Thông thường, kho tàng tục ngữ, ca dao được viện dẫn nhằm phô bày vẻ đẹp ngôn ngữ, trí tuệ, giá trị giáo dục đạo lý của người xưa, song thực ra, theo thời gian, kho tàng ấy có những nội dung bị lỗi thời khiến sự vận dụng có khi chỉ tượng trưng, giá trị giáo dục đạo lý không còn như xuất xứ ban đầu trong bối cảnh xã hội đương thời. Sự neo giữ của các con chữ trên dòng chảy cuồn cuộn của thời gian với bao biến thiên không ngừng nghỉ đã biến những giáo huấn cũ đôi khi không còn thích hợp. Xã hội thay đổi, sự giáo huấn đứng yên thì lỗi thời là tất yếu.
![]() |
“Trai năm thê bảy thiếp/ Gái chính chuyên một chồng”. “Ðạo lý” này xuất xứ từ thuở phong kiến ở Phương Ðông, Vua có tam cung lục viện, đàn ông có chức quan hay giàu có lập thê thiếp là chuyện bình thường. Phụ nữ thân phận bất bình đẳng với nam giới, “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Ðàn ông được công nhận quyền lập thê thiếp, sống phóng khoáng cùng nhiều đặc quyền khác như thi cử, chính trị, trong khi phận nữ nhi bị xiềng trói trong vô số răn dạy đạo đức cũng như chế tài từ luật pháp. Trong bối cảnh xã hội hiện đại, khi mà các phong trào nữ quyền mạnh mẽ và địa vị phụ nữ ngày càng cao trong đời sống xã hội, giáo huấn “trai năm thê bảy thiếp...” trở nên kỳ dị, có lẽ chỉ để “bảo tàng đời sống cũ” của ngày xưa, giá trị răn dạy giáo huấn vốn có từ lâu đã không còn. Thậm chí nội dung ấy phạm luật về hôn nhân một vợ một chồng, xúc phạm phụ nữ. Tức cười? Vâng, nhưng đó mới là ví dụ nho nhỏ mà thôi. Buồn ở chỗ ngay cả ngày nay, ở những chốn xa xôi hẻo lánh dân trí thấp, trình độ văn minh tụt hậu, nội dung “đạo lý” bất công như thế vẫn được nhắc lại để hòng duy trì đặc quyền của đàn ông từ thời phong kiến.
“Con vua thì lại làm vua/ Con sãi ở chùa lại quét lá đa/ Chừng nào dân nổi can qua/ Con vua thất thế lại ra quét chùa”. Ðương nhiên, tiếng vọng của những câu ca dao này đến từ thời mà Việt Nam với tôn ti trật tự thứ bậc phân định quan, dân rõ ràng. Nội dung này đến nay không còn phù hợp, nhưng tàn dư của cái cũ có lẽ vẫn còn đây đó trong lòng xã hội hiện đại ở những môi trường bất công, chậm tiến, trì trệ...
Như vậy, bên cạnh những câu tục ngữ ca dao có giá trị thẩm mỹ về ngôn ngữ, giá trị giáo dục đạo lý, xử thế, bất chấp biến thiên dâu bể - vẫn có những nội dung theo thời gian trở nên không thích hợp khiến sự tiếp nhận của con trẻ cần được người lớn đả thông, hướng dẫn, gợi ý.
Nếu so sánh với những nội dung biểu dương nét đẹp đạo đức, như: “Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy” hay “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”... Rõ ràng có khác biệt: tục ngữ, ca dao khi cô đọng nét đẹp đạo đức, nhân văn thuộc về giá trị căn bản của đời sống thì trở nên hằng giá trị, thời gian cùng những đổi thay của xã hội không ảnh hưởng đến thông điệp từ xa xưa. Ở đâu, chế độ nào cũng nâng niu. Còn nội dung lỗi thời, sớm muộn cũng bị đào thải...
NGUYỄN THÀNH CÔNG
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.