Ơn gọi, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi muốn đề cập riêng đến bậc sống thánh hiến. Trong hành trình dấn thân, chắc chắn các linh mục, tu sĩ cũng đã được nuôi dưỡng, hun đúc đức tin qua những môi trường sống…
TỪ NHỮNG QUYỂN SÁCH ÐẠO
Nữ tu Têrêsa Trần Thị Thanh Thúy (Dòng Chúa Quan Phòng La Pommeraye): Chừng 9,10 tuổi, tôi được mẹ mua cho những quyển truyện nhỏ, kể tóm tắt về cuộc đời các thánh. Tôi thích nhất là gương chị thánh Têrêsa, thánh bổn mạng của mình. Tôi đọc thấy chị nói muốn trở thành nữ tu, tôi cũng muốn. Tôi đọc thấy chị ngắm sao trời tìm tên, tôi cũng bắt chước ngắm sao trời để tìm hình chữ T, tên mình. Rồi mẹ mượn cho tôi một quyển tập của chị họ, học nội trú trong nhà dòng. Trong nhiều ghi chép ở quyển tập, có một câu trong Thánh vịnh 36, đánh động tôi và có lẽ là động lực thúc đẩy tôi chọn ơn gọi đi tu: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, và Chúa, chính Chúa, Ngài sẽ ban ơn”. Từ khi tôi 12 tuổi, theo lời mời gọi của cha xứ, mỗi năm vào dịp lễ ơn thiên triệu, tôi đều viết một thư nói lên ước nguyện được trở thành một nữ tu. Ba mẹ tôi luôn để con cái tự do chọn lựa nghề nghiệp, cũng như ơn gọi, nên khi tôi trình bày ước muốn đi tu, ba mẹ đồng ý ngay và luôn khích lệ. Học xong bậc phổ thông, được các chị đi trước giới thiệu, tôi tìm hiểu dòng Chúa Quan Phòng La Pommeraye, thuộc linh đạo Cát Minh. Lúc đó, tôi chưa thật sự hiểu Cát Minh nghĩa là gì, chỉ thấy chị Têrêsa là một trong những vị thánh bổn mạng của dòng, mình rất vui. Tôi cũng thích cách cầu nguyện, đời sống đơn sơ, hiệp thông, tinh thần quốc tế của hội dòng. Ngày tôi đi tu, ba đã nói “con đi tu là cả gia đình cũng đi tu với con”, nghĩa là ba mẹ luôn cầu nguyện, nhưng không bao giờ tạo áp lực cho mình.
YÊU MẾN LINH ÐẠO THẦY GIẢNG
Tu sĩ Phêrô Trần Nhận Minh (Dòng Kitô Vua): Dòng thầy giảng Kitô Vua hiện diện trên đất Việt hơn 130 năm. Với ơn gọi đặc biệt là trở thành thầy giảng, các thầy phụ giúp cha xứ đi dạy giáo lý, tham gia các mục vụ đức tin ở họ đạo, truyền giáo… Từ khi được biết nhà dòng, nhìn những tấm gương mục vụ miệt mài, lặng lẽ và sự dâng hiến cách khiêm nhường của các thầy, tôi đã có ý định xin theo tu học ở dòng để chỉ mong muốn góp chút sức bé mọn của mình làm những việc có ích cho Giáo hội. Tới khi tôi lớn lên, ở họ đạo có một thầy đã lập nhóm dự tu, hướng dẫn các bạn trẻ. Tôi tham gia sinh hoạt và chẳng biết từ lúc nào bị thu hút, cuốn theo. Có lẽ, ơn gọi của tôi đi tu giản đơn chỉ là khao khát dấn thân, làm gì cũng được, miễn là phục vụ vì nhìn thấy cung cách mục vụ của các thầy dòng Kitô vua tại giáo phận mình, tôi được đánh động...
GIA ÐÌNH NUÔI DƯỠNG LÒNG ÐẠO ÐỨC
Ông Trần Cao Khải (Giáo xứ Trung Mỹ Tây, TGP TPHCM): Trong việc phát hiện và ươm mầm ơn gọi linh mục, tu sĩ, tôi nghĩ cần chú ý đến yếu tố giáo dục ở gia đình. Những sinh hoạt đạo đức của gia đình, sự giáo dục của cha mẹ con cái và trước hết là tấm gương sống của cha mẹ, người đi trước có tác động trực tiếp, mãnh liệt đến các con. Tôi còn nhớ hồi nhỏ, khi gia đình còn ở ngoài bắc, cha mẹ tôi tham gia vào các hoạt động trong xứ đạo siêng năng, nhiệt huyết. Trong gia đình, các việc kinh kệ sớm tối luôn được giữ. Con cái siêng năng dự lễ. Tôi và anh trai mình - Giám mục Giuse Trần Xuân Tiếu, nguyên Giám mục Chánh tòa giáo phận Long Xuyên - thuở nhỏ từng tham gia các nhóm Lễ sinh, phong trào Hùng Tâm Dũng Chí để rèn luyện, học hỏi nhân bản, giáo lý… Lớn lên, anh tôi được cha mẹ tôi gởi vào Tiểu Chủng viện. Mấy dịp về thăm nhà, tôi được nghe anh kể về đời sống, tu học, những nét thú vị. Cha mẹ tôi thì luôn khuyến khích con cái đi tu, dâng mình cho Chúa nên lúc nào cũng động viên. Bây giờ, con cháu noi gương thế hệ đi trước, cũng có nhiều người đi tu. Nói tóm lại, ở việc ươm mầm ơn gọi, tôi thấy mẫu số chung của những người đang đi tu là thường xuất thân trong gia đình mà cha mẹ sốt sắng, sùng đạo, có lòng yêu mến Chúa.
TÌNH THƯƠNG CỦA BA…
Nữ tu Elizabeth Trần Thị Quỳnh Giao (Dòng Phan Sinh Thừa Sai Ðức Mẹ): Hành trình theo Chúa là sự chọn lựa đầy quyết tâm của bản thân, nhưng bên cạnh đó, gia đình có vai trò quan trọng. Tôi được ba ủng hộ đi tu. Gia đình tôi, ba mẹ rất quan tâm để giáo dục, thăng tiến con cái. Mong ước của ba mẹ là để các con làm sao lớn lên có thể hiểu biết, tiếp thu tinh hoa văn hóa, kiến thức nhân loại. Ba luôn tạo cho anh chị em chúng tôi môi trường giáo dục tối ưu, thuận lợi. Từ khi tôi còn nhỏ, ba tôi đã có ý hướng tôi đi du học. Ði ở đâu và học gì thì tùy khả năng. Tuy nhiên, đến khi lớn lên, dù đã được chuẩn bị sẵn mọi thứ để đi nước ngoài học, nhưng khi tôi ngỏ ý đi tu, ba tôi cũng ủng hộ. Lúc tôi vào nhà dòng, ba buồn. Buồn lắm chứ vì xa con gái. Nhưng đến hôm đưa tôi vào tập viện tại Ðà Lạt thì chính ba sắm sửa các vật dụng cần thiết rồi tiễn chân, đi với con lên đường. Trong gia đình, ngoài tôi ra còn có hai anh chị lớn đi tu, một người theo dòng Chúa Cứu Thế và người còn lại đi dòng Xitô. Ba mẹ luôn đồng hành với con cái. Từ nhỏ, trong sinh hoạt, ba mẹ đã chú trọng giáo dục nhân bản và khuyến khích con cái dâng mình, có lòng yêu mến Chúa… Có thể nói, vai trò của gia đình và đặc biệt là ba mẹ với con cái trong việc khám phá ơn gọi là quan trọng.
MÁI NHÀ SINH VIÊN CÔNG GIÁO
Ðại chủng sinh Phêrô Nguyễn Minh Triết (Ðại Chủng viện Thánh Quí - Cần Thơ): Những người trẻ Công giáo khi xa gia đình ở quê nhà để bước vào mái trường đại học, cao đẳng tại các thành phố, nếu may mắn được sinh hoạt trong các nhóm sinh viên Công giáo, sống trong các lưu xá, thì đó cũng là nơi nuôi dưỡng ơn gọi. Những ngày tháng còn là sinh viên, tôi tham gia nhóm SVCG Cần Thơ Agape và ở trong lưu xá cùng với anh em. Nơi các lưu xá của nhóm, các thế hệ anh chị và đàn em tôi cũng đã có nhiều người đáp theo tiếng Chúa gọi để sống đời tu. Tại khu vực miền tây, nhiều linh mục, nữ tu trưởng thành từ mái nhà này. Lợi điểm của việc tham gia nhóm và ở cùng lưu xá là được các cha, các sơ đồng hành, huấn giáo, tránh các nguy cơ tệ nạn xã hội, làm mất chính mình. Ðời sống tập thể rèn cho tinh thần đoàn kết, kỷ luật, trách nhiệm, biết yêu thương và tôn trọng nhau. Tôi nhớ những buổi chiều, nhóm chúng tôi cùng kéo nhau đi nhà thờ dự lễ rồi tối về đọc kinh chung. Những ngày cận lễ Trung thu, Noel, các dịp đặc biệt khác, cả nhóm cùng sinh hoạt, diễn kịch,… thi thố với nhau hoặc có khi đến các xứ nghèo miền quê giúp văn nghệ, phục vụ bà con. Những chuyến đi làm nên kỷ niệm của tuổi trẻ. Những ngày tháng ươm mầm, để lòng yêu mến Chúa và đức tin của tôi thêm vững vàng, sau này, khi học xong, tôi đã mạnh dạn thi vào chủng viện.
Bình luận