Thứ Năm, 15 Tháng Sáu, 2017 15:24

NHỮNG CÂU CHUYỆN XUNG QUANH HANG MASSABIELLE - LỘ ĐỨC (P51)

THÀNH PHỐ CỦA NHỮNG NGƯỜI NGHÈO

Việc thiết lập thành phố Saint Pierre

Ngày 01 tháng 8 năm 1955

 

Điều chúng ta mong muốn, là lao động để thực hiện chương trình Đức Kitô đã vạch ra : rao giảng Tin Mừng cho những người nghèo khổ.

Vào buổi xế trưa ngày 01 tháng 8 năm 1955, trên sườn núi Béout, cách hang Massabielle chừng vài phút đi bộ, Đức cha Théas, Giám mục giáo phận Lộ Đức, khai mạc công trường xây dựng thành phố Saint Pierre (thánh Phêrô). Cùng với cha Jean Rodhain, Chủ tịch sáng lập cơ quan Cứu trợ Công giáo Pháp (giống như Caritas) và Đức Hồng y Lercaro, Tổng Giám mục Tổng giáo phận Bologne (Ý), ngài vừa chúc lành cho thửa đất trên đó sẽ xây dựng nhà tiếp đón những người khách hành hương nghèo khổ nhất, do cơ quan Cứu trợ Công giáo Pháp tài trợ. Ngài đã đặt viên đá đầu tiên lấy từ hang Massabielle, và trong đó có một tài liệu kể lại biến cố này được niêm phong cẩn thận.

Cha Jean Rodhain, Chủ tịch sáng lập cơ quan Cứu trợ Công giáo Pháp

Công việc xây dựng đã được chuẩn bị ráo riết. Trước đó 15 ngày, Đức cha Théas đã viết thư cho cha Rodhain : “Với ước mong làm cho việc hành hương của những người nghèo khổ bất hạnh trở nên dễ dàng hơn, tôi nghĩ rằng cơ quan Cứu trợ Công giáo có thể thực hiện một dự án mà tôi hằng ấp ủ trong lòng, cũng như đáp ứng lòng khát khao của người Kitô hữu. Vì thế, tôi rất biết ơn cha nếu cha tổ chức được ở Lộ Đức, một thành phố chuyên trợ giúp những khách hành hương nghèo khổ…”.

Không phải tình cờ mà Đức Giám mục giáo phận Lộ Đức ngỏ lời nhờ cha Rodhain. Năm trước, cơ quan Cứu trợ Công giáo đã mở tại Paris hai nhà cho những người nghèo khổ nhất : Cité-Secours Myriam và Notre Dame. Đức cha Théas biết rõ vị linh mục giàu lòng bác ái này. Ngài hiểu rằng nếu cha Rodhain nhận lời, cha sẽ thực hiện đến cùng và sẽ biến ngôi nhà này thành một nơi đặc biệt ở Lộ Đức, chứng từ về lòng bác ái của Giáo Hội đối với những người nghèo khổ nhất. Đây không phải là một trong những sứ điệp mà Đức Mẹ đã gởi đến cho Giáo Hội, khi người không hiện ra với một kẻ quyền thế, nhưng lại tỏ mình ra với Bernadette nghèo khổ đó sao ?

Sự quan phòng của Chúa hết sức kỳ diệu. Vào thời điểm Đức cha Théas xin cha Rodhain giúp đỡ, có một gia đình ở Lộ Đức, gia đình Teillard, quyết định bán một thửa đất rộng 18 héc-ta. Đức cha báo cho cha Rodhain biết và với sự đồng thuận của Hội Đồng Tư Vấn, ngài đến thăm và mua thửa đất này. Ngay chính buổi sáng hôm đó, ngài đặt viên đá đầu tiên xây dựng công trình và xin Chúa chúc lành cho công việc đầy ý nghĩa. Ngài cũng gặp gỡ Đức Tổng Giám mục giáo phận Bologne đang đi hành hương ở Lộ Đức và xin ngài chúc lành cho thửa đất. Đức Hồng y Lercaro là một nhân vật lớn của Giáo Hội, rất nổi tiếng trong lãnh vực xã hội. Lời khẩn cầu của Đức cha Théas và cha Rodhain khiến ngài cảm động. Ngài nói : “Chúng ta phải lấy tình bác ái huynh đệ mà đối xử với người nghèo để đức công bằng của Thiên Chúa chiếu sáng nơi đây. Tôi rất hạnh phúc khi được mời chúc lành cho công trình quan trọng này”.

