hương.
Chủ tế (CT) dâng hương. Ban nhạc đệm điệu hành vân.
ÐX: Tấu khúc ca tiền xướng.
Ðoàn tế quỳ hai gối, cúi mình vịnh câu: Tấu lạy Thượng đế! Ðoàn tế không cúi mình, quỳ thẳng người, vịnh tiếp ca tiền xướng:
Chủ tế khoan chân / Toàn thể chúng thần / Thành tâm hiệp khẩu / Lễ dâng đồng tấu / Vẳng thấu thiên cung.
Tây xướng (TX): Bình thân tựu vị (các tế viên đứng dậy theo thế cũ).
ÐX: Khởi chinh, cổ.
Một hồi ba tiếng trống, chiêng âm vang.
ÐX: Tế chủ đọc chúc.
Chủ tế quỳ hai gối, cúi đầu giây lát, ngẩng lên đọc bài NGHINH XUÂN KHỞI TẤU theo giọng văn tế: Giáo hội Công giáo Việt Nam. / Duy: Châu Bình Xứ. / Tuế thứ x... niên... / Chính nguyệt, nguyên đán, nhật tân. / Chúng con cộng đoàn giáo dân Châu Bình xứ / Trước thềm năm mới / Xuân tới muôn nhà / Chung niệm thiết tha / Muôn lòng rộng mở...
Dứt lời văn, chủ tế cúi mình giây lát.
ÐX: Ngũ bái vịnh.
Chủ tế đọc bài bái vịnh thứ nhất: Ðệ nhất kính Thượng phụ chi vị.
ÐX: Cúc cung bái.
CT: Chúng con lạy Chúa cha nhân đức.
TX: Hương. (lúc này, ban nhạc thổi sáo ...)
CT: Ðã tạo thành vũ trụ bao la. / Cỏ cây muôn vật hằng hà / Ðông qua xuân lại bốn mùa đổi thay.
ÐX: Khởi chinh, cổ.
Một hồi ba tiếng trống, chiêng ngân vang.
Cứ như vậy chủ tế đọc các đoạn bái vịnh tiếp theo cho đến bài bái vịnh thứ năm. Mỗi bài bái vịnh chỉ có lời văn khác nhau, còn lễ thức thì giống nhau. Khi chủ tế đọc xong bái vịnh thứ năm (đệ ngũ), các tế viên quay mặt vào giữa, hai tay kết ngón để ngửa lên trán cùng đọc: Chúng khẩu đồng từ.
Một hồi ba tiếng trống, chiêng được đánh. Giàn nhạc cử điệu sênh tiền. Dứt nhạc là PHẦN SUY TÔN. Phần này ban tế họp thành cộng đoàn tín hữu trong các lời nguyện thỉnh cầu với các chủ đề: Thỉnh cầu cho Hội Thánh, Tổ quốc, thế giới, giáo xứ. Ví dụ ở chủ đề thỉnh cầu cho Tổ quốc, có nghi lễ và nội dung như sau:
ÐX: Thỉnh cầu cho Tổ quốc.
Cộng đoàn:
Xin Chúa thương cách riêng đất nước Việt Nam con / Tổ quốc quang vinh / Toàn dân vui sống an bình / Chung xây đất mẹ thắm xinh tình người / Cho bốn mùa ngát tươi lúa mạ / Dẹp yên đi sóng cả, chông ba / Ðời nay no ấm thái hòa / Mai sau hưởng phúc hoan ca thiên đường.
Ban tế cùng cộng đoàn: Chúng ta cùng cầu nguyện / Xin Chúa nhận lời chúng con.
Sau mỗi lời thỉnh cầu, nhạc công cử nhạc, cộng đoàn ngồi, đoàn tế dâng lễ vật. Hết bốn đoạn thỉnh cầu, nội dung chuyển sang phần BỂ MẠC. Lúc đó, phụ tế xướng: “Nghinh xuân lễ tất giai quỵ”. Cả cộng đoàn đều quỳ trong tiếng trống cái điểm từng hồi. Sau lời nguyện kết lễ và chủ tế ban phép lành đầu năm, đoàn tế rời cung thánh, nhạc lại nổi lên như lúc nghinh rước đoàn tế. Thời gian tế giao thừa kéo dài độ nửa giờ. Sau lễ, những người tham dự rời nhà thờ, trở về nhà mở đầu cho một năm mới với những hy vọng.
PGS.TS NGUYỄN HỒNG DƯƠNG
Bình luận