Thời “bình thường cũ”, người ta coi thành công là du học, có công việc lương cao ngất ngưởng, sở hữu biệt thự và siêu xe, sống phong lưu sang chảnh… Và thường ngưỡng mộ những cá nhân tham vọng, năng động, giỏi ngoại giao, “bắn” ngoại ngữ như gió. Thời “bình thường cũ”, thế giới xoay vần như con thoi, ai cũng muốn bắt kịp xu thế, muốn nhanh chóng thành công khiến xã hội luôn sôi nổi, tươi mới nhưng cũng tạo áp lực làm con người dễ kiệt sức, căng thẳng, tự ti vì không thể theo nổi tiêu chuẩn của số đông.
Lúc chưa có đại dịch, vòng xoáy mưu sinh, chạy đua theo danh vọng lúc nào cũng cuốn con người đi. Hình như người ta chỉ đủ thời gian quan tâm đến thời hạn phải xong công việc, thành tích, lương bổng, thi cử… Ngày ngày bận rộn đến mệt nhoài, chẳng còn thời giờ dành cho gia đình và đam mê cá nhân. Cũng có người quen sống xa hoa, tiêu tiền như nước, không lo tiết kiệm. Dường như người ta có xu hướng tìm kiếm niềm vui, hạnh phúc từ bên ngoài; mong được chú ý và hâm mộ; mơ ước sống giàu sang thành đạt như những người nổi tiếng trên mạng. Nhiều người quay cuồng theo trào lưu, thấy ai làm gì, có gì cũng cố gắng cho “bằng bạn bằng bè”. Chẳng ai ngờ nhịp sống thường nhật của thế giới bị khựng lại. Bỗng chốc người ta chẳng được tự do ra ngoài; trực tiếp nói chuyện với nhau; chẳng được đi cà phê, xem phim hay du lịch cùng hội bạn thậm chí không thể đi học, đi làm; phải đeo khẩu trang mỗi khi ra đường, “chọc mũi” xét nghiệm Covid và khổ sở tiêm vắc xin.
![]() |
Dù tiếc nuối quãng đời trước đại dịch thế nào, mọi thứ sẽ không bao giờ trở lại, quá khứ như “giàn thiên lý đã xa mãi người ơi”. Sau 3 năm, dù không còn quá dữ dội, đại dịch vẫn còn tiếp tục đe dọa tính mạng nhân loại.
Quả thật “cô Vi” đã đem đến biết bao tổn thất và đau thương, nhưng nhờ nó ta ngộ ra những điều từng bị coi nhẹ, lãng quên.
*
Khi Covid lan rộng, tỷ lệ bạo hành gia đình và ly hôn tăng cao do mâu thuẫn xảy ra khi cả nhà bị “cách ly”, không đi học, đi làm được. Bù lại, nhiều gia đình tình cảm đang lạnh nhạt, nhờ cơn hoạn nạn mà gắn bó, thương yêu nhau hơn. Trẻ phải xa thầy cô, bạn bè nhưng lại được “nghỉ Tết dài đến Hè”, có cha mẹ ở nhà với mình thay vì bận rộn đi làm suốt ngày.
Những thanh niên trước bị nói là “tự kỷ”, kém thân thiện, nay vô tình thành “cao thủ quy ẩn giang hồ”. Trong khi người khác than trời vì cô đơn tù túng, họ lại vô cùng thoải mái khi ở nhà một mình, miễn sao có thức ăn và Internet. Những đợt cách ly với họ còn dễ chịu hơn cuộc sống xô bồ của “bình thường cũ”. Có người tận dụng nghỉ dịch để theo đuổi sở thích viết truyện, vẽ, chơi nhạc cụ…
Có khu phố - nơi tình làng nghĩa xóm vốn không quá đậm đà, hàng xóm bỗng bắt chuyện hỏi han, trẻ con dần chơi chung. Các ông “mời” cà phê nhau theo phong cách lạ lùng: Mỗi người yên vị ở hiên nhà mình, cách nhau vài mét, vừa uống cà phê tự pha vừa nói chuyện qua lại. Người ưa hoài niệm thấy như được trở về những năm Internet chưa phổ biến, khi người ta nhìn nhau nói chuyện thay vì nhìn màn hình điện thoại.
Khoảng lặng do “cô Vi” mang lại giúp mỗi người cân bằng lại chính mình. Ai từng oằn mình sống theo miệng đời có cơ hội sống cho bản thân. Ai từng ích kỷ, không quan tâm tới người khác hiểu nối kết xã hội quan trọng thế nào. Rồi việc “cháy hàng” thực phẩm, đi chợ khó khăn do cách ly khiến người dân học cách tiết kiệm, “tích cốc phòng cơ” chứ không phung phí, “ăn xổi ở thì”.
Khi dịch bệnh hoành hành, sinh mạng con người thật mong manh, tiền tài danh vọng, nhà đẹp siêu xe đều hóa phù du. Các giá trị mới và “thành công” mới trỗi dậy. Nhiều người bắt đầu hướng về suối nguồn tâm linh, lắng nghe tiếng nói nội tâm và tìm kiếm hạnh phúc bên trong. Lời dạy ngàn xưa của cổ nhân, của các bậc thánh hiền được khơi lại: Bài học “vô vi” thuận theo tự nhiên của Lão Tử; lời dạy về từ bi hỷ xả, buông bỏ chấp niệm của Ðức Phật; những bài giảng của Chúa Giêsu…
Thước đo thành công thời đại dịch được tính theo địa vị, lương bổng, bằng cấp, thành tựu và tài sản. Thời hậu Covid, nhân loại cần tìm kiếm những thước đo mới. Có lẽ trong tương lai, “Hạnh phúc sẽ là sự giàu có mới. An bình nội tâm sẽ là thành công mới. Sức khỏe sẽ là tài sản mới. Lòng tốt sẽ là sự “rất ngầu” mới” (Syed Balkhi, doanh nhân, nhà đầu tư, chuyên gia tiếp thị người Pakistan). <
Ths-Bs LAN HẢI
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.