Cha Jean Rodhain ngắm nhìn Lộ Đức và linh địa Massabielle từ thửa đất mới. Ngài còn nhớ hàng trăm ngàn người hồi hương đã đến tham dự cuộc hành hương do ngài tổ chức tại nơi này, với tư cách là Tổng linh hướng của tù binh chiến tranh. Ngài nhớ đến Chúa nhật 08 tháng 9 năm 1946 và thánh lễ do Đức cha Piguet, Giám mục giáo phận Clermont-Ferrand, người bị lưu đày ở Dachau cử hành, cùng đồng tế với ngài có 17 linh mục khác cũng bị lưu đày, tượng trưng cho tất cả các thánh lễ cử hành “chui” trong suốt 05 năm chiến tranh. Ngài đặc biệt nhớ đến những người khách hành hương tập họp trên cánh đồng cỏ trước Hang Đá. Họ tạo thành một bản đồ sống động, trong đó tất cả mọi người quy tụ với nhau thành từng nhóm tùy nơi họ đã bị giam cầm. Họ cùng nhau tiếp đón các bệnh nhân, lắng nghe bài giảng của cha Riquet, cha giảng thuyết của nhà thờ Đức Bà Paris bị lưu đày ở Fresnes, Compiègne, Mauthausen và Dachau. Cuối cùng, họ tham dự cuộc rước kiệu Thánh Thể. Khi màn đêm buông xuống, ánh sáng của ngọn nến Bernadette được thắp cho tất cả khách hành hương tập trung trước Hang Đá. Một rừng ánh sáng tỏa lan gợi lại lời Tin Mừng : “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp. Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5, 4-9). Ngài thấy cuộc rước đuốc khổng lồ bắt đầu di chuyển, Đức tin bừng sáng và bao trùm thế giới. Đức ái lên đường.

Cha Rodhain quay về phía viên đá đầu tiên của thành phố Saint Pierre. Đức ái phải cứu độ thế giới, đức ái sẽ làm việc đó nhờ cơ quan Cứu trợ Công giáo mà ông đã thành lập năm 1946. Để có thể tiến hành công việc khổng lồ này, cha đã dựa vào kinh nghiệm mạng lưới gia đình và bạn bè đã cộng tác với nhau trong thời chiến tranh. Với một cơ chế được suy nghĩ cẩn thận, với một phương pháp sư phạm tuyệt vời và một hệ thống thông tin hoàn hảo, ngài tổ chức thành những nhóm thiện nguyện liên kết chặt chẽ với nhau. Ông sáng lập tờ báo Messages, mà số bản in nhanh chóng đạt tới 40.000 số, để chống lại sự thiếu hiểu biết là trở ngại quan trọng nhất cho sự liên kết. Đức ái thì khác hơn một máy tự động, dù rất hoàn hảo… Tốt hơn là có một nhóm thiện nguyện để phục vụ và phân phối, và cần phải hiểu rõ ý nghĩa của việc chia sẻ trong Kitô giáo.

 

Đức cha Théas, Đức Hồng y Lercaro và cha Rodhain nhìn viên đá của Hang Massabielle, viên đá của Tin Mừng đã được đặt ở đó, đối với các ngài là biểu tượng của lòng bác ái yêu thương ở Đền Thánh. Trong sự thinh lặng của các tâm hồn, các ngài phó thác cho Chúa tất cả những ai mà chẳng bao lâu nữa thành phố sẽ tiếp đón. Các ngài tin rằng một ngày nào đó, thành phố này sẽ chào mừng hai mươi ngàn khách hành hương mỗi năm, hai mươi ngàn người nghèo trong số các người nghèo mà các khách sạn không tiếp đón họ. Hai mươi ngàn người mà thành phố Saint Pierre tạo điều kiện cho họ tham gia “cuộc hành trình ngập tràn hy vọng”, vì họ rất cần đi đến Lộ Đức để tìm lại ý nghĩa cho cuộc đời của mình. Vào ngày 01 tháng 8 năm 1955, ba trăm người tụ tập trên đồi Béout không thể cảm nhận hết được sự chờ mong của những người nghèo đang khao khát một tia hy vọng và tình huynh đệ của đồng loại. Ai xứng đáng hơn họ để có một ngôi nhà ở Lộ Đức ? Có lẽ ba trăm người âm thầm nghĩ đến Đấng chỉ thấy các cửa đều đóng kín trong tất cả các quán trọ tại Bê-lem. Từ nay về sau, những anh chị em nghèo khổ đi hành hương đến Lộ Đức, có một cánh cửa luôn rộng mở và một bàn tay thân ái chìa ra để xiết chặt bàn tay của họ.

…Cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử…

 

Lm INHAXIÔ HỒ VĂN XUÂN

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm