Năm 2022, giới quan sát tiếp tục lo ngại về những điểm nóng có nguy cơ bùng nổ thành xung đột tại nhiều khu vực trên thế giới.
1. Ấn Ðộ-Pakistan
Các thế lực hạt nhân tại Nam Á luôn đóng vai trò quan trọng trong bức tranh an ninh của khu vực. Năm 2021, cuộc chiến tại Afghanistan đã khép lại trong sự hỗn loạn và chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden lo ngại tình trạng tương tự có thể tái diễn ở Islamabad. Dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, Nhà Trắng chuyển hướng sang ưu tiên quan hệ với Ấn Ðộ. Washington đặt lại tên cho khu vực là Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương và đổi tên bộ chỉ huy khu vực thành Bộ Tư lệnh Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương.
Chính sách thân Ấn Ðộ càng được đẩy mạnh dưới thời Tổng thống Biden. Ðiều này làm dấy lên quan ngại sau khi Pakistan dường như ngày càng ngả về phía Trung Quốc trước thái độ của Mỹ. Khu vực càng thêm căng thẳng khi Taliban nắm quyền ở Afghanistan và xung đột chực chờ bùng nổ giữa Ấn Ðộ và Trung Quốc tại giới tuyến chung trên dãy Himalaya.
![]() |
2. Libya
Kể từ khi Mỹ can thiệp quân sự Libya và dẫn đến cái chết của nhà lãnh đạo Muammar Gadhafi, tình trạng chia rẽ và bạo lực bao trùm và tiếp tục kéo dài tại quốc gia giàu dầu mỏ của Trung Ðông. Một thập niên nội chiến đã trôi qua và chưa có dấu hiệu sớm kết thúc. Libya vẫn chìm trong những cuộc xung đột do các lực lượng ủy nhiệm của những thế lực của toàn cầu tìm kiếm lợi ích từ cuộc chiến.
Nghị viện nước này buộc phải tuyên bố dời lại cuộc tổng tuyển cử lẽ ra đã được tổ chức cuối tháng 12. Lý do là tình hình hiện tại chưa cho phép Libya diễn ra cuộc bầu cử công bằng và hiệu quả. Hậu quả là đến nay vẫn chưa rõ thời điểm Libya có thể bầu ra tổng thống mới, đủ sức hàn gắn đất nước trước sự lôi kéo ảnh hưởng của các thế lực quân sự nước ngoài hay không. Cũng chính vì bất ổn chính trị mà nước này trở thành điểm xuất phát lý tưởng cho các đường dây tội phạm chuyên đưa lậu người từ châu Phi sang châu Âu. Và từ những chuyến vượt Ðịa Trung Hải bất hợp pháp đó, rất nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra.
![]() |
3. Iran-Israel
Hai thế lực Trung Ðông tiếp tục là điểm nóng của khu vực trong những thập niên gần đây. Các động thái thù địch thỉnh thoảng vẫn xảy ra, chẳng hạn tin tức về vụ Israel không kích láng giềng Syria vào cuối tháng 12. Trong khi đó, phương Tây luôn cho rằng Syria là địa bàn của các lực lượng ủy nhiệm của Iran. Một ngày sau vụ không kích nói trên, các động lực tại khu vực thay đổi mạnh mẽ với chuyến thăm Israel của cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan.
Tại Israel, ông Sullivan tiết lộ Mỹ đã bí mật ấn định hạn chót cho nỗ lực đối thoại với Iran về chương trình hạt nhân của nước này. Ðây là thông tin lập tức làm dấy lên các nghi vấn về khả năng chính quyền Tổng thống Biden và đồng minh của Mỹ có thể chuyển sang viện dẫn phương án quân sự để đối phó tham vọng của chính quyền Tehran trong thời gian tới. Không dừng lại ở đó, Iran vẫn chưa được thuyết phục rằng mình đã trả đũa thành công Mỹ, sau khi chính quyền Tổng thống Trump tổ chức vụ ám sát tướng Qassem Soleimani, chỉ huy lực lượng tinh nhuệ Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) vào ngày 3.2.2020.
![]() |
Hiện trường vụ ám sát tướng Iran |
4. Somalia
Sự hiện diện của Mỹ tại Somalia giảm mạnh sau khi Mỹ dưới thời Tổng thống Trump tuyên bố rút hết lực lượng về nước. Hiện nguy cơ bùng nổ xung đột tại quốc gia châu Phi này đang gia tăng. Các quan ngại về vấn đề nhân đạo đạt đến đỉnh điểm, với báo cáo Liên Hiệp Quốc thống kê được 25% dân số nước này đối mặt nạn đói do hạn hán nghiêm trọng. Hiện khoảng 2,3 triệu người tại Somalia đang sống trong tình cảnh “thiếu thốn nghiêm trọng nước sạch, lương thực và thức ăn cho gia súc do các nguồn dự trữ nước tự nhiên đã khô cạn”.
Bên cạnh đó, Al-Shabab, một nhánh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), tiếp tục là thế lực chết chóc tại khu vực. Các tay súng của nhóm này không ngừng triển khai những vụ tấn công tại Somalia và áp đảo các lực lượng được Mỹ huấn luyện.
![]() |
ÐỊNH NGUYỄN
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.