TÍNH GIẢN DỊ CỦA MỘT CON NGƯỜI VĨ ĐẠI
Tổng thống Charles de Gaulle và Lộ Đức
Ngày 25 tháng 5 năm 1980
Cứ mỗi mùa hè, vào dịp lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, tôi đều lên đường đi đến Lộ Đức thăm ông cậu của tôi, nguyên tuyên úy của Đền Thánh, hiện đang nghỉ hưu trong một nhà nghỉ do các nữ tu điều hành. Tôi luôn quý mến con người này, tuy nhiên lúc còn nhỏ tôi ít có dịp gặp cậu, chỉ khi bắt đầu là thiếu niên tôi mới đến thăm ông cậu đều đặn. Vị tu viện trưởng một thời, nay đã lớn tuổi, có nước da màu trắng của đá cẩm thạch, lúc đầu có thể làm tôi chán nản, nhưng chúng tôi nhanh chóng cùng chia sẻ niềm say mê về lịch sử, chính niềm say mê đó đã xóa bỏ mọi khác biệt giữa chúng tôi. Trí nhớ tuyệt vời của nhà thông thái 94 tuổi này không ngừng làm tôi kinh ngạc đến những năm về sau.
![]() |
Các con đường ở Lộ Đức trở nên vui nhộn trong khí hậu dễ chịu của tháng năm, báo tin kết thúc năm học của các đại học. Khi đẩy cửa nhà nghỉ, tôi mỉm cười với ý tưởng sẽ trò chuyện với cậu về luận án thạc sĩ lịch sử trong tương lai của tôi. Theo thói quen, ông chờ tôi với một ấm nước bốc khói trên bàn đọc sách, được sơ Anna chuẩn bị chu đáo. Tôi thấy ông cậu xanh xao, nhưng giọng nói vẫn còn mạnh mẽ khiến tôi yên tâm.
Sau khi trao đổi vài tin tức của gia đình, mắt của ông cậu sáng lên khi nhìn tôi và hỏi : “Thế nào ?”. Vui mừng vì không phải chờ lâu để trình bày cho cậu về dự định của mình, tôi đưa cho cậu tập bản thảo đề tài của tôi : “Tướng De Gaulle, Tôn giáo và Quốc gia”. Tôi giải thích cho cậu là tôi muốn cho mọi người biết làm thế nào một điều huyền nhiệm lại trở thành bệ phóng chính trị, làm thế nào một vị tướng trở nên một con người đặc biệt vì đã được đức tin nâng đỡ. Tôi vô cùng phấn khởi, trích một vài ghi chú và đọc cho cậu nghe với giọng run run, tâm nguyện của vị tướng, đăng trong Tạp chí Journal d’Égypte vào tháng 4 năm 1941 : “Tôi là một người Pháp tự do. Tôi tin Thiên Chúa và tương lai của Tổ quốc tôi … Tôi chỉ có một mục tiêu duy nhất : Giải phóng nước Pháp”. Nhưng tôi vô cùng thất vọng vì ông nhíu cặp lông mày bạc trắng khi nghe những lời trên :
- Hừ. Phải, đã có những nghiên cứu về vấn đề này, nhưng điều làm cậu ngạc nhiên, đó là góc nhìn mà cháu đã chọn để nghiên cứu, quá cường điệu. Cậu không tin rằng De Gaulle đã nhiệt thành như thế, một cách công khai nhất định là không rồi. Cậu nghĩ rằng vấn đề này cần phải suy nghĩ cẩn thận hơn, trong thẳm sâu của tâm hồn chứ không bằng những lời nói đao to búa lớn. Thật ra ngay từ thời thơ ấu, De Gaulle đã được in đậm dấu ấn của Thiên Chúa trong một gia đình Công giáo đạo đức : chắc hẳn, có một bức tượng Đức Bà của niềm tin nhô ra trên ngôi nhà của gia đình ở Lille, hoặc chú bé được rửa tội năm giờ sau khi sinh, trong khi không có vấn đề gì nguy hiểm cho sức khỏe cả. Chú bé cũng là lễ sinh của nhà thờ, nhờ đó chú rất hiểu về thánh lễ, khiến các sĩ quan tùy tùng hết sức ngạc nhiên. Cháu có biết ngài đã đến đây không?
