Thứ Hai, 12 Tháng Mười Hai, 2016 18:00

Những câu chuyện xung quanh hang Massabielle - Lộ Đức (P29)

MỘT ĐỨC TIN NHIỆT THÀNH

Ghi chép của một ký giả dịp kỷ niệm 50 năm
Đức Mẹ hiện ra

Ngày 23 tháng 8 năm 1908

Năm mươi năm…

Năm mươi năm Đức Mẹ đã đoái thương hiện ra tại hang Massabielle ở Lộ Đức. Năm mươi năm các phép lạ đã biến mảnh đất này thành một hải cảng bình an và hy vọng, một bến cảng đem đến ơn cứu độ cho biết bao người thành tâm thiện chí, cho tất cả những ai đặt trọn niềm tin vào Chúa và lời chuyển cầu hữu hiệu của Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Tất cả báo chí Pháp đều hết lời ca tụng kỷ niệm Kim Khánh của Đền Thánh. Không có một sự kiện quan trọng nào có thể thay thế lễ kỷ niệm này trong năm 1908. Ông Tổng Biên tập yêu cầu tôi tháp tùng ông đi đến Lộ Đức để tường thuật những thời điểm quan trọng của biến cố. Đối với một phóng viên mới vào nghề như tôi, đây là một vinh dự hiếm có. Đây là một trong những biến cố quan trọng nhất trong năm và của lịch sử tôn giáo vào thế kỷ thứ XX.

Các ngày lễ bắt đầu từ ngày 11 tháng 2, kỷ niệm lần đầu tiên Đức Mẹ hiện ra với Bernadette Soubirous; tiếp tục vào ngày 25 tháng 3, ngày Đức Mẹ nói với cô bé : “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội” và kết thúc vào ngày 16 tháng 7, ngày Đức Mẹ hiện ra lần cuối cùng. Ba cuộc cử hành nói trên có một tiếng vang lớn, hàng trăm ngàn người hành hương từ khắp nơi trên thế giới đến Lộ Đức để tĩnh tâm và cầu nguyện cùng Đức Mẹ. Chưa bao giờ người Kitô hữu tập trung tại nước Pháp đông như vậy. Cuộc lễ kéo dài đến ngày 4 tháng 10 với việc khánh thành hai tháp nhọn ở phần trên của Vương Cung Thánh Đường, và sẽ hoàn thành ngày 11 tháng 2 năm 1909, ngày cuối cùng của lễ kỷ niệm năm mươi năm Đức Mẹ hiện ra.

Trong khi chờ đợi hai chặng mới này, một lần nữa chúng tôi đi xuống Lộ Đức với Jean, Tổng Biên tập, để ghi lại sinh hoạt của ngày 23 tháng 8, ngày cử hành đặc biệt cho những người đã được phép lạ lành bệnh.

Tuy nhiên, những dự báo thời tiết hôm qua đã trở thành sự thật : cơn mưa như trút nước quất vào cửa sổ từ sáng sớm. Tôi không biết Đền Thánh làm thế nào để cử hành lễ nghi dưới trận đại hồng thủy này. Khi Jean đến tìm, tôi vẫn còn bàng hoàng :

- Thế nào, các cuộc rước không bị huỷ bỏ chứ ?

Jean cười to và bảo tôi :

- Anh tưởng vài giọt mưa, một cơn giông hoặc cả một cơn bão nữa có thể cầm chân những người hành hương sao ? Những người đã được phép lạ mà chúng ta sắp gặp lại đều đã suýt chết một lần, và anh hãy tin tôi, niềm tin của họ mạnh mẽ lắm, thời tiết không phải là trở ngại đối với họ. Bây giờ anh hãy đi với tôi, đừng mang dù theo vì không cần thiết. Anh phải đi với họ, đồng cảm với họ, để cảm nhận được những giới hạn của thân xác. Anh sẽ viết được chính xác hơn về các phép lạ sau khi gặp gỡ, trò chuyện với những người đã được ơn.

Thánh lễ bên trong Vương Cung Thánh Đường thật trang trọng và sốt sắng. Khi ra khỏi nhà thờ để đi kiệu, mưa tạt rát mặt và chúng tôi phải lội trong bùn lầy để tham gia đoàn rước. Trước mắt là ba trăm hai mươi lăm người đã được chữa lành, tất cả đều mang theo những lá cờ nhỏ và mỗi người có năm người làm chứng đứng xung quanh.

Chúng tôi chầm chậm tiến tới Hang Đá, lạnh thấu xương... Xung quanh, một đám đông đếm không xuể, bốn mươi, năm mươi, sáu mươi ngàn người… ? Không ai có thể nói chính xác. Trên quảng trường, cha Picart, Trưởng ban tổ chức cuộc hành hương, chờ đợi chúng tôi phát biểu một vài lời. Nhưng khi tôi vừa nói mấy câu thì bài hát Magnificat vang lên, tất cả đều nhìn vào nơi phát ra tiếng hát thì thấy một bệnh nhân vừa ra khỏi một trong những bể tắm, đi lại bình thường, không cần đến cặp nạng nữa.

Cảnh tượng cảm động này khiến tâm hồn tất cả tràn ngập niềm vui và phấn khởi chưa bao giờ có. Rồi khi tiếp tục đi rước cho đến dưới chân Vương Cung Thánh Đường thì cơn mưa chấm dứt. Những bài hát và những lời cầu nguyện lại vang lên to và đều đặn hơn. Những cử chỉ tràn ngập hy vọng gia tăng gấp bội : một bà được chữa lành nhờ phép lạ hãnh diện đưa cao cặp nạng, biểu tượng bệnh tật của bà trong một thời gian dài; một ông nhẹ nhàng đẩy những cánh tay đang đỡ ông .

Đám đông khổng lồ hợp một lòng một ý khi hát bài Tantum Ergo, nhưng điều làm ngạc nhiên hơn cả là họ bỗng chốc tuyệt đối im lặng trong vài giây theo lời mời gọi của Đức cha Bouvier, Giám mục Giáo phận Mans, khi ngài bắt đầu đọc lời nguyện. Rồi cha Picart ngỏ lời khuyến khích các bệnh nhân noi gương những người anh em, chị em của mình đã được phép lạ, những người mang trong mình tình thương và ân sủng kỳ diệu của Thiên Chúa : Anh chị em hãy đứng lên và hãy tiến bước!

Những người tật nguyền ngồi cứng đờ trong các ghế phô tơi, hoặc nằm bất động trên các băng ca. Xa xa, một phụ nữ đang đau đớn đứng thẳng người lên và đi đến gần bàn thờ, xem ra còn yếu ớt nhưng tràn đầy sức sống. Lời khen ngợi vang lên khắp nơi. Một cô gái trẻ khác cố gắng đứng lên, rồi người thứ hai. Đám đông rất phấn khích và hết lòng ca tụng những kỳ công của Chúa. Bài hát Magnificat tiếp tục vang lên khắp nơi trong khu vực Đền Thánh. Hò reo, hạnh phúc, kinh nguyện, ca tụng… hòa lẫn với nhau trong niềm vui sâu xa của người hành hương. Thật cảm động, cuộc lễ kết thúc trong bình an với một niềm vui mà tôi chưa bao giờ cảm thấy trước đó. Các bệnh nhân nghiêm trang trở lại nơi đón tiếp họ. Phần đông họ vẫn nằm hoặc ngồi yên trong ghế phô tơi hay trên băng ca, nhưng tâm hồn thì tràn ngập niềm hy vọng.

Khi trở về khách sạn, tôi vẫn còn xúc động vì tất cả những gì vừa trải qua. Tôi tự hỏi không biết tựa đề bài báo của tôi sẽ nói về những chữa lành trong tâm hồn hoặc những phép lạ theo nghĩa hẹp; và Giáo Hội có chấp nhận điều đó ? Cũng không biết nữa. Ngược lại, tiêu đề bài báo của tôi sẽ là “Ngày của những người được phép lạ”, ngày mà hơn năm mươi ngàn người tháp tùng ba trăm hai mươi lăm người đã được phép lạ và được chữa lành để cầu nguyện, và trong một sự hiệp thông kỳ lạ. Họ cảm ơn Đức Trinh Nữ Maria về những điều kỳ diệu và biết bao ơn lành mà Người đã ban cho, ở đây, từ năm mươi năm qua…

… Cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.

Lm INHAXIÔ HỒ VĂN XUÂN

Ý kiến bạn đọc ()
Tin tức liên quan
Tin khác
Xem thêm