Chúng ta bắt đầu bước vào tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu trên toàn thế giới (từ ngày 18 đến 25 tháng Giêng hằng năm), tuần lễ mà Giáo hội mong muốn mọi người tìm đến sự hoán cải đích thực, tha thứ lẫn nhau, đối thoại thần học và xây dựng những tương quan huynh đệ… Nói như Ðức Hồng y Kurt Koch, Chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô thì, tìm kiếm sự hiệp nhất giữa các tín hữu Kitô là vượt thắng sự chia rẽ, vì chia rẽ là một vết thương lớn, trái ngược với thánh ý Chúa, gây thiệt hại lớn cho Giáo hội và làm tổn thương việc loan báo Tin Mừng.
![]() |
Vâng, chúng ta không thể thực thi hay nói về sự hiệp nhất rộng lớn, bao quát… trong khi chính trong gia đình mình, hay với những tha nhân xung quanh, hoặc ngay với các anh em đồng đạo… lại có những rạn nứt, xúc xiểm, thiếu bác ái. Công đồng Vatican II đã chỉ ra : “…Trong khi hoạt động cổ võ sự hiệp nhất, các tín hữu Công giáo phải tỏ ra ân cần đối với các anh em, cầu nguyện cho họ, thông đạt cho họ các việc của Giáo hội, khởi xướng bước đầu đi đến với họ. Trước hết cần thành thực và chú ý cân nhắc những gì phải canh tân và thực hiện trong chính gia đình Công giáo để đời sống của Giáo hội làm chứng cách trung thành và rõ rệt hơn về giáo lý và những định chế do Chúa Kitô truyền lại qua các thánh Tông đồ. Dù Giáo hội Công giáo được thừa hưởng toàn thể chân lý do Chúa mạc khải và tất cả những phương tiện ban ân sủng, nhưng các phần tử của Giáo hội lại chưa nhiệt thành sống các mầu nhiệm ấy cho đủ nên khuôn mặt của Giáo hội ít chiếu giãi rực rỡ trước mặt các anh em ly khai và toàn thế giới, và nước Chúa cũng chậm phát triển. Vì thế, tất cả mọi người Công giáo phải hướng đến sự hoàn thiện Kitô giáo, phải tùy theo hoàn cảnh của mình cố gắng làm cho Giáo hội, tuy đang mang trên mình sự khiêm tốn và hy sinh của Chúa Kitô, mỗi ngày một thêm trong sạch và mới mẻ cho tới khi Chúa Kitô cho trình diện trước mặt mình Giáo hội vinh quang không một vết ố, nét nhăn…” (trích Sắc lệnh về Hiệp Nhất).
Cũng vào khung thời gian này, Việt Nam cùng một số nước đang chuẩn bị đón Tết cổ truyền, đánh dấu một năm vừa đi qua với những vui - buồn, thành - bại, khỏe - yếu, thương - ghét… trong mỗi cá nhân, để rồi cố gắng tìm cách để lại phía sau, hướng về năm mới trong những khát vọng thiện lành. Nói theo cách của cổ nhân thì, làm gì thì làm, khi thời khắc giao thừa chạm ngõ, hết thảy cùng “tống cựu nghinh tân”, chào nhau trong bình an, gặp nhau trong những tốt đẹp. Trong một chừng mực nào đó, đây cũng là cách thể hiện tinh thần hiệp nhất mà Giáo hội hướng dẫn. Với người Công giáo, lối suy nghĩ bao dung, cách ứng xử vị tha, “dĩ hòa vi quý” trong ngày Tết còn là cơ hội để giới thiệu gương mặt Ðức Giêsu với những đường nét đẹp và đúng nhất.
Bởi tất cả những lẽ này, trong số báo Tất Niên kết thúc một năm, xin cùng cầu chúc cho nhau trong năm mới mỗi người chúng ta được mặc lấy sự khiêm hạ, hiền lành, rộng lượng, cởi mở với tất cả anh em, để biết khoan thứ bằng tình yêu, từ đó luôn giữ gìn được sự hiệp nhất trong Chúa Xuân…
Công giáo và Dân tộc
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.