Tôi ngạc nhiên thật sự khiến ông cậu vui lòng và sẵn sàng trao tặng cho tôi tất cả những gì mà trí nhớ tuyệt vời của ông có được, đó là nhiều giai thoại về đề tài của tôi :
- Lúc De Gaulle được 17 tuổi và đang theo học ở trường các cha Dòng Tên, vào kỳ nghỉ hè năm 1907, cậu đi đến Lộ Đức với tư cách là người khiêng băng ca. Trong một bức thư gởi cho mẹ, cậu kể rằng mình đã chứng kiến một bệnh nhân còn trẻ bị lao phổi được chữa lành. Phép lạ không được nhìn nhận công khai, nhưng De Gaulle bị tác động sâu xa. Tuy nhiên, trong đời sống chính trị, ông luôn giữ kín việc này và cố gắng không nói cho ai biết, trừ lúc ở Colombay, khi ông dự lễ với Yvonne, vợ ông, lúc nghe giảng, ngồi trên chính chiếc ghế trở nên bóng láng do chiếc áo của ông tựa lên trong nhiều năm; hoặc khi ông đã làm Tổng thống Pháp, ông ra lệnh tổ chức thánh lễ riêng ở điện Élysées do cha Luy Chúa Ba Ngôi là cháu của ông - Francois de Gaulle - mà đức tin sắt son khiến ông cảm phục.
- Vậy ngài có một đời sống thiêng liêng nhiệt thành phải không ạ ?
Cậu tôi lấy cặp kính dày cộp ra và dùng áo dòng để lau, rồi tiếp :
- Nhiệt thành … nhiệt thành … cháu muốn nói là một anh hùng trong cả đời sống đức tin à ! Ta tin rằng, điều chính yếu trong mối liên hệ với Thiên Chúa không phải là việc sống đạo của ông hay cuộc đối thoại trí thức với Malraux, nhưng là Anne.
- Anne ?
- À, cháu ơi, vì cháu không tìm hiểu tường tận nên cháu không biết Anne là ai ? Charles và Yvonne de Gaulle có một đứa con gái út sinh năm 1928, tên Anne. Em bị bệnh down. Một điều hết sức lạ lùng là vị tướng hết lòng yêu thương đứa con bất hạnh này.
![]() |
Tượng Bernadette trong khuôn viên Đền Thánh Đức Mẹ Lộc Đức |
Đứng dậy thật khó khăn, cậu tôi đi tìm một quyển sách trong thư viện của cậu, lấy ra một tờ giấy và đọc :
- Việc con gái tôi chào đời là một thử thách cho vợ tôi và tôi. Nhưng, hãy tin tôi, Anne là niềm vui và là sức mạnh của tôi. Cô bé là ân sủng Chúa ban cho cuộc đời tôi. Con bé giúp tôi sống khiêm nhường trong những giới hạn và bất lực của con người. Con bé giúp tôi biết vâng theo thánh ý Chúa. Con bé giúp tôi tin vào ý nghĩa và những biến cố ngẫu nhiên trong cuộc đời chúng tôi, tại nhà của Cha nơi con gái tôi cuối cùng sẽ tìm được vóc dáng tròn đầy và hạnh phúc trọn vẹn của nó.
Vị tướng không bao giờ rời con gái của mình, mỗi chiều ông thử nói với con bé vài lời cầu nguyện mà con gái của ông không thể thốt lên được. Khi Anne chết vào năm 1948, ông viết câu sau đây cho Yvonne : Bây giờ con chúng ta giống như những người khác.
Cậu tôi lại chậm rãi cho biết thêm :
- Nhưng Anne không hoàn toàn chết đâu, ngay cả hôm nay, vì những người trong dòng họ De Gaulle đã thành lập một quỹ mang tên con bé. Cháu hãy hình dung xem các cô gái khuyết tật và nghèo khổ được tiếp đón như thế nào khi đi hành hương ở đây, tại Lộ Đức, chia sẻ chính sự ngạc nhiên mà anh Charles de Gaulle lúc 17 tuổi đã cảm nhận ở hang Massabielle? Cháu có lý, con đường của vị tướng là con đường của đức tin nhưng chắc chắn cháu sẽ thấy hay hơn trong gương mặt của cô bé Anne, cũng như trong tất cả những anh hùng của nhân loại. Stanislas Fumet nói về cô bé như sau : Cô bé dẫn dẵt cha mình trong tất cả mọi con đường trách nhiệm, hiểm nguy, cô đơn và táo bạo, thành công cũng như thất bại. Tất cả đều là con đường của Thiên Chúa.
Sau khi trò chuyện một lúc khá lâu, có người gõ cửa.
- Sơ Anne, sơ đến mời chúng tôi đi ăn tối phải không ?
Tôi đi theo hai tu sĩ đến phòng ăn, không khỏi xúc động khi nghe nói đến tên người em gái của chị nữ tu, và tự hứa với lòng mình sẽ nhớ mãi câu chuyện bất ngờ này, phát sinh từ con tim của một con người vĩ đại được biến đổi nhờ sự đơn sơ của một đứa trẻ.
Amen.
Lm INHAXIÔ HỒ VĂN XUÂN
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.