Hẳn có người nghĩ “Ối trời, tiệc cưới ở đâu cũng vậy. Ðãi nhà hàng, ăn uống, chúc tụng rồi…ra về”. Thực tế, có những tiệc cưới người đi dự về cứ nhớ mãi và thích kể về nó…
Chúng tôi luôn nhớ về đám cưới vào năm 2000 của một người bạn làm việc tại cảng, điều khiển xe nâng hàng hóa. Sau khi xong lễ cưới, bạn và cô dâu ngồi trên xe nâng đi đến tiệc cưới cách đó vài trăm mét. Buổi “biểu diễn” khiến khách mời ú tim, sợ cô dâu hoặc chú rể hoặc cả hai không may trượt ngã... Tuy nhiên, không chỉ chú rể, cô dâu dường như rất quen thuộc với xe nâng và cả hai đã khiến khách mời no mắt vì ngưỡng mộ.
Một đám cưới đưa - rước dâu trên con đường quê, hai bên là cánh đồng lúa
|
Đám cưới không chỉ là một ngày vui, mà còn là dấu ấn quan trọng của một đôi vợ chồng mới. Họ có thể sẽ nhớ về ngày vui này mà chấp nhận cuộc sống đầy thử thách để đi cùng nhau hết đường đời. Không chỉ họ nhớ, mỗi lần nhắc đến đám cưới của họ, khách mời ngày đó cũng sẽ nhớ. Bà Nguyễn Huỳnh Trang, 50 tuổi (Q.1, TPHCM) kể về lần đi dự đám cưới con một người bạn ở Đồng Tháp cách đây 2 năm: “Chúng tôi học cùng đại học. Sau khi tốt nghiệp, bạn về quê, lập gia đình. Con trai bạn là kỹ sư điện cưới người bạn là y tá trạm y tế xã. Hai nhà cách nhau khoảng 500 mét. Thế là nhà trai đi bộ trên con đường đất đến rước dâu về. Thật vui! Tôi ở Sài Gòn quen tiệc cưới nhà hàng, máy lạnh. Đám cưới ở quê ngồi ngoài sân che rạp. Gió từ sông thổi lên mát rượi. Thích nhất là được đi trên bờ đê. Cảm giác lạ làm sao!”. Ông Nguyễn Tấn Trung, 70 tuổi (Q.5, TPHCM) cũng từng tham dự tiệc cưới của người cháu họ ở quê, đi đưa rước dâu hơn 2 cây số. Không phải đi đường thẳng, họ đi theo đường ruộng rồng rắn kéo dài thật vui. Ông Trung nói đó là đám cưới vui nhất ông từng tham dự.
Không phải đám cưới ở quê đều đi bộ. Bà Đinh Thị Dậu (TP Thủ Đức) nhớ lại lần bà từng đi đám cưới người cháu ở Cao Lãnh. Bà không đi bộ trên bờ đê mà nhà trai rước dâu bằng ghe. Lần đầu tiên đi rước dâu bằng ghe, bà sợ vô cùng. Nhưng hình như mọi người ở đây đã quen vùng sông nước. Họ mạnh dạn, vui vẻ xuống ghe. Ghe chòng chành, ai nấy tỉnh bơ, giữ được thăng bằng dù hai tay bưng tráp trầu cau, quà cưới… Đến nhà gái, họ cũng vững chãi lên bờ đầy tự tin trong khi bà Dậu phải có người dìu lên bờ khi tới nơi. Ấy vậy nhưng đó là đám cưới để lại trong bà ấn tượng khó quên. Bà nói: “Lần đi đám cưới đó vui thiệt, giờ có ai ở quê mời ăn cưới, tui đi liền!”.
Rước dâu qua cầu khỉ
|
Có đám cưới ở quê đãi cả ngày. Khách được mời từ 8 giờ sáng. Ai đến đúng giờ nhập tiệc luôn là tốt, còn ai tới trễ lúc 12 giờ trưa cũng không sao. Khách có thể ngồi vào bàn chờ, trò chuyện cùng gia chủ đến khi có đủ người cho một bàn thì thức ăn sẽ được dọn ra cho dù lúc đó là 3 giờ chiều. Điều này khác hẳn với thành phố, khách mời đều được đãi một lượt và ra về cùng một lúc.
Ở vùng sông nước miền Tây, ngoài chuyện đưa rước dâu với hàng dài người đi bộ rồng rắn, hay đi ghe, đi đò…, còn một cảm giác không vui và thoải mái chút nào khi rước dâu qua những cây cầu khỉ nối hai bờ con mương lớn hay con rạch nhỏ. Anh Nguyễn Văn Tuấn, 28 tuổi (Q.Gò Vấp, TPHCM) hồi tưởng lại ba năm trước, anh và các bạn xuống tận Cà Mau dự đám cưới người bạn học: “Nhà nó tuốt trong bưng. Ui cha, từ nhà đó qua nhà cô dâu phải qua 5 cây cầu khỉ. Có cây ngắn chỉ một cái xoạc chân là tới. Cũng có cây hơn 10 mét. Dân địa phương sang cầu khỉ như họ đi trên bờ. Họ đi nhanh nhẹn trên 2 hay 3 thân tre mỏng manh. Lần đầu đi cầu khỉ, tôi rất run. Là con trai, tôi cũng phải nín thở đi nhích từ từ. Các bạn gái bỏ hết giày dép, cột vào nhau, đeo qua cổ hay nhờ người cầm ném qua bên kia bờ để rảnh tay nắm tay cầm của cầu khỉ đi qua. Dù có người dẫn, các bạn nữ có người bò, có người lết từng chút. Qua được cây cầu, chúng tôi cười rú lên vui vẻ…”. Cũng theo Tuấn, cười vui khi qua xong cây cầu ấy thì anh lại… rầu tiếp khi trước mắt là một cầu tre lắt lẻo nữa. Phải đi hết cây cầu ngắn đến cây cầu dài. Tuy nhiên, đó là một đám cưới vui và đầm ấm nhất mà chàng trai Sài Gòn này từng được dự.
Những đám cưới miền sông nước dù đi bộ, đi ghe hay qua cầu khỉ cũng tới được địa điểm đãi ăn. Có những đám cưới diễn ra ngay trên sông. Anh Lê Ngọc, 34 tuổi (Q.3, TPHCM) nhớ mãi lần sang Campuchia dự tiệc cưới trên con thuyền nhỏ vùng Biển Hồ: “Nơi đó khá nhiều người Việt sinh sống. Anh tôi sang Campuchia làm việc rồi cưới vợ, cũng là người Việt sang bên ấy buôn bán. Lễ cưới và tiệc được bày ra trên thuyền. Khách mời và gia chủ vừa thưởng thức những món ăn độc đáo của 2 dân tộc Khmer và Việt Nam, vừa được thuyền chở lênh đênh quanh vùng Biển Hồ. Gió thổi lồng lộng mát rượi. Thật thú vị vô cùng. Giờ làm sao tìm được cảm giác ấy dù có ngồi trên nhà hàng thủy tạ ở Đà Lạt hay nhà hàng Mỹ Cảnh ở Sài Gòn!”.
Cô dâu, chú rể ngồi trên xe nâng đi đến tiệc cưới…
|
Người thành phố ấn tượng lạ lẫm với đám cưới vùng quê thế nào thì người vùng quê cũng không khỏi bỡ ngỡ khi được mời dự tiệc con cháu tại thành phố. Bà Nguyễn Thị Nay, 47 tuổi, sống tại An Giang cho biết: “Tôi được chị tôi, người lên Sài Gòn lập nghiệp 20 năm trước, mời dự tiệc cháu tại nhà hàng trên đường Đồng Khởi. Tôi được xe hơi của chị chở đến. Ban đầu mình không dám vào vì chung quanh đèn đuốc sáng rực, ai ai cũng mặc đầm, đeo đồ trang sức lóng lánh. Chị tôi sau khi nhờ người nhà hàng mang xe đậu nơi khác liền nhẹ nhàng nắm tay tôi dẫn vào trong. Chao ôi, tiệc cưới được dọn trong một phòng rộng, đèn chùm rực rỡ. Ngang qua sảnh, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những mái vòm thật cao và trang trí thật sang trọng!...”. Bà Nay cũng chia sẻ thêm rằng, vì lên thành phố dự đám cưới nên bà được chị gái cho mượn chiếc áo dài nhung và cũng đeo thêm đồ trang sức để “bắt kịp” người thị thành, tự tin hơn một chút khi bước vào sảnh tiệc…
Ngoài những nhà hàng tiệc cưới được trang hoàng lộng lẫy, người miền quê còn lạ lẫm không kém với “giờ dây thun” của những tiệc cưới tại thành phố. Bà Lê Thị Mẫn, quê Vĩnh Long nói, đám cưới ở quê đãi suốt, chỉ cần đúng giờ khai tiệc. Và từ đó đến chiều tối lai rai, ai đến trước sau gì miễn đủ bàn 10 người là thức ăn được dọn ra. Có khi khách được mời tiệc buổi trưa, ăn xong nhậu lai rai với gia chủ để rồi chiều nhập tiệc tiếp. Người miền quê vui vẻ hết, luôn bảo: chỉ tốn đôi đũa với cái chén thôi chứ gì!... Còn ở thành phố, thiệp ghi 6g30 nhưng có khi 7g30 hoặc 8 giờ mới nhập tiệc. Tiệc cưới thành phố đãi một lần, khách về một lượt. Khách lại xài “giờ dây thun”, nhà hàng phải chờ khách ngồi đủ hết các bàn mới dọn món. Cho nên trước khi đi tiệc cưới tại nhà hàng, có người phải bỏ bụng chút gì ở nhà mới tránh được cảm giác đói cồn cào trước khi nhập tiệc.
Dù thành phố hay thôn quê, dự tiệc cưới luôn là dịp vui vẻ và là lúc chúng ta khám phá những thói quen, những tập tục và cả những cảm giác lạ lẫm của người nơi khác đến.
NGUYỄN NGỌC HÀ
Bình